(ĐHVO). “Tôi sẽ hiến máu đến cuối đời, khi nào mà mấy bác sĩ “chê” không nhận máu của tôi nữa thì thôi. Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều người hiến máu giúp đỡ những người đang cần những giọt máu tình nguyện như mình”, người phụ nữ tâm sự.
6 năm 25 lần tự nguyện đi hiến máu
Được lời chỉ dẫn của chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, (tỉnh Vĩnh Long), chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Trần Thị Hồng (40 tuổi, ngụ xã Tường Lộc), người luôn được dân địa phương biết đến với biệt tài hiến máu không biết ớn. Trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, không khác mấy so với như những người phụ nữ nông thôn chân chất, trông chị có vẻ hơi yếu ớt và không thể nào tin nổi chỉ trong một thời gian ngắn, người phụ nữ này đã 25 lần hiến máu.
Gặp chúng tôi, chị Hồng nở nụ cười bảo: “Nhìn vậy chứ không phải vậy đâu anh chị ơi. Trông vậy thôi, chứ tôi khỏe lắm, bây giờ ai thiếu máu…. hay có đoàn hiến máu nào cần là tôi bỏ việc đi ngay”. Được biết, trước kia chị Hồng cũng từng có một gia đình hạnh phúc cùng chồng và hai đứa con kháu khỉnh. Cuộc sống, mái ấm hạnh phúc của gia đình kéo dài được hơn 10 năm, thời gian sau bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, hai người không còn tìm được tiếng nói chung, nên chị Hồng quyết định ly hôn để cả hai được giải thoát. Hiện tại chị đang sinh sống cùng với mẹ ruột và đứa con gái học lớp 11. Còn đứa con trai đang sống với chồng chị tại một địa phương khác.
Từ ngày dọn về sống cùng mẹ ruột ở quê, chị luôn tích cực đi làm lụng khắp nơi, kiếm sống bằng đủ thứ nghề, mong mỏi từng đồng tiền để chăm lo cho mẹ già và đứa con gái đang độ tuổi ăn học. Mỗi lần đi họp hội, nghe tin trên UBND xã, hay trên địa bàn mình có chương trình hiến máu nhân đạo, chị Hồng lập tức tham gia nhiệt tình. Chị sẵn sàng gác bỏ công việc làm ăn của mình để kịp đến hiến máu. Vì với chị, hiến máu còn cao cả hơn cả việc kiếm tiền nuôi chính bản thân cho mình. “Kiếm tiền thì chỉ giúp được cho mình, chứ hiến máu thì giúp được cho nhiều người. Không những vậy, nhờ mình tham gia nhiệt tình hưởng ứng tích cực, nhiều người thấy đó mà cũng noi theo làm gương, không còn ngần ngại, em không còn sợ chuyện hiến máu nữa”.
Thuở ban đầu, khi một thân một mình cặm cụi đi hiến máu vì cộng đồng nhiều người xung quanh bàn tán, họ còn dùng bằng những lời lẽ thô tục, ánh mắt đầy săm soi việc chị Hồng đang làm. “Mình đi làm việc thiện vậy mà nhiều người không biết cứ nghĩ mình bị điên, bị khùng… Hay vì danh lợi, vì tiếng tăm mà một hai đi hiến máu. Có hôm vừa đi hiến máu về, trên tay còn cầm mấy lon sữa với ít thuốc bổ được phát về để tẩm dưỡng, mẹ tôi nghe người khác xầm xì việc làm của tôi, bà còn lớn tiếng bảo “hết chuyện kiếm tiền hay sao, bộ nhà nghèo lắm hay sao mà con lại đi bán máu. Biết như vậy sẽ dễ bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe không?”. Khi ấy tôi nghe chỉ biết cười khanh khách, giải thích tường tận mọi chuyện, bà mới hiểu. Vì bà cũng là người mê việc thiện nên từ đó về sau không có ý trách móc tôi nữa. Có khi bà còn trông xã nhanh chóng tổ chức chương trình hiến máu để tôi tham gia. Mẹ tôi còn dặn bữa nào cho bà đi chung để được hiến máu giúp người”, chị Hồng bộc bạch.
Với chị Hồng, 6 năm qua, chị đã 25 lần hiến máu, mỗi lần hiến đều để lại cho chị những kỷ niệm đáng nhớ mang đầy tính thú vị khác nhau. Chia sẻ với phóng viên, chị Hồng nhớ lại: “Có lần khi vừa thấy tôi đến chỗ hiến máu, ông bác sĩ lớn tiếng ngạc nhiên hỏi: “Chị lại tiếp tục hiến máu nữa à”. Trước đó, xe hiến máu về địa phương đậu ngay trước sân UBND xã mà không một người dân nào dám thử đăng ký, chỉ có mấy cán bộ trong xã hiến máu. Khi thấy tôi lao vào hiến máu, xong khỏe re bước ra về, mấy người phía ngoài cũng ùa ùa chạy vào đăng ký. Nhìn cảnh đó nhộn nhịp lắm, mà trong lòng lại hân hoan hơn vì mình vừa hoàn thành một nghĩa cử cao đẹp”.
Giải thích về nguyên nhân mình sẵn sàng đi hiến máu cứu người mà không cần người kêu gọi, chị Hồng chia sẻ: “Tôi là một Phật tử, với tấm lòng hướng thiện, cứu người là trên hết. Với lại nghĩ đơn giản mình hiến chút ít máu thì mình không có sao mà cứu được vô số người đang cần. Vậy thì sao không làm!”.
Còn nhận là còn hiến
Tâm sự về lý do hiến máu nhân đạo, chị Hồng kể: “Tôi cũng không nhớ năm đó là năm nào nữa. Một lần xem truyền hình, tôi thấy một anh công nhân ở Sài Gòn không may bị tai nạn nhưng gia đình không cùng nhóm máu với anh đó. Nghe tin không lâu sau đó anh ấy qua đời vì vết thương khá nặng. Thấy thương cho những người không may mắn như vậy, tôi liền nghĩ tới chuyện tại sao những người lành lặn như mình không hiến máu để cứu giúp những người không may mắn như anh công nhân kia. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã””.
Cũng từ sau câu chuyện này, chị Hồng nung nấu ý định sẽ hiến giọt máu của mình để cứu những phận đời không may mắn. Chỉ trong thời gian ngắn, chị Hồng đã liên tục hiến máu, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên gia đình nhiều lần khuyên ngăn nhưng người phụ nữ ấy vẫn thực hiện lòng ước ao của mình dù cho bị phản đối. “Rất nhiều người đang cần giọt máu nên mình phải hiến, cũng may mắn ông trời phù hộ cho tôi sức khỏe tốt để được tặng những giọt máu trong chính cơ thể của mình”, chị Hồng tâm sự.
Kể từ lần đầu tiên ấy, cứ đều đặn 3-5 tháng chị Hồng lại hiến máu một lần. Đặc biệt hơn, số lần chị cho đi số máu cao nhất đến (450ml). Mỗi lần tham gia vào chương trình tự nguyện này, chị Hồng lại nhớ người mẹ, người đã theo chị suốt hành trình hiến máu và bà cũng là động lực để chị vượt qua mọi khó khăn và luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. Suốt chừng ấy năm tham gia chương trình tự nguyện này, chị Hồng tự tin rằng: “Dù gia đình còn thiếu thốn nhiều, cái ăn, cái mặc còn phải chạy vạy kiếm từng bữa. Nhưng việc hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi, tôi vẫn sẵn sang tự nguyện. Để chất lượng máu được đảm bảo, tôi cố gắng ăn nhiều rau và hoa quả từ vườn trái cây tại gia đình mình. Dù không hiểu biết về chế độ dinh dưỡng nhưng mỗi lần đi hiến máu, sau khi kiểm tra sức khỏe của tôi, các bác sĩ đều đồng ý lấy máu”, chị Hồng kể. Nghe xong câu chuyện chị Hồng bộc bạch, chúng tôi mới biết đằng sau vẻ rắn rỏi, ít ai biết được hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ này.
Mặc dù chị Hồng không thuộc nhóm máu O quý hiếm, không thể truyền cho tất cả mọi người được, nhưng không vì thế mà chị nản lòng, chị vẫn tích cực đi hiến để được cứu nhiều người. Hơn 6 năm thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy, chị Hồng đã rút ra cho bản thân mình những kinh nghiệm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau mỗi lần hiến máu. “Mấy lần đầu, sau khi hiến máu, tôi cứ vô tư chứ không ăn uống gì nhiều. Những lầu sau đó, trước ngày đi hiến máu tôi đi ngủ sớm và uống 2 viên thuốc bổ máu. Sau khi hiến máu trở về, tôi lại uống thêm 1 viên thuốc bổ máu nữa để nhanh lấy lại hồng cầu. Mỗi lần như thế, tôi uống rất nhiều nước, có ngày tôi uống hơn 2 lít nước. Chỉ khoảng 3 ngày sau tôi thấy cơ thể trở lại thể trạng bình thường”, chị Hồng chia sẻ.
Ngoài việc đăng ký hiến máu định kỳ, chị Hồng luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu ai cần máu. Chị từng ít nhất 2 lần hiến máu trực tiếp cứu bệnh nhân khỏi cơn nguy kịch, đó là một chị đang cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh, chị không ngần ngại nhận lời cho máu. Nhiều ân nhân của bệnh nhân đến tận nhà biếu tiền cảm ơn, tặng quà nhưng chị Hồng không bao giờ nhận. Với chị Hồng: “Hiến máu tức là cho đi, giúp đỡ được những người nào quý người đó. Điều đó mang lại cho tôi thanh thản, niềm vui sướng mỗi ngày và tôi hiến tới khi nào không nhận thì tôi mới nghỉ”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Hành động của chị Hồng là rất đáng để tuyên dương, học hỏi noi theo. Cũng chính vì thế, vừa qua, hành động cao cả của chị Hồng đã được xã, huyện tuyên dương trước toàn thể người dân trong vùng. Xã hội rất cần những người có tấm lòng như chị Hồng”.
Huyền Thoại- Ngọc Vân