Nghị lực phi thường của nữ sinh dân tộc Mường

Chuẩn bị cho hành trình sinh viên, Bùi Thị Hoài đã xin đi làm công nhân. Nhưng khi nhận thông báo điểm trúng tuyển đại học, Hoài đã khóc nức nở.

Nữ sinh Bùi Thị Hoài.
Nữ sinh Bùi Thị Hoài.

Nữ sinh Bùi Thị Hoài (19 tuổi), người dân tộc Mường, ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) trúng tuyển khoa Văn chất lượng cao, Trường Đại học Hồng Đức, với số điểm 40,67 điểm.

Xin làm công nhân tích cóp tiền đi học

Chúng tôi tìm gặp Bùi Thị Hoài (19 tuổi), tân sinh viên K25, ĐH Sư phạm Văn chất lượng cao (Đại học Hồng Đức) vào một buổi muộn. Trong căn phòng giản dị ở khu ký túc xá Trường Đại học Hồng Đức, nữ sinh dân tộc Mường có buổi chiều thảnh thơi hơn mọi ngày, vì không phải lên lớp.

Sau ít tuần làm quen, Hoài đã thích nghi với môi trường mới nhờ chủ động đọc tài liệu và năng trao đổi với bạn bè. Chỉ cách đây hơn 1 tháng trước, Hoài vẫn còn là cô công nhân “bất đắc dĩ” tại Khu Công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Nữ sinh tranh thủ xin làm công nhân, để kiếm thêm tiền trang trải cho hành trình sinh viên phía trước.

Công việc kéo dài từ sáng cho tới hết ngày, nhiều hôm tăng ca tới tận 8 giờ tối, Hoài mới lọ mọ về phòng trọ. Công việc vất vả, song nghĩ tới mẹ và hành trình sinh viên phía trước, Hoài lại có thêm động lực để cố gắng.

Hoài là chị cả trong gia đình có hai chị em ở thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa). Từ khi cất tiếng khóc chào đời, cô bé đã thiếu vắng tình yêu thương của cha. Thấy mẹ một mình vất vả, nên Hoài cũng không gặng hỏi, chỉ lẳng lặng lớn lên trong vòng tay của mẹ.

Năm lên lớp 2, cô bé Hoài được tham gia một chương trình thiện nguyện. Lúc chụp hình, Hoài không có nổi chiếc áo đẹp để mặc. “Lúc đó, em vô cùng tủi thân và cảm thấy thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa”, Hoài bùi ngùi.

Nghị lực phi thường của nữ sinh dân tộc Mường ảnh 1
Nữ sinh Bùi Thị Hoài vào bếp nấu nướng, giúp mẹ chăm sóc em gái.

Ám ảnh về cái đói, cái nghèo cũng đeo đuổi cô bé Hoài suốt những năm học cấp 2, cấp 3. Đến căn nhà tranh nơi che mưa, tránh nắng của 3 mẹ con Hoài cũng liêu xiêu, nguy cơ đổ sập mỗi khi mưa lớn. “Dù đã căng bạt, dùng hết số xô, chậu nhựa có ở trong nhà để hứng, nhưng nước mưa vẫn lênh láng khắp nền nhà. Cột nhà thì bị mối mọt như sắp đổ sập”, Hoài nhớ lại.

Mùa mưa năm 2016, căn nhà của mẹ con Hoài cũng không chống đỡ nổi trận mưa lớn năm ấy. Không còn nơi che mưa, tránh nắng, mẹ con Hoài lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Cảm thấu trước hoàn cảnh của 3 mẹ con, anh em họ hàng, bà con chòm xóm cùng với hỗ trợ của nhà nước, tổ chức từ thiện xây cất căn nhà cấp 4 mới. Tuy chưa đủ rộng rãi, nhưng đã kiên cố hơn, giúp mẹ con Hoài yên tâm tránh trú mỗi khi mùa mưa bão về.

Do ít ruộng nương, nên bà Bùi Thị Thu (mẹ của Hoài) nhận đi bóc vỏ keo, làm cỏ thuê cho các gia đình tại địa phương. Tuy nhiên, công việc không đều, nên những năm gần đây bà Thu nhận đi phụ hồ cho một công trình ở tỉnh Vĩnh Phúc.

“Công việc vất vả nhưng nghĩ đến hai con đang tuổi học hành, tôi cũng chỉ biết cố gắng. Giờ chỉ mong có sức khỏe để gắng gượng làm nuôi các con, rồi dành dụm trả nợ ngân hàng. Hiện, tôi vẫn còn nợ khoảng 70 triệu đồng nhưng chưa có khả năng trả”, bà Thu bùi ngùi.

Sẽ không bỏ cuộc

Từ trong cái đói, cái nghèo, Hoài nỗ lực vươn lên trong học tập. Suốt 3 năm theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, nữ sinh luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12, em còn mang về cho mình và nhà trường giải Ba môn Địa lý, năm học 2021-2022.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và xét tuyển đại học, Hoài đạt được 28 điểm ở tổ hợp C20 (chưa cộng điểm ưu tiên). Với mức điểm này, nữ sinh quyết định xét tuyển vào khoa Sư phạm Văn chất lượng cao – Đại học Hồng Đức.

Hôm Trường Đại học Hồng Đức công bố điểm trúng tuyển, Hoài vẫn đang cặm cụi với công việc tại một công ty điện tử ở khu công nghiệp Đồng Văn.

Nghị lực phi thường của nữ sinh dân tộc Mường ảnh 2

Bùi Thị Hoài và tấm bằng tốt nghiệp THPT, tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

“Lúc đầu, vì không hiểu công thức tính điểm, nên em nghĩ mình trượt đại học, em vừa làm vừa khóc, nước mắt chảy giàn giụa ướt hết cả mặt mũi. Tan ca làm, em tính lại thì mới vỡ òa sung sướng vì cuối cùng đã đậu rồi”, Hoài hồ hởi nói.

Sau khoảng thời gian ngắn làm công nhân, Hoài hạnh phúc cầm trên tay số tiền hơn 10 triệu đồng có được từ sức lao động của mình. Với số tiền này, Hoài mừng rỡ vì có thể san sẻ cho mẹ một phần gánh nặng. Nữ sinh dự định thời gian tới sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải việc học hành.

“Em sẽ không bỏ cuộc, dù chặng đường phía trước có khó khăn thế nào. Sau khi trải qua những tháng ngày vất vả làm công nhân, em càng có thêm động lực để học tiếp. Em nghĩ rằng, chỉ cần cố gắng hết mình, cơ hội sẽ đến”, Hoài quả quyết.

Ông Lê Khắc Đông – Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương cho biết, gia đình cháu Hoài thuộc hộ nghèo tại địa phương, gia cảnh rất khó khăn. Trong khi, bà Bùi Thị Thu một mình nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học, sức khỏe thường xuyên đau yếu.

“Mấy năm trước, Nhà nước và tổ chức từ thiện có chung tay xây cất cho gia đình cháu căn nhà nhỏ, nhưng cũng chỉ tạm để che mưa, tránh nắng thôi, còn hoàn cảnh vẫn rất khó khăn. Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ để các cháu tiếp tục được đi học”, ông Đông nói.

“Là giáo viên chủ nhiệm lớp, tôi rất cảm thương với hoàn cảnh của em. Dù gia cảnh khó khăn, bản thân thường xuyên ốm đau nhưng em luôn nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp. Kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học của em cũng nằm trong tốp đầu của lớp”, cô Nguyễn Thị Nhạn, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang