(ĐHVO). Có một chuyện tình cổ tích ngay giữa đời thường giữa hoa khôi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng chàng trai khuyết tật giàu nghị lực Trần Thủ Đô.
Vợ chồng Đô và cháu Hoàng Anh
Đến thăm gia đình Đô cùng với anh Ngô Đức Kế, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chúng tôi nhận được sự tiếp đón chu đáo từ gia đình, cũng như được lắng nghe câu chuyện kể về nghị lực sống và mối tình đẹp của chàng trai khuyết tật đã ngoài 30.
Căn nhà của Đô rộng rãi khang trang, mặc dù rất nhiều đồ, hàng chục màn hình máy tính và nhiều linh, phụ kiện điện tử nhưng được xếp ngăn nắp. Mặc dù ngồi trên xe lăn, nhưng ở Đô vẫn toát lên phong thái nhanh nhẹn, nhiệt tình. Sinh năm 1988, Đô hiện đang là Hội viên tiêu biểu của Hội người khuyết tật huyện, và cũng là một tấm gương vượt khó, tự lập, làm việc có ích cho gia đình, xã hội.
Nhìn thấy vẻ muốn hỏi chuyện của tôi, Đô tiếp lời trước:“Em ngồi xe lăn từ nhỏ anh ạ, tai biến trong lần mổ bàng quang, nhiễm trùng dẫn đến teo hai chân! Ngày xưa nhà em nghèo lắm, nhà có 3 anh em, em là thứ hai. Thời kỳ đó nhà không có điều kiện, thóc, gạo ăn đong, y tế còn lạc hậu, nếu thời giờ chắc có thể khác!”.
Căn bệnh tai biến quái ác đã lấy đi đôi chân, tước đi nhiều hoài bão của chàng trai trẻ nhưng không khiến cậu đầu hàng trước cuộc sống. Cậu tiếp: “Nhà em ngày xưa ở trong cùng ngõ, căn nhà này mãi sau này nhà em mua đất mới xây lên, trước kia sau nhà là con sông nối với nhiều tuyến đường thủy đi liên tỉnh. Thời kỳ đó bố mẹ em làm đủ nghề để mưu sinh, vất vả kiếm sống nuôi chúng em ăn học,…” Sự vất vả của bố mẹ khiến Đô, mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng học hành, bươn chải nhiều công việc khác nhau và giờ đây cuộc sống có thể coi là ổn định khi Đô có việc làm phù hợp với khả năng cùng người vợ hết lòng yêu thương và một cậu bé trai kháu khỉnh. Tôi hỏi, em cưới lâu chưa?. Thoáng chút ngượng nghịu, bối rối, nét mặt rặng rỡ và nụ cười duyên:“Bọn em cưới nhau mấy năm rồi, đăng ký kết hôn lâu rồi nhưng còn một số thủ tục chưa làm anh ạ!”.
Đô kể với giọng hào hứng: “Em và vợ quen nhau cũng lâu rồi, từ một lần tình cờ, ngày ấy em học hết phổ thông, gia đình khó khăn. Không chấp nhận sự tàn phế, hai chân đã teo nhưng còn cái đầu, đôi bàn tay để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ cha mẹ, và còn cả một tương lai phía trước. Em đăng ký vào lớp sơ cấp nghề sửa chữa máy vi tính ở Trung tâm máy tính Hòa Bình. May mắn trong thời gian ấy em gặp lại vợ em, người mà trước đó trong một lần tình cờ hai người biết nhau qua điện thoại, lúc đó vợ em đang học đại học, cô ấy học khoa Nhân học, rồi chúng em yêu nhau, em học xong sơ cấp nghề ở lại Hà Nội làm thuê cho một công ty sửa chữa máy tính. Hiện tại hàng tháng thu nhập cũng được 5 đến 6 triệu cùng tiền phụ cấp cũng đủ cho hai vợ chồng chi tiêu sinh hoạt”.
Nhìn con bằng ánh mắt ấm áp, Đô nói tiếp: “Con em được bốn tháng rồi anh ạ, em đặt tên cho cu cậu là Hoàng Anh, mới hôm trước nhà vợ em có xuống chơi, lần đầu tiên đấy, đông lắm! Cả nhà thuê xe xuống, mấy chị vợ em và mấy ông anh rể, chỉ có bố mẹ vợ là vẫn chưa đồng ý!”.
Thoáng chút ngập ngừng và rồi như thể thanh minh sự việc, cậu cho biết: “Từ ngày về ở với em, vợ em nhớ nhà, khóc suốt, ai mà không nhớ chứ! Nhà vợ em ở Chương Mĩ Hà Tây, bố mẹ làm nghề nông nghiệp. Cũng bởi nhà có 4 cô con gái nên muốn con mình lấy người ở gần. Ai mà chẳng muốn con mình bằng bạn bằng bè chứ anh!”.
Tôi cũng có thể hiểu được điều mà Đô nói, nhưng tin rằng với nghị lực vươn lên cùng sự quyết tâm giữ lấy hạnh phúc cho riêng mình, Đô và vợ của cậu sẽ được sự chấp nhận từ tất cả mọi người bởi tình yêu đó được kết tinh từ sự sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau và cũng đã trải qua rất nhiều gian nan, thử thách. Tôi tin là như vậy!
Trần Hồng