Người đàn bà khiếm thính đam mê văn chương và viết báo

(ĐHVO). “Tôi ngồi sụp xuống bậc cầu thang. Âm thanh đâu rồi? Những tiếng động đâu rồi? Sao tôi không nghe thấy gì hết? Sao tai tôi như có ngàn bức tường vít lại? Hoảng hốt, sợ hãi, tôi hét gọi: Mẹ ơi!”- Đó là những lời tâm sự của chị Dư

Phương Liên, kể lại đang mang bầu con trai đầu lòng vào tháng thứ 6, tai chị không còn nghe được bất kỳ âm thanh nào nữa. Bác sĩ cho biết: chị bị điếc không rõ nguyên nhân.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi vừa sinh đứa con trai đầu lòng, các bác sĩ phát hiện trong đầu chị có một khối u nhưng phát hiện muộn quá nên cuộc đại phẫu này là cuộc chiến sinh tử, cơ hội sống hết sức mong manh! Và cũng từ đây, sự nghiệp giảng dạy của chị khép lại; 26 tuổi, chị trở thành người điếc, một bên mắt mờ, mắt đục và những ngày đau ốm triền miên, chống chọi với bệnh tật…

Chị Dư Thị Phương Liên (bên trái) giao tiếp với Phóng viên Tạp chí Đồng Hành Việt qua viết chữ to trên giấy (ảnh: Trang Nhung).

Chúng tôi đến thăm chị khi chị đang ấp ủ ra mắt một cuốn sách tự truyện. Đón tiếp chúng tôi là nụ cười niềm nở của chị và gia đình. Cậu con trai học lớp 8 nhanh nhẹn chào hỏi và lấy cây bút dạ và tập giấy viết ra để chúng tôi “giao tiếp” với mẹ cháu.

Sau màn chào hỏi, giới thiệu, chị kể về cuộc đời chị…

 

 

 

Chị Phương Liên bên chồng con và mẹ đẻ (ảnh: Trang Nhung).

Chị là Dư Thị Phương Liên (sinh năm 1981, Hà Đông, Hà Nội). Chị vốn là cô giáo dạy văn cấp 2 cách nhà 30km. Cũng tại đây, chị gặp anh, đồng nghiệp dạy toán cùng trường, tình yêu của họ nhận được sự chúc phúc của gia đình và bạn bè. Niềm vui chuẩn bị đón đứa con trai đầu lòng chưa được bao lâu thì bỗng nhiên chị bị điếc khi đang mang bầu ở tháng thứ sáu.

Cuộc đại phẫu giành lấy sự sống…

Khi vào viện sinh con, cũng là lúc bác sĩ phát hiện chị có hai khối u lớn đè lên dây thần kinh thính giác, khối u bên trái đã lớn đến mức vỡ ra, bây giờ mổ là quá muộn nhưng mọi người tuyệt nhiên giấu chị. Đứa con trai nặng 2,6 kg chào đời trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình, thì cũng là lúc chị phải cách ly con để làm vô số các thủ tục xét nghiệm.

Ngày hôm đó, chồng chị sửa soạn mặc cho chị bộ váy đẹp nhất, kẹp tóc gọn gàng để chụp ảnh với con và gia đình. Nhưng chị đâu biết, ngày hôm đó là ngày chị sẽ bước vào cuộc đại phẫu, giữa ranh giới sự sống và cái chết, hy vọng sống của chị rất mong manh, nhưng chị lại nghĩ đó là cuộc phẫu thuật để chữa điếc…

Sau 6 tiếng phẫu thuật, chị tỉnh lại và được nghe mình vừa trải qua trận chiến sinh tử. Chị đã giành lại được sự sống nhưng trong tình trạng liệt nửa người, từ ăn uống, vệ sinh…phải có người giúp.

Suy sụp, muốn kết thúc cuộc sống!

26 tuổi, chị bị điếc vĩnh viễn, một bên mắt bị loét giác mạc không nhìn được nữa, sự nghiệp giảng dạy của chị đóng lại, giấc mơ làm người vợ đảm, chăm sóc chồng con cũng tan tành. Nhìn mình trong gương, hình ảnh đầu cạo trọc, miệng méo xệch, đôi mắt đỏ hoe sau cuộc đại phẫu và đôi tai không còn được nghe bất kỳ âm thanh gì nữa. Chị suy sụp! Hình ảnh xinh xắn, nhanh nhẹn ngày xưa đâu còn nữa.

Sau lần mổ u não, chị như trở thành một con người khác, mang một gương mặt xấu xí, khó gần. Chị khóc, chua chát, cay đắng cho số phận nghiệt ngã của mình. Những ngày sau đó, là những ngày triền miên trong đau ốm, hết thuốc này, viện kia. Bác sĩ cho biết: trong người chị đã lên rất nhiều khối u li ti dọc sống lưng và sẽ để  lại nhiều biến chứng…

Có lần mẹ chị đỡ chị dậy để mặc đồ, nhưng chị đứng không vững, ngã nhoài xuống sàn; đau đớn, chị lấy hết sức lực yếu ớt để dồn vào bàn tay tự tát vào mặt mình, như tát vào kẻ vô dụng, yếu ớt làm khổ người thân. Nhiều đêm chị gào khóc, sao ông trời lại bắt chị chịu nhiều đớn đau và tủi hờn như thế. Sao không kết thúc chuỗi ngày đau đớn, bệnh tật của chị…

Tình yêu thương vô hạn của mẹ đẻ và bố mẹ chồng

Mẹ đẻ là người ngày đêm túc trực bên chị. Có lần xoa bóp người cho chị, bà khóc: “Mẹ chỉ có một mình con, nếu con chết thì mẹ sống làm gì nữa”. Với mẹ đẻ như vậy, nhưng mẹ chồng cũng như người mẹ sinh ra chị lần thứ hai.

Những ngày đau, những ngày sốt, những ngày nhập viện, chị nằm trên giường bệnh, mẹ đẻ và mẹ chồng thay nhau chăm chị, từ ăn uống, giúp chị vệ sinh, lau người, giặt giũ… Có nhiều ngày, mẹ đẻ ở nhà chăm cháu, còn mẹ chồng bao đêm nằm trên mảnh giấy mỏng manh trải trên sàn gạch lạnh, túc trực bên chị, xúc từng thìa cơm, lau người, thay bỉm…cho chị. Cũng vì thế mà mẹ đẻ từng nói với chị rằng: “Sau này mẹ chết đi, mẹ sẽ nhờ mẹ chồng lên ở với con, chăm con những lúc ốm đau. Vì bà thật lòng thương con như con đẻ…”

Mỗi khi nghĩ về gia đình chồng, chị lại nghĩ đó là món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho một con người bệnh tật, kém may mắn như chị. Khi bố chồng chị, ở cái tuổi ngoài 70, cũng cõng chị lên cầu thang vì sợ chị đi lại không vững… Ngày chị ra viện, bố chồng ân cần, hỏi han xem chị thích ăn món gì.

Tấm chân tình của chồng và tình cảm của con trai…

Nhiều đêm chị khóc, chị muốn từ bỏ cuộc chiến này, muốn đầu hàng số phận. Chị thấy có lỗi mẹ, với gia đình, với người chồng hết mực yêu thương mình. Có nhiều lần chị đề nghị ly hôn để giải thoát cho anh. Nhưng anh “để ngoài tai”, ngày ngày lên lớp dạy học, tối về tắm giặt, ân cần chăm sóc chị, từng bữa cơm, giấc ngủ. Tối đến, anh lại xoa bóp người cho chị bớt đau, cắt từng móng tay, móng chân cho chị.

Ảnh cưới của vợ chồng chị Phương Liên (ảnh: NVCC).

Mười bốn năm làm vợ là mười bốn năm bệnh tật, chị chưa một ngày làm tròn bổn phận của người vợ. Chị cũng buồn cho anh khi bất hạnh lấy phải người vợ bệnh tật, nhưng anh chưa một ngày than thở; anh vẫn cần mẫn nấu những món ăn chị thích và vẫn tặng chị những bó hoa tươi vào những ngày lễ. Anh vẫn chân thành, chu đáo như anh của ngày đầu gặp chị và chị gọi anh là “mối tình định mệnh” của mình.

Từ ngày sinh con, chị không muốn rời con nửa bước nhưng chị buồn về bản thân mình bệnh tật, chẳng thể chăm sóc con hằng ngày; chỉ có thể nhìn con lớn lên, mà chưa một lần dắt tay con, đưa con đến trường như bao bà mẹ khác.

Trở thành cô giáo của con

Là người mẹ điếc và bệnh tật, nhưng chị khao khát được “nghe tiếng con” hơn bất kỳ những điều quý giá nào. Chị kiên trì tập đọc được ký hiệu môi và không ngại lăn xả giao tiếp với mọi người. Chị khao khát được trò chuyện với con. Nên những cử động dù là nhỏ nhất của con, chị đều cố gắng cảm nhận và cứ như vậy, hai mẹ con trở thành “bạn” của nhau. Từ lúc nào, con trai chị lại trở thành “người phiên dịch” cho chị với mọi người. Chị cũng kiêm luôn gia sư cho con từ khi con vào lớp 1. Đối với chị, dạy học là niềm yêu thích và đam mê lớn nhất. Thấy con học hành tiến bộ, chị mừng lắm. Hàng xóm thấy vậy, cũng gửi con cho chị dạy kèm. Lần đầu tiên, chị cảm thấy mình không hề vô dụng! Nhiều lần, chị cảm động khi con “diễn đạt” tình yêu với chị: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, con yêu mẹ lắm. Con chỉ cần mẹ mãi ở bên cạnh con thôi…”

Động lực đó càng thôi thúc chị tìm kiếm việc làm, chị tập đánh máy, tập viết, làm video ảnh, nhận thiết kế giáo án điện tử, nhận trông trẻ… việc gì chị có thể làm được, chị làm hết.

Tập viết báo và có đến hơn trăm bài được đăng

Sau khi tạm ổn với những kỹ năng về máy tính, chị lại nghĩ đến việc viết lách. Dù đau ốm, bệnh tật nhưng tình yêu với văn chương không bao giờ nguôi. Chị đã kiến trì viết và gửi cho các báo. Tính đến nay, chị đã có đến hơn trăm bài viết được đăng trên các báo: Tuổi Trẻ, Dân Trí, Vietnamnet… với bút danh Hà Đông. Trong số đó, có những bài viết được giải báo chí như cuộc thi “Mẹ chồng nàng dâu” do báo Phụ nữ tổ chức năm 2016; cuộc thi “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2018…

Một số bài viết của chị Phương Liên (bút danh Hà Đông) được đăng trên các báo: Phụ Nữ Việt nam, Dân Trí, Vietnamnet…


Chị Phương Liên (cầm hoa) nhận giải “Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi” của báo Tuổi Trẻ với bài viết “Mọi âm thanh chợt tắt” năm 2018.

Bóng tối ập đến…

Một lần nữa, bóng tối lại ập đến, khi con mắt còn lại của chị không còn thấy gì nữa. Chị hoảng loạn và cầu xin một phép màu ban cho chị được thấy ánh sáng. Chị đã điếc rồi, đã đau đớn rồi nhưng chỉ cầu mong phép màu giúp chị được nhìn thấy, để phân biệt được ngày và đêm, được nhìn thấy chồng con và người thân yêu đang chăm sóc mình mỗi ngày. Cuối cùng, mắt phải của chị cũng được phẫu thuật và nhìn le lói… Như vậy, với chị là hạnh phúc rồi.

Cuối năm 2018, bác sĩ xem phim và sửng sốt với các khối u chi chít của chị: u tủy cổ, u thắt lưng, u xương cục…và kết luận chị bị ung thư! Ban đầu, gia đình định giấu chị, nhưng chị lại bình thản đón nhận nó giống như đã có sự chuẩn bị. Mẹ và chồng chị đôn đáo chạy khắp nơi, ai mách ông thầy nào hay, thuốc nào tốt… cũng đưa chị đến. Cuối cùng, không biết do hợp thầy hợp thuốc, mà chị kiên nhẫn uống đều một năm thuốc sắc mà bệnh tình của chị cũng ổn định hơn.

Ấp ủ ra mắt cuốn tự truyện…

Trải qua nhiều cơn bĩ cực của bệnh tật, khao khát được trở thành người có ích, được sống trong nghiệp viết lại càng cháy bỏng. Gần một năm qua, với sự hỗ trợ đánh máy của con trai, chị đã viết một cuốn tự truyện của riêng mình. Cuốn tự truyện kể về những năm tháng tuổi thơ, thời sinh viên, những ngày dạy học, tình yêu, bạn bè… và hơn cả là tình cảm gia đình, những người đã chăm sóc, yêu thương chị thầm lặng suốt nhiều năm qua. Chị biết ơn họ! Chị muốn thông qua tự truyện của mình để gửi gắm tình cảm với những người đã xuất hiện trong cuộc đời chị và cũng giống như thông điệp biết ơn và nghị lực sống mà chị muốn truyền tải.

“Dù có chuyện gì chăng nữa, thế gian vẫn mở cho ta một con đường. Mỗi sáng thức dậy, tôi vẫn tập đi trên con đường cũ, hàng cây cũ, có điều khác xưa là mẹ dắt tôi, chồng dắt tôi đi. Phía trước mờ mịt, nhòe nhoẹt như tương lai của tôi vậy nhưng còn gắng sức được ngày nào, tôi còn bước tiếp…”- Chị Phương Liên cười chia sẻ.

Trang Nhung

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang