“Có thể cuộc đời đã lấy đi của tôi quá nhiều nhưng không phải là tất cả. Thân xác tôi coi như bỏ nhưng cái đầu tôi còn dùng được. Cái đầu tôi còn dùng được thì tôi chưa đến nỗi thành đồ bỏ đi” – đó là câu mở đầu anh Trịnh Thanh Sơn, sinh năm 1968, ở thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn) nói với tôi, trong ngôi nhà 3 gian cũ – nơi anh Sơn đã xây dựng từ một túp lều tranh.
Thật vậy, phải trực tiếp trò chuyện với anh mới hiểu hết được nỗi cơ cực, bất hạnh mà anh phải trải qua, đồng thời cảm phục con người đầy nghị lực và lòng quyết tâm vượt lên số phận. Bởi, có lẽ trên đời không có ai khổ bằng anh nữa. Nỗi bất hạnh đeo bám anh từ khi còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, từ bé Sơn phải chứng kiến cảnh bố mẹ không hạnh phúc. Lên 5 tuổi, mẹ Sơn bị bệnh rồi qua đời. Bố Sơn không những không chăm lo cho cậu con trai duy nhất mà còn bỏ đi biệt xứ không một lời từ biệt. Sơn bơ vơ giữa căn nhà trống, chỉ biết khóc mà không biết nên đi đâu về đâu.
May mắn khi vợ chồng ông Trịnh Văn Toại và bà Đồng Thị Xuyên cùng thôn đã dang rộng vòng tay đón Sơn về nuôi. Thế nhưng, cuộc đời trớ trêu cứ đổ lên vai Sơn những nỗi đau chồng chất. Ngày nhỏ, Sơn hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Thậm chí, Sơn còn thông minh hơn hẳn chúng bạn cùng trang lứa. Đến năm 9 tuổi, Sơn đột nhiên bị teo cơ viêm đa khớp, toàn thân co quắp lại, hai chân cứng đơ như gỗ, không thể co duỗi được. Thương Sơn bệnh tật, bố mẹ nuôi dồn toàn bộ tài sản, tiền bạc trong nhà đi khắp mọi nơi chữa trị cho anh. Dù vậy, bệnh Sơn vẫn không thuyên giảm. Cùng lúc đó, người cha nuôi của anh đổ bệnh và chết.
Năm tháng qua đi, người Sơn vẫn mãi chỉ được một mẩu, tính ra chỉ chừng 60cm, nằm duy nhất một tư thế. Hai chân mất cảm giác, chỉ còn 2 cánh tay dị dạng, teo tóp đủ để xúc cơm ăn. Năm 1996, cuộc đời Sơn chìm hẳn vào bóng tối khi đôi mắt anh hoàn toàn không nhìn được ánh sáng nữa. “Nếu không có người mẹ nuôi hết lòng yêu thương, chăm sóc tôi thì có lẽ tôi đã không thể sống được trên đời đến ngày hôm nay. Tôi đã từng nghĩ phải trả ơn bố mẹ nuôi nhưng cuối cùng lại trở thành gánh nặng cả đời của họ. Đến người cha nuôi khi chết đi rồi mà vẫn không được thanh thản” – anh Sơn bùi ngùi chia sẻ.
Người mẹ già ấy cứ tần tảo nuôi đứa con nuôi tật nguyền, gánh vác mọi công việc trong nhà từ sau khi chồng chết. Có lẽ bà cũng thương thay cho số phận đứa con trai tội nghiệp, gánh chịu nhiều nỗi đau từ khi còn bé. Thế rồi, năm 2011, bà cũng ra đi để lại Sơn một mình giữa cõi trần trong bộn bề bất hạnh. Chỗ dựa duy nhất, nguồn động lực lớn nhất của Sơn cuối cùng cũng tan vỡ khiến anh dường như ngã gục. Anh khóc nức nở như một đứa trẻ khi mẹ nuôi qua đời.
Người ta cứ nghĩ sau biến cố mẹ nuôi chết, anh Sơn sẽ buông xuôi mặc cho số phận đưa đẩy. Nhưng, anh đã vượt lên số phận, vượt lên chính mình để tìm kiếm hạnh phúc và cuộc sống trọn vẹn cho riêng mình. Biết không ai có thể cưu mang mình được cả đời, anh Sơn nghĩ đến chuyện làm kinh tế để có thể nuôi được bản thân. Thế nhưng, thách thức lớn nhất với anh là đôi mắt mù lòa, đôi chân tật nguyền khiến anh khó lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Suy đi tính lại, anh quyết định nuôi gà.
Vì không đi được nên anh nhờ người thân bế sang nhà ông bác họ học kỹ thuật nuôi gà. Mặc dù mắt không thấy được gì nhưng anh Sơn được trời phú cho trí nhớ hơn người. Tất cả các kỹ thuật nuôi gà, anh chỉ nghe qua là có thể nhớ và thực hiện không sai một li.
Sau khi học xong kiến thức, anh Sơn về nhà vay mượn và kêu gọi anh em người thân để mở trang trại gà. Một việc làm mà nhiều người cho là liều lĩnh đối với “người bỏ đi” như anh Sơn lúc bấy giờ. Song, vì thương anh tật nguyền nên mọi người đã giúp đỡ cho anh vay mượn đầu tư trang trại gà. Có thời điểm, trang trại của anh Sơn có hơn trăm gà đẻ, hàng ngàn con gà thịt… Ngoài ra, anh Sơn còn sở hữu một lò ấp trứng hoạt động thường xuyên, mỗi lần ấp được trên 5.000 trứng, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn ấp thuê cho bà con nhân dân trong làng, ngoài xã. Nhờ đó, mỗi năm anh Sơn thu nhập 40 – 50 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm cho 3, 4 lao động với thu nhập tương đối ổn định. Không những thế, anh Sơn còn có khả năng trong việc nắm bắt bệnh tật của gà và có phương pháp điều trị hiệu quả nên trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người xa gần.
Nhờ có bản lĩnh, nghị lực vượt lên số phận và bản tính hài hước, anh Sơn chiếm được cảm tình của rất nhiều người, trong đó có chị Vũ Thị Tuyết Nhung, sinh năm 1984, ở huyện Hà Trung. Không quan ngại về khoảng cách tuổi tác và ngoại hình của anh Sơn, chị Nhung yêu anh bằng cả tấm lòng và sự cảm phục. Rồi chị gật đầu về làm vợ người con trai chỉ dài 60cm tật nguyền, mù lòa trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người. “Tôi tiếp xúc với anh Sơn ban đầu là qua điện thoại. Anh Sơn có khiếu hài hước và rất hiểu tâm lý cũng như cảm xúc của tôi. Chưa gặp mặt mà tôi đã cảm thấy mình yêu con người anh. Thế rồi, cũng phải bao nhiêu lần tôi nài nỉ, anh Sơn mới chịu gặp tôi đấy. Có lẽ là do duyên số, ông trời sắp đặt nên khi vừa nhìn thấy anh, tôi không hề sợ hãi mà còn vô cùng cảm thông, trân trọng” – chị Nhung chia sẻ về tình yêu với chồng.
Tình yêu chân thành, sự cảm thông sâu sắc của người vợ hiền đảm đã giúp anh Sơn có thêm nghị lực để tiếp tục làm ăn, xây dựng kinh tế. Căn nhà ba gian khang trang ngay sau đó cũng được xây dựng từ bàn tay công sức của hai vợ chồng. Niềm vui như càng thêm trọn vẹn khi chị Nhung sinh cho anh Sơn một cậu bé kháu khỉnh, vào năm 2015. Tuy nhiên, trong một lần đi khám, bác sĩ chẩn đoán con trai anh bị bại não. Cũng từ đây sự vất vả và khó khăn chồng chất lên gia đình nhỏ vốn đã nhiều bất hạnh.
Chạy vạy chữa bệnh cho con, bao vốn liếng cũng lần lượt đội nón ra đi. Trại già không còn, cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm túng quẫn. Chị Nhung thì không thể đi làm được vì phải ở nhà chăm anh và con. Còn anh Sơn thì không thể làm gì với cơ thể ấy. Trong lúc khó khăn nhất, tưởng chừng hai vợ chồng không vượt qua được thì may mắn họ được sự giúp đỡ của bà con làng xóm, chính quyền địa phương và những tấm lòng hảo tâm. Biết được hoàn cảnh của anh chị, nhiều người đã quyên góp và ủng hộ cho hai vợ chồng một khoản tiền để đưa con trai đi chữa bệnh. Hiện tại, dù chưa tự túc được sinh hoạt cá nhân nhưng cháu bé đã có thể đi lại. Anh Sơn tâm sự: “Sinh ra đã là người bất hạnh nay lại phải rơi vào cảnh khánh kiệt, anh chỉ mong có một phép màu cho đứa con trai duy nhất khỏi bệnh”.
Nói về dự định tương lai, anh Sơn cho biết, mọi vốn liếng dành dụm đều dốc hết để chạy chữa cho con trai nên giờ đã tay trắng. Muốn khôi phục lại trang trại nhưng hiện tại chẳng ai dám cho anh vay vốn vì sợ không trả được nợ. Được biết, ngoài tiền trợ cấp hộ nghèo và người tàn tật, anh Sơn còn theo một số người dân địa phương đi bán tăm dạo kiếm thêm tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, anh Sơn luôn giữ được tinh thần lạc quan và niềm tin sẽ vượt qua khó khăn, thiếu thốn nếu như bản thân không ngừng cố gắng và nỗ lực. “Chắc tôi sinh ra là để “leo núi” và chướng ngại vật thì có ở mọi nơi. Thế nhưng tôi tin trời chẳng phụ người biết cố gắng” – anh Sơn nói.
Hỏi động lực gì khiến anh làm được điều đó, người đàn ông nói rằng, anh mong có thể truyền động lực, tinh thần đến con trai nhỏ của mình.
Ông Ngô Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh, chia sẻ: “Sơn là người giàu ý chí và nghị lực sống. Tuy tàn tật bẩm sinh nhưng anh đã vươn lên, lao động không ngưng nghỉ để nuôi sống bản thân và gia đình. Sơn là tấm gương cho nhiều người trong xã học tập”.
Theo Tăng Thúy/Báo Thanh Hóa