Nghị lực sống không bao giờ dập tắt của thanh niên khiếm thị Bùi Văn Cảnh

(ĐHVO). “Tàn nhưng không phế” chính là câu nói mô tả về anh Bùi Văn Cảnh, một người tuy bị khiếm thị nhưng lại có thể làm nên nhiều điều phi thường, khiến mọi người ngưỡng mộ.


Anh Bùi Văn Cảnh – Tấm gương người khuyết tật có ý chí vươn lên trong cuộc sống

Anh Bùi Văn Cảnh (1993) sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, là người con thứ hai trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ lúc chào đời, đôi mắt anh đã không thể nhìn thấy ánh sáng như bao người bình thường nhưng không vì lẽ đó mà ánh sáng của nghị lực sống trong anh bị dập tắt.

Ngay từ tấm bé, anh Bùi Văn Cảnh đã chủ động tham gia Hội Người mù huyện Bàu Bàng. Tại đây, anh bắt đầu làm quen với chữ nổi và từ đó, khát khao tìm đến kiến thức của anh mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi anh hiểu chỉ có nguồn ánh sáng của tri thức là điều không thể bị dập tắt. Với bản tính cần cù, chịu khó, kể từ lúc 15 tuổi, anh đã có thể học chương giáo dục cơ sở như các bạn bình thường và hoàn thành hệ giáo dục phổ thông vào năm 22 tuổi. Do bị tật nguyền từ nhỏ nên anh tự ý thức được rằng mình sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đặc biệt là tìm kiếm việc làm và tự trang trải trong cuộc sống. Anh luôn khát khao được sớm tự lập để giảm gánh nặng cho gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.

Theo lời hàng xóm kể lại, ngay khi còn rất nhỏ, anh Cảnh đã cố gắng phụ giúp gia đình từ những việc nhỏ nhặt, phù hợp với bản thân như sáng ra phụ giúp gia đình trong việc kinh doanh buôn bán ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa,… Bên cạnh đó, anh còn phụ giúp gia đình trong việc chăm sóc và khai thác gần một ha cao su của gia đình. Bởi khả năng nhìn còn hạn chế nên anh thường tranh thủ phụ giúp mẹ vào buổi sáng rồi thời gian cỏn lại, anh sẽ tranh thủ đi lấy mủ cao su. Không chỉ vậy, anh Cảnh còn phụ ba canh tác gần một ha ruộng lúa. Tuy công việc này là khó khăn vất vả kể cả với những người bình thường, tuy nhiên thấu hiểu những khó khăn vất vả của bố mẹ, anh vẫn cố gắng dần quen công việc nên cũng thuận lợi hơn. Anh nhớ lại “Trong những năm đầu khởi nghiệp, tôi cũng đã làm rất nhiều công việc khác nhau. Những công việc tội làm không được sự hưởng ứng hay giúp đỡ từ gia đình. Mọi người lo lắng, cho rằng tôi không đủ sức khỏe và năng lực để làm kinh tế. Vì vậy, tôi luôn muốn khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế”. Nhiều lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và gặp thất bại trên con đường lập nghiệp nhưng tôi vẫn không nản chí.” Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo về công tác quản lý Hội Người mù, anh trở về công tác tại huyện Bàu Bàng, đến tháng 06/2019, anh vinh dự được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội người mù của huyện.

Bên cạnh thành tích đáng nể trong học tập, anh còn có năng khiếu về âm nhạc và rất sôi nổi trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Anh thường xuyên biểu diễn tại các chương trình quyên góp vì người nghèo, đêm nhạc từ thiện,… đối với anh, hạnh phúc là sự cho đi, tuy anh không giàu có về mặt vật chất nhưng với lời ca, tiếng đàn của mình cũng đã sưởi ấm cho những con tim đồng cảnh ngộ.


Anh Bùi Văn Cảnh tham gia cuộc thi văn nghệ

Trong những năm qua, anh đã có nhiều đóng góp cho xã hội đặc biệt là tại chính quê hương của mình như đầu tư máy móc, trang thiết bị như máy cuộn rơm để đi cuộn rơm cho các hộ canh tác lúa xung quanh, sau đó lại thu mua rơm tại nhà kho được xây dựng để dự trữ và bán lại cho các hộ kinh doanh có nhu cầu, từ đó tạo thêm việc làm cho khoảng 10 thanh niên cùng trang lứa. Ngoài những lúc lo làm kinh tế phụ giúp gia đình, anh cũng cố gắng sắp xếp tham gia các hoạt động xã hội cùng địa phương. Trong năm vừa qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, địa phương anh phải thực hiện giãn cách xã hội, trên địa bàn xã lập các chốt kiểm soát để đảm bảo công tác phòng chống dịch, anh Cảnh không ngần ngại đăng ký tham gia cùng các đội hình thanh niên tình nguyện phòng chống dịch, hỗ trợ giúp bà con mua lương thực, thực phẩm cùng với đội hình cung cấp nhu yếu phẩm, tham gia trực các chốt kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Với những đóng góp hết sức to lớn như vậy cho quê hương, đặc biệt là Hội người mù huyện Bàu Bàng, anh Bùi Văn Cảnh đã có nhiều thành tích được ghi nhận như được Bằng giấy khen của Hội người mù tỉnh Bình Dương liên tiếp năm 2019 và 2020; đạt các giải thưởng trong các hội thi văn nghệ, thể thao dành cho người khuyết tật; …


Hình ảnh anh Bùi Văn Cảnh khi được vinh danh tại Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2022”

Có thể thấy, mặc dù không thể quan sát vạn vật như người bình thường nhưng anh Cảnh vẫn có thể làm nên những điều phi thường. Những thứ anh đã và đang làm được đều chứng minh cho câu nói “tàn nhưng không phế”, anh xứng đáng là một trong những tấm gương điển hình cho tinh thần không đầu hàng với số phận, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang