Nghị lực của cô sinh viên bị liệt tay bẩm sinh và ước mơ lên giảng đường

Ngày còn bé, Liên phải vật lộn với từng con chữ khi bàn tay và gần nửa người bên phải của em bị liệt bẩm sinh, phải tập làm mọi thứ và viết chữ bằng tay trái.

Những ngày nay, khi đã trở thành tân sinh viên ngành Dược của Trường Cao đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam (Đà Nẵng), em Nguyễn Thị Ngọc Liên (sinh năm 2001) vẫn chưa tin đó là sự thật.

Bởi trải qua bao khó khăn và sự nghiệt ngã của số phận, không ai dám nghĩ rằng em sẽ được đến trường để thỏa nỗi đam mê, khát vọng.

Viết bằng tay trái

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở thôn Bồ Mưng 1, xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn (Quảng Nam), cuộc sống của gia đình Liên chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng. Mẹ em thường xuyên đau ốm nên gánh nặng gia đình đè lên vai người bố.

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Liên đã nỗ lực lên để thực hiện ước mơ lên giảng đường. 

“Từ ngày lọt lòng mẹ, em đã mắc một chứng bệnh khiến gần nửa người bên phải của em tê liệt. Nhất là bàn tay phải hầu như không thể cầm nắm”, Liên chia sẻ.

Đến tuổi đi học, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Liên hào hứng đến trường để theo đuổi những giấc mơ với con chữ. Nhưng khiếm khuyết của cơ thể khiến em mất đi sự tự tin, hào hứng ban đầu.

Bàn tay phải không thể cầm bút, cầm phấn khiến cô bé khóc hết nước mắt. Qua bao ngày giấu mình, buồn bã nơi góc nhà, Liên quyết định sẽ rèn luyện cách sử dụng bàn tay trái một cách thuần thục.

“Ban đầu, em tập cầm bút bằng tay trái cho chắc chắn rồi tập viết theo từng nét. Phải mất một thời gian rất dài thì em mới có thể viết và làm những công việc khác bằng tay trái.

Ngày học lớp 2, thay vì viết từ bên phải sang bên trái thì em lại viết ngược lại từ bên trái qua. Đến hết lớp 3 thì em mới cải thiện được chuyện đó”, Liên nhớ lại.

Dù phải vất vả vật lộn với đôi bàn tay khuyết tật nhưng suốt 12 năm học, Liên đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Những tờ giấy khen đã bạc màu thời gian là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vươn lên của cô bé khuyết tật.

Giấc mơ lên giảng đường

Liên tâm sự rằng, từ ngày đi học, em đã ước mơ trở thành một cô giáo. “Được bước lên giảng đường là ước mơ lớn nhất của em. Nó là động lực để em vượt qua những khó khăn, trở ngại”, Liên cho hay.

Nhưng với gia đình em thì bố mẹ vẫn luôn canh cánh nỗi lo con gái không thể xoay sở được khi khăn gói ra thành phố theo học. Bởi những sinh hoạt hàng ngày của Liên vẫn phải có người trợ giúp.

Khi biết kết quả thi trung học phổ thông của em không thể đậu vào trường sư phạm (14 điểm), em đã rất buồn. Em dự định sẽ ở nhà ôn luyện thêm một năm rồi thi lại.

Nhưng rồi bố mẹ và các bạn động viên em nên lựa chọn học cao đẳng. Vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình cũng như vừa tầm kiến thức của em”.

Liên tâm sự rằng, những khiếm khuyết về cơ thể cũng khiến em phải thay đổi suy nghĩ về nghề nghiệp. Em muốn theo học ngành Dược để sau này trở về quê lập nghiệp.

“Nhiều người bạn của em đã chọn con đường học nghề để rút ngắn thời gian học, đỡ tốn kém chi phí và ra trường cũng dễ kiếm việc làm hơn. Sau này, khi đi làm, nếu có điều kiện thì em sẽ tiếp tục học lên”.

Cuộc sống sinh viên xa nhà với cô bé bị liệt nửa người cũng rất khó khăn. Liên phải ở nhờ nhà của người thân để được hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày.

“Dù môi trường mới còn nhiều vất vả nhưng em sẽ cố gắng học. Chỉ có môn giáo dục thể chất là em phải xin nhà trường được miễn học”, Liên nói.

Để hỗ trợ cho Liên trong suốt những năm theo học tại trường, ban giám hiệu đã quyết định miễn giảm 50% học phí (hơn 5 triệu đồng/học kỳ) cho em để em có thể vươn tới ước mơ của mình.

Theo An Nguyễn/ giaoduc.net.vn

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang