Nghẹn ngào nghe nữ sinh khuyết tật truyền lửa

(ĐHVO). Những câu chuyện của những người khuyết tật vươn lên cuộc sống luôn là những bài học, tấm gương sáng để chúng ta có thêm nghị lực cuộc sống. Nhìn đôi tay mỏng tang và chân chênh vênh, cong vòng như thế không ai nghĩ Huyền có thể đi học và sẽ trở thành diễn giả như giấc mơ làm Nick Vujicic của mình.

Nguyễn Thị Huyền quê ở Đắk Nông, ngay từ khi mới lọt lòng, số phận Huyền đã không may mắn, cô bị dị tật, đôi bàn tay cong vẹo, bé xíu không cầm nắm được gì, đôi chân cũng nhỏ như những đứa trẻ lên 5. Thế nhưng Huyền đã tạo nên một kỳ tích.

Cô nàng… “yêu quái”

Năm 7 tuổi, Huyền bắt đầu học lớp tình thương tại xã. Sau vài tháng, lớp đóng cửa nên Huyền phải nghỉ học. Đam mê với kiến thức sách vở, Huyền nhờ anh chị chỉ cách viết chữ, làm toán để có thể tự học. Không nản chí, đến năm 15 tuổi, được sự giúp đỡ của một cán bộ xã, Huyền được trở lại trường và bắt đầu từ chương trình lớp 4.

Với vẻ ngoài khác những đứa trẻ bình thường nên Huyền thường bị bạn bè trêu ghẹo khiến cô không ít lần tủi thân. Huyền tâm sự: “Đi học từ lớp 4 đến lớp 10 nhưng Huyền không có một người bạn, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Các bạn cứ chỉ mình rồi gọi là… người ngoài hành tinh. Nhiều lần ngồi viết bài, bạn lấy cây viết của mình quăng xuống đất, mà mình cúi không được nên các bạn nhìn vậy cười phá lên. Đến lớp 10, bạn bè còn chỉ thẳng vào mình rồi nói… yêu quái biến hình. Buồn lắm!”.

Nhưng Huyền vẫn cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ. Ngày nghe tin con đậu đại học, cha mẹ Huyền vừa mừng vừa lo, phần vì nghĩ tới chuyện cô phải một thân một mình ở nơi xa lạ, phần vì hàng xóm nói ra nói vào: “Người ta lành lặn học đại học xong còn không có việc làm, con Huyền nó vậy, học ra ai nhận”. Nhưng thương con, thương ước mơ đi học của con, gia đình đã để Huyền lên TP.HCM làm hồ sơ nhập học.

Huyền – cô gái đầy nghị lực

Huyền là người con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Mẹ Huyền có thời gian bị liệt nên mất sức lao động, tất cả gáng nặng cơm áo gạo tiền phụ thuộc vào đồng lương thợ mộc ít ỏi của người cha đang mang trong mình căn bệnh hở van tim. Để chăm lo được cho cả gia đình và tiền học phí đại học của con gái, cha của Huyền tần tảo sớm hôm, tranh thủ hái cà phê, hái tiêu thuê mỗi khi vào vụ.

Được sự động viên từ phía gia đình, hiện Huyền đã là cô sinh viên năm 3 Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh) và đạt nhiều thành tích trong học tập. Bên cạnh đó, Huyền không ngại khó, năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường như Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, đi thăm các mái ấm, nơi nuôi dưỡng người già neo đeo. Để gia đình bớt gánh lo toan, Huyền đã bán thẻ wifi ở ký túc xá đại học, mỗi tháng kiếm được từ 700.000 – 1,2 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt.

Diễn giả truyền lửa trước mùa thi

Vượt khó để học, Huyền còn mang trong mình ước mơ cháy bỏng được giống anh chàng Nick Vujicic đem câu chuyện của mình truyền nghị lực sống đến mọi người.

Để mang tới động lực cho các bạn sắp bước vào kỳ thi quan trọng, Huyền bước ra sân khấu thuật lại câu chuyện của chính mình. Nữ 9X nhỏ xíu ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn với khuôn mặt tươi tắn, mái tóc đen dài mượt mà. Đôi bàn tay Huyền cong vẹo, mỏng tang đưa lên đưa xuống theo cảm xúc câu chuyện. Huyền bắt đầu bài thuyết trình bằng giọng nghèn nghẹn, như thế bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén chỉ chực chờ để tuôn ra. Huyền kể về ba, về mẹ và người em gái nhỏ. Hình ảnh người cha già ngày ngày đưa đón con gái đi học hay mỗi bận người đàn ông với mái tóc muối tiêu còng lưng cõng cô con gái tật nguyền lên xuống cầu thang…

Trên sân khấu, Huyền xúc động miên man kể, trước 150 em học sinh lớp 12, mà không biết rằng cha và em gái chỉ đang ở cách vài bước chân, chăm chú theo dõi những lời kể chuyện của cô.

Các nữ sinh rơi nước mắt trước câu chuyện đầy nghị lực của Nguyễn Thị Huyền

Khoảnh khắc đó, Huyền không còn là một cô gái ngồi trên xe lăn, mà là một diễn giả khi kể về gia đình, về cuộc đời với một nghị lực to lớn. Nhiều học sinh lớp 12 đã rơi nước mắt trước nghị lực của cô gái trong một câu chuyện bình dị và lắng đọng.

Huyền kể: “Động lực khiến mình sống tốt suốt thời gian qua là câu nói của ba, rằng không cần con gái ba phải học quá giỏi, chỉ cần con sống lạc quan, yêu đời là được”. Rồi khi Huyền chia sẻ, ước gì có ba mẹ ở đây để lắng nghe cô nói, một người đàn ông dáng người khắc khổ từ dưới hàng ghế khán giả bỗng đứng lên. Vài giây sững sờ, Huyền nheo mắt, tay chân co quắp lại mừng rỡ và hạnh phúc!

Huyền xúc động trong giây phút bất ngờ gặp cha và em gái tại sân khấu

Ba cha con nhìn nhau, chẳng ai nói với ai lời nào, chỉ ánh nhìn đầy trìu mến, đầy tình yêu thương thôi đã khiến những người có mặt phải bật khóc. Ước mơ của cô gái nhỏ đã trở thành sự thật trong niềm hạnh phúc của người cha.

Chợt vọng lại câu thơ trong bài thơ Huyền đọc lúc trước: “Vì con ba héo mòn, vì con và vì con…”. Người đàn ông của gia đình kia, người cha của 2 cô con gái, tay xách túi trái bơ vừa hái vội trong vườn chiều hôm qua đem lên làm quà cho con gái yêu, tay còn lại quệt vội dòng nước mắt đang chảy dài…

Vương Toàn (T/h)

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang