Nghị lực của chàng trai câm điếc – Nguyễn Thái Thành

(ĐHVO). Chàng trai mà tôi muốn kể dưới đây, đó là anh Nguyễn Thái Thành, sinh năm 1991, quê ở Việt Yên – Bắc Giang. Mặc dù bị điếc bẩm sinh, nhưng Thành lại không muốn ai gọi mình là khiếm thính vì theo anh, đó là những người còn khả năng nghe nói nhưng hạn chế.

Sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em. Thành bị câm điếc từ nhỏ do khi mang thai mẹ em bị ốm. Nuôi con nhưng mãi không thấy con nói được và hầu như vô cảm với âm thanh nên năm 3 tuổi bố mẹ đã cho Thành đi khám. Bác sĩ kết luận Thành bị điếc bẩm sinh.

Nguyễn Thái Thành luôn đam mê với nghề và giàu khát vọng sống

Mặc dù vậy, đến tuổi đi học, gia đình vẫn quyết định cho Thành vào học ở trường làng như những đứa trẻ bình thường khác vì hồi đó ở Bắc Giang không có trường riêng cho trẻ câm điếc. Suốt những năm tháng tiểu học, Thành hoàn toàn không hiểu những gì cô giáo dạy. Những bài giảng của cô, dù Thành đã rất cố gắng nhưng cũng không tiếp thu được là bao. Những ngày đầu cắp sách đến trường đối với Thành quả thực là những khoảng thời gian khủng khiếp nhất trong đời. Những giờ ra chơi, những tiết học ngoại khoá, Thành như một người xa lạ lạc lòng giữa chốn ồn ào, náo nhiệt.

Không cam chịu, năm 2005, gia đình quyết định đưa Thành về Hà Nội xin học tại Trường Dân lập Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính, ở số 39, ngõ 72, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tại đây, Thành được học một thứ ngôn ngữ khác hẳn với những gì anh đã học ở trường làng, đó là ngôn ngữ ký hiệu. Chính ngôn ngữ này, đã giúp Thành bước đầu hòa nhập được với cộng đồng, bạn bè cùng trang lứa. Từ đây Thành đã tự tin hơn và cảm thấy mình không còn cô đơn nữa.

Sau 3 năm học tập tại đây, Thành được gia đình định hướng cho học nghề nấu ăn, may mặc nhưng cả hai nghề này Thành đều không hứng thú. Vì thế, nghề nào Thành cũng chỉ học được một thời gian rồi lại bỏ giữa chừng. Một lần tình cờ về quê chơi, Thành bị những động tác điêu luyện, uyển chuyển của bác thợ cắt tóc đầu làng chinh phục. Thành mê mẩn ngắm nhìn, đến quên ăn, quên uống. Rồi Thành mạnh dạn đề xuất với bố mẹ được đi học nghề cắt tóc.

Chiều em, ngay hôm sau, Nguyễn Thị Loan (chị gái) đã đưa Thành lên Hà Nội tìm đến các cửa hàng cắt tóc để xin học nghề. Hai chị em đi nhiều nơi nhưng không một ai chịu nhận.

Chị Loan ngậm ngùi chia sẻ: “Nhiều khi nhớ lại những ngày tháng đó hai chị em mình lại ứa nước mắt. Mình dắt em đi khắp nơi để xin học nhưng không tiệm cắt tóc nào chịu nhận. Họ nói, họ không biết cách nào để truyền đạt kiến thức cho người câm điếc. Nhiều lần mình đã động viên em từ bỏ ý định trở thành nhà tạo mẫu tóc mà hãy làm một nghề gì đó thông thường, ít sáng tạo nhưng Thành không nghe”.

Bị từ chối nhiều nhưng Thành không bỏ cuộc. Những khi chị gái bận làm, Thành tự lên mạng vào mục rao vặt tìm những tiệm cắt tóc đang chiêu sinh. Sau đó, Thành tự lấy xe đạp dò dẫm tìm đến quán đó trước để tối chị gái đi làm về Thành sẽ dẫn thẳng chị đến đó để không mất công hỏi đường. Nỗ lực là vậy nhưng Thành và chị gái chỉ nhận về những cái lắc đầu. Từ salon sang trọng đến những quán cắt tóc vỉa hè đều “chê” cậu học trò câm điếc.

Không xin được ở Hà Nội, chị em Thành lại về Bắc Giang. Nhờ bố quan hệ xin cho nên Thành đã được đi phụ việc ở một quán cắt tóc đầu làng. Quán tuy bé nhưng cũng khiến Thành phấn khích. Ban ngày Thành chăm chỉ quan sát thầy, tối về thực hành trên ma-nơ-canh, sau đó thì lấy người thân, bạn bè ra làm mẫu. Để nâng cao tay nghề, Thành đã đạp xe quanh làng đi cắt tóc miễn phí cho bà con. Khách hàng của Thành thường chỉ là những ông già và trẻ nhỏ.

Vì muốn nâng cao tay nghề, năm 2008, Thành lại về Hà Nội xin học. Thế là, lại một lần nữa cảnh bị từ chối phũ phàng lại tái diễn lại với Thành. May thay, nhờ người bạn của chị Loan mà Thành được tới làm việc ở một salon tóc trên phố Khâm Thiên.

Do chịu khó học hỏi và có năng khiếu với nghề nên chỉ một thời gian ngắn Thành được chuyển từ thợ phụ lên làm thợ chính và được đưa vào làm ở những phòng tóc hạng sang. Nhiều khách đến salon đã yêu cầu đích danh Thành làm, trong đó có cả những người nổi tiếng, như Á hậu Thụy Vân, Hoa hậu Dương Thùy Linh.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Thành tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải triển vọng. Chưa thoả mãn với thành quả đã đạt được, Thành quyết định vào TP. Hồ Chí Minh học thêm chuyên sâu. Khi đã thật sự tự tin với nghề, gom góp được chút vốn liếng Thành xin bố mẹ mở salon tóc. Ban đầu, bố mẹ Thành phản đối vì nghĩ con không nói được sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với khách. Nhưng sau, thấy Thành rất quyết tâm cho nên bố mẹ anh buộc lòng ủng hộ. Dường như, ông trời lấy đi đôi tai nhưng lại bù cho Thành đôi tay cầm kéo khéo léo, sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của một chuyên gia làm đẹp.

Với quyết tâm của bản thân và được sự ủng hộ của gia đình, năm 2011, Thành đã mở được một tiệm cắt tóc lấy tên là Thành Nguyễn ở 55 ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Khách hàng tới cửa hàng của Thành đủ các thành phần, từ những người dân bình dị trong ngõ, phố đến những khách hàng sành điệu, nổi tiếng và có cả những khách du lịch nước ngoài   có nhu cầu làm đẹp. Một số ít có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, còn lại, mọi người đều vui vẻ dùng bút, giấy để trao đổi. Họ đến cắt tóc thấy ưng ý lại giới thiệu cho bạn bè tới làm. Chính vì vậy tiệm của Thành lúc nào cũng đông khách.

Nhờ yên tĩnh và dịch vụ chu đáo mà tiệm tóc Thành Nguyễn lúc nào cũng đông khách

Tiệm cắt tóc này ngoài Thành là thợ cắt tóc chính và hai nhân viên, còn có sáu người làm đều là các học viên đang học việc, tất cả đều bị câm điếc. Thành chia sẻ: “Đồng cảnh ngộ, tôi quá hiểu những đắng cay mà mình đã trải qua trong thời gian xin học việc cho nên tôi rất muốn tạo điều kiện cho những bạn bị điếc như mình có điều kiện học tập và làm việc tại đây. Để từ đó, họ tự nuôi sống bản thân mình cũng như trở thành những người có ích cho xã hội”. Sau giờ làm, các nhân viên và học viên ở đây, họ cùng thuê một căn nhà gần tiệm tóc, cùng nấu ăn, sinh hoạt, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2014, với mong muốn mở rộng của hàng thành lập doanh nghiệp, ông chủ tiệm cắt tóc Thành Nguyễn đã tìm đến Dự án Thriive để vay vốn. Thriive là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, được thành lập với mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Có vốn, Thành đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Trung tuần tháng 10/2014, Công ty Cổ phần Công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn (tên giao dịch: THANHNGUYEN BT.,JSC) do Giám đốc Nguyễn Thái Thành là người Đại diện pháp luật đi vào hoạt động. Thành viên chính của công ty chủ yếu là các nhân viên câm điếc mà Thành đã và đang dạy nghề.

Những lúc rảnh rỗi các học viên tranh thủ cùng nhau ôn lại ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Thông qua Dự án Thriive, nhiều bạn câm điếc và những gia đình có con cùng cảnh ngộ như Thành đã tìm đến đây để xin học việc. Ngoài việc dạy các em về nghề, Thành còn phải dạy họ học ngôn ngữ ký hiệu và những kỹ năng sống, như đi chợ, nấu cơm, rửa bát đến dạy cách giao tiếp, cách ứng xử và làm việc với khách hàng.

Tính đến nay, Thành đã dạy nghề cho hơn 150 học viên, trong số đó có rất nhiều học viên đã mở được cửa hàng riêng ở các tỉnh và tự lập kiếm sống, không phụ thuộc vào gia đình. Có học viên đã tự mở cửa hàng riêng ở tỉnh Hòa Bình, Hạ Long (Quảng Ninh)… hay ở ngoài đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang. Thành chia sẻ: “Tôi muốn giúp họ có cơ hội học nghề để kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân, xoá đi rào cản xã hội. Tôi động viên anh em học viên ở cửa hàng phải cố gắng không ngừng, học hỏi không ngừng để chứng tỏ mình không khuyết tật mà chỉ khác biệt.”.

Ngoài việc chuyền nghề, Thành còn thường xuyên cùng công ty tham gia các hoạt động tình nguyện, tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật, cắt tóc miễn phí, chia sẻ về con đường mình đang đi, tiếp thêm nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chàng trai điếc bẩm sinh Nguyễn Thái Thành giành giải thí sinh triển vọng tại cuộc thi “Đẹp cùng Cây Cọ Vàng” lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội tối 3/3/2013

Với nghị lực phi thường, ham học hỏi, chủ động sáng tạo không ngừng Nguyễn Thái Thành đã gặt hái được không ít thành công. Mặc dù đã đạt được một số giải thưởng như: Giải triển vọng trong Cuộc thi 1.000 năm tóc; hay Giải triển vọng trong Cuộc thi “Đẹp cùng Cây Cọ Vàng”; Giải triển vọng trong cuộc thi về trang điểm năm 2016 … và là một trong số những người được bầu chọn là Gương mặt trẻ triển vọng, được trao giải trong buổi lễ vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, song Thành vẫn có ước nguyện muốn mở nhiều hơn nữa các cơ sở đào tạo nghề cắt tóc ở vùng cao miền núi hoặc miền Trung có điều kiện khó khăn để giải quyết việc làm cho các bạn điếc mà lại không phải đi lại quá xa./.

Hà Tuấn

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang