(ĐHVO). Trợ cấp xã hội là khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ khác cấp cho các đối tượng kém may mắn trong xã hội để giúp họ ổn định cuộc sống và khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, những quy định về các khoản trợ cấp hiện nay còn khá rắc rối, khiến cho người dân chưa thực sự hiểu rõ được quyền lợi của mình.
Bạn đọc hỏi: Gia đình anh Nguyễn Văn Thưởng là hộ nghèo của xã và thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước. Vợ anh Thưởng mất sớm, một mình anh phải nuôi 2 con đang trong độ tuổi đến trường. Trong lần đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập, anh Thưởng bị tai nạn lao động và phải đi cấp cứu. Sau quá trình điều trị, anh được Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm 80% khả năng lao động. Vậy anh Thưởng có được hưởng thêm mức trợ cấp của người khuyết tật không hay chỉ được hưởng mức trợ cấp của hộ nghèo như ban đầu.
Luật sư tư vấn: Để giải đáp câu hỏi của bạn, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt mời Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
1.Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 28/2014/NĐ-CP
– Nghị định 20/2021/NĐ-CP
– Luật Người khuyết tật 2010
2.Nội dung tư vấn:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khuyết tật về xác định mức độ khuyết tật thì:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
Theo đó, anh T thuộc trường hợp khuyết tật nặng.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là người đơn thân nghèo đang nuôi con (người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất) thì được hưởng các chế độ sau:
– Chế độ đối với người đơn thân nghèo đang nuôi con, hệ số tương ứng là 1,0 đối với mỗi một con đang nuôi.
– Trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.
Ngoài các khoản trợ cấp trên, họ sẽ được sẽ được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng dành cho người khuyết tật mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Như vậy, anh T được hưởng chế độ của người khuyết tật và chế độ của người đơn thân nghèo đang nuôi con.
Hồng Thái