Người chiến sĩ áo trắng “chiến đấu” trongThành cổ QuảngTrị

(ĐHVO). Đã 43 năm trôi qua nhưng câu chuyện về người chiến sĩ áo trắng Lê Văn An, vẫn được đồng đội kể lại với lòng biết ơn và sự trân trọng. Những câu chuyện đầy xúc động về tình đồng chí, đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù để “cướp” thương binh vào hầm phẫu trong 81 ngày đêm chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị vẫn được tái hiện nguyên vẹn trong kí ức đồng đội.

81 ngày đêm “cướp cứu” và cấp cứu của Bác sĩ Lê Văn An, nguyên Viện trưởng Viện 51 đặc khu Quảng Ninh, nay là Quân khu 3. Ông là bác sĩ cuối cùng rút khỏi Thành cổ Quảng Trị. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhìn ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, đôi mắt sáng và giọng nói hào sảng. Ông kể: “Dù gia đình không có người theo nghiệp y nhưng ngay từ nhỏ tôi luôn ao ước được làm bác sĩ, nên đã quyết tâm thi đỗ Học viện Quân y, niên khóa 1966 – 1972. Kết thúc khóa học tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Làm giảng viên chưa được bao lâu, theo lệnh của Bộ Quốc phòng, tôi cùng 700 cán bộ, giảng viên, sinh viên đi phục vụ chiến trường. Đoàn được chia thành nhiều nhóm, phục vụ từ nam Quân khu 4 trở vào chiến trường B5. Đến giai đoạn 2 của chiến dịch, tôi được bổ sung về Đại đội quân y, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chốt giữ Thành cổ Quảng Trị”.

Le-van-an

Bác sĩ Lê Văn An (Ảnh nguồn internet)

Trò chuyện với chúng tôi, ông còn nhớ như in trên đường đi vào trong thành theo lệnh điều động, các làng mạc đã xác xơ vì bom đạn, không một mái nhà, gốc cây nào còn nguyên vẹn. Vào mùa mưa ở Quảng Trị, mưa tầm tã, nước sông Thạch Hãn dâng cao, trong khi bom pháo các loại vẫn “rải thảm” trên không. Đội phẫu phải chèo thuyền cao su để sang sông, tới bờ bên thị xã, đội phẫu vừa tránh đạn pháo, vừa phải bò men theo mép hào giao thông chạy vào hầm phẫu. Cảnh tượng ác liệt đầu tiên đập vào mắt đội phẫu là thương binh nằm, ngồi la liệt lẫn với tử sỹ chưa được chôn cất. Công việc hết sức khó khăn và vất vả trong khi đội phẫu do ông chỉ huy khi đó còn có 2 sinh viên và 10 nhân viên phục vụ (trong đó có 5 y tá và 5 chiến sĩ vận tải), nhiệm vụ chính là “cướp cứu” và cấp cứu. Lý giải tại sao lại gọi là “cướp cứu”, ông cho biết: Thời điểm đó, ta và địch giành giật từng tấc đất, đội phẫu luôn đi theo sau bộ đội, nếu có ai bị thương là “cướp” về sau để cấp cứu luôn. Vừa tránh làn đạn của kẻ thù, vừa đi theo sau để kịp thời ứng cứu cho đồng đội nên chúng tôi gọi nhiệm vụ của mình và đội phẫu là “vừa cướp cứu, vừa cấp cứu”. Kể đến đây, giọng ông như trùng lại, bởi những ký ức của những năm tháng chiến tranh ác liệt cứ ám ảnh ông, “chỉ trong một đêm số thương binh nặng dồn về hầm phẫu càng lúc càng đông, cơ sở thuốc và bông băng đã hết hoặc bị vùi lấp do bom phá, công tác chuyển thương binh trở thành vấn đề cấp bách. Trong thời khắc sinh tử ấy, đêm 16 tháng 9 năm 1972, có lẽ ông và đội phẫu không bao giờ quên được. Địch bắn phá ác liệt, số thương binh bị thương càng lúc càng nhiều, cả đội phẫu không còn có một cuộn băng, một ống thuốc, không có cơm ăn đã mấy tuần, chỉ có lương khô. Nước uống được múc từ hố bom hoặc chờ đêm địch dừng bắn, bò xuống sông lấy nước về. cả thương binh lẫn đội phẫu đều không được ngủ; ngày cũng như đêm cố thủ trong hầm. Sau khi giành được thắng lợi, nhận được lệnh rút khỏi Thành cổ, lúc này trong hầm phẫu còn 22 thương binh. 22 giờ, đội phẫu tổ chức cho thương binh chuyển về phía sau với phương châm ai còn đi được thì dùng bao ny lon đựng gạo làm phao bơi qua sông. Những thương binh nặng bám chiến sỹ vận tải dìu sang. Gần 3 giờ sáng, thương binh cuối cùng bị gãy hai xương cẳng chân được đặt lên phao, bác sĩ An cột vào người, vừa bơi vừa kéo sang sông. Là những người rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau cùng, kết thúc 81 ngày đêm cùng đồng đội chốt giữ thành cổ Quảng Trị, đội phẫu của bác sĩ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến phút cuối cùng của chiến dịch.

Cuộc gặp gỡ đầy xúc động Sau khi cuộc chiến đấu ác liệt trong Thành cổ kết thúc, để ghi nhận những đóng góp của Ông cùng đội phẫu, Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Đội phẫu được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba. Bác sĩ An lại trở về tiếp tục công việc giảng dạy tại Khoa phẫu thuật thực hành của Học viện với quân hàm Trung úy. Trải qua nhiều cuộc chiến từ chiến trường B3 Tây Nguyên, chiến trường Tây Nam đến chiến trường campuchia, năm 1981, ông tiếp tục theo học 3 năm sau đại học. Sau khi hoàn thành khóa học, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện 51 đặc khu Quảng Ninh nay là Quân khu 3. Hàng năm, đội “chiến sỹ Thành cổ” trong đó có bác sĩ An lại tổ chức gặp nhau trong niềm hân hoan khó tả. Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi mắt đã hằn sâu kí ức của một thời khói lửa. Bao nhiêu năm sau ngày giải phóng, ông cùng đồng đội trở lại thành cổ, thắp những nén hương để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Bên dòng sông Thạch Hãn năm xưa, giờ không còn tiếng bom rền đạn réo, chỉ còn những ngọn nến lung linh nối đuôi nhau như cảnh tượng năm xưa ông và đội phẫu cùng nhau dìu thương binh vượt qua sông Thạch Hãn.

Trải qua nhiều trận chiến khác nhau, trải qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng trận chiến 81 ngày đêm trong “chảo lửa” Thành cổ đối với ông và đội phẫu không bao giờ quên được. Ngôi nhà nhỏ của Ông, giờ không phải là nơi “cướp cứu” và cấp cứu như trong Thành cổ Quảng Trị năm xưa, nhưng vẫn là nơi luôn mở rộng cửa đón đồng đội hay những người thân của đồng đội tìm đến để chữa bệnh. Chia tay chúng tôi, Ông tâm sự: “Tất cả nhưng gì chúng tôi làm được là rất nhỏ bé so với sự hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ, tôi không muốn ai gọi tôi với bất kỳ chức vụ gì mà hãy gọi tôi bằng tên duy nhất “Bác sĩ của Thành cổ Quảng Trị””.

Thu Trang

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang