Nghề luật sư và xu hướng phát triển nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

(ĐHVO). Trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thử thách, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong thời đại Công nghiệp 4.0, muôn vàn cơ hội được mở ra nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các luật sư Việt Nam. Cũng bởi vậy, giáo dục nâng cao hiểu biết về nghề luật sư và các dịch vụ pháp lí được cung cấp bởi luật sư ở Việt Nam là điều cần thiết với toàn xã hội nói chung và với thanh thiếu niên nói riêng, đặc biệt là sinh viên ngành Luật. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài trên với hy vọng mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quan về chức danh luật sư và đưa ra phân tích về xu hướng lựa chọn nghề luật sư trong tương lai.

1. Khái niệm và vai trò nghề luật sư

1.1. Khái niệm

Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động, trong đó con người vận dụng các tri thức, kỹ năng qua đào tạo để làm ra những sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tính chất hay tinh thần phục vụ nhu cầu của xã hội.

Nghề luật sư là một nghề luật, trong đó luật sư có quyền tự do trong phương thức hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lí cho khách hàng một cách độc lập theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh[1].

Luật sư được xếp vào nhóm bổ trợ tư pháp, là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập một Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng) nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo điều 3, Luật luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012), chức năng xã hội của luật sư: “Hoạt động của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngoài ra chức năng của luật sư còn được thể hiện cụ thể hơn trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài tố tụng.[2]

Luật sư là một nghề đặc biệt và mang những đặc thù nhất định sau đây. Thứ nhất, nghề luật sư đòi hỏi những người hành nghề phải có trình độ chuyên môn và có tính chuyên nghiệp cao. Thứ hai, luật sư hành nghề độc lập và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước khách hàng về hoạt động nghề nghiệp của mình. Thứ ba, luật sư là một nghề không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn đòi hỏi người hành nghề phải có đạo đức tốt[3].

1.2. Vai trò

Luật sư và nghề luật sư đang ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Trước hết, luật sư đóng vai trò là người bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước tòa để góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên cơ sở các quy định của pháp luật. Hơn thế, luật sư với tư cách là người hiểu biết pháp luật sẽ góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức qua hoạt động tư vấn pháp luật. Đặc biệt, là người hiểu biết pháp luật, thông qua việc hành nghề, luật sư góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng xã hội. Thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình, luật sư có trách nhiệm tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật [4].

2. Các dịch vụ pháp lí được cung cấp bởi luật sư ở Việt Nam

Theo Từ điển luật học “Dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội… Người cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm mục đích thu lợi và được coi như một nghề. Người được hưởng dịch vụ pháp lý được thoả mãn những yêu cầu hiểu biết hay công việc cụ thể và phải trả phí (giá) dịch vụ cho người cung cấp” [5].

Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác[6].

Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm: Giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về mặt pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

2.1. Tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.[7]

Tư vấn pháp luật bằng lời nói thường được áp dụng với các vụ việc có tính chất đơn giản. Khách hàng gặp gỡ người tư vấn để trình bày vụ việc của họ và nhờ người tư vấn pháp luật giúp họ tìm giải pháp của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong khi đó, tư vấn pháp luật bằng văn bản thường được tiến hành qua việc trao đổi bằng văn bản với khách hàng, luật sư sẽ trao đổi mọi thông tin liên quan cần thiết đến những vấn đề mà khách hàng có nhu cầu được tư vấn. Việc tư vấn bằng văn bản thường được tiến hành khi: khách hàng ở xa, không thể trực tiếp đến gặp người tư vấn và không muốn tư vấn qua điện thoại; khách hàng muốn khẳng định độ tin cậy của giải pháp thông qua việc đề ra các câu hỏi để người tư vấn trả lời bằng văn bản.

2.2. Tham gia tố tụng

Khởi thủy của nghề luật sư tại Việt Nam chính là “nghề thầy cãi” trong khi hoạt động tư vấn pháp luật mới được xem là hoạt động độc lập của nghề luật sư từ cuối những năm 90 trở lại đây [8]. Vì vậy, trong xã hội, luật sư được rộng rãi biết đến như là “thầy cãi” hay là người giúp khách hàng tham gia tranh tụng tại Tòa án.

Đối với lĩnh vực hình sự, luật sư tham gia từ giai đoạn khởi tố, điều tra nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của bị can, bị cáo tránh các trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Trong giai đoạn tiếp cận hồ sơ vụ án và tham gia từ giai đoạn khởi tố, điều tra luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, kịp thời khiếu nại và có kiến nghị nếu phía Điều tra viên có hành vi bức cung.

Đối với lĩnh vực dân sự, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Đối với lĩnh vực hành chính, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính. Khi tham gia tố tụng, vai trò của luật sư là giảm án oan sai, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng.

2.3. Soạn thảo văn bản, xác nhận các giấy tờ, giao dịch

Trong dịch vụ pháp lí này, nhiệm vụ của luật sư là soạn thảo các văn bản liên quan đến luật pháp phục vụ cho yêu cầu của khách hàng cũng như xác nhận các giấy tờ, thủ tục hay giao dịch đã thực hiện đúng theo trình tự pháp luật quy định hay chưa, có nội dung nào vi phạm pháp luật hay không.

2.4. Tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật

Đối với dịch vụ pháp lí này, luật sư sẽ là người đứng ra thay thân chủ của mình đàm phán, thương lượng để giải quyết những mâu thuẫn diễn ra giữa các bên, chủ yếu là vấn đề pháp lí trong kinh doanh.

2.5. Bào chữa

Khi có người bị tố cáo vi phạm pháp luật và bị buộc tội, có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc được bản thân người bị buộc tội nhờ tới, luật sư bào chữa sẽ xuất hiện với vai trò đảm bảo mọi quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, đồng thời giúp tránh hoặc giảm nhẹ nhất có thể các trách nhiệm pháp lý mà họ có khả năng phải chịu.

3. Xu hướng phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

3.1. Xu hướng phát triển:

Trước hết, luật sư là người am hiểu pháp luật, là người mang pháp luật vào đời sống, mang trọng trách đảm bảo công bằng trong xã hội, công lý được thực thi. Bởi sự thật rằng luật pháp luôn gắn liền với đời sống xã hội và bởi tính chất của công việc do luật sư thực hiện như vậy cho nên nghề luật trong xã hội được coi là một nghề quan trọng, cao quý. Vì vậy, người hành nghề luật cũng thường được trọng vọng và gửi gắm niềm tin.

Thứ hai, xét đến tình hình phát triển của dịch vụ pháp lý hiện tại, số lượng và trình độ của đội ngũ luật sư Việt Nam đang đạt được sự phát triển lớn. Nếu như vào năm 2015 thông tin từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết toàn quốc có 9436 luật sư thì vào tháng 9 năm 2021 con số đã tăng lên thành 16134 luật sư, tức tăng khoảng 40%; tham gia vào mọi lĩnh vực hành nghề pháp lý tương đối hiệu quả. Nhờ nhận thức xã hội ngày càng được nâng cao, cũng như các con số tăng lên về các dự án liên quan đến phát triển kinh tế, xây dựng doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý như tư vấn hay làm pháp chế ngày càng tăng cao, các lĩnh vực đòi hỏi dịch vụ pháp lý cũng ngày càng đa dạng, vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp dành cho các luật sư trẻ Việt Nam đông đảo và tiềm năng đang ngày càng được mở rộng.

Thứ ba, trong thời kỳ xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa lên ngôi như hiện nay, học và hành nghề pháp luật không còn bị giới hạn phạm vi trong nước. Cũng như vậy, các dịch vụ pháp lý đã mở rộng phạm vi hành nghề, trong đó có tư vấn luật quốc tế, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tổ chức, công ty nước ngoài. Luật sư Việt Nam đang đứng trước cánh cửa dẫn ra thế giới, có cơ hội tiếp cận vô số thị trường mới mẻ, rộng lớn hơn, hứa hẹn nguồn thu nhập hấp dẫn, đồng thời cũng tiến bộ hơn và nhiều cơ hội học hỏi hơn.

Ngoài ra, ta dễ dàng thấy được các vị trí trong ngành luật trong nước cùng với các loại dịch vụ pháp lý được cung cấp đã trở nên đa dạng hơn, mang đến nhiều lựa chọn hơn để người học luật xem xét dựa theo sở trường, tính cách và thu nhập mong muốn. Không chỉ dừng lại ở các vị trí thẩm phán, luật sư tố tụng, kiểm sát viên, hiện nay người hành nghề luật có thể lựa chọn nhiều vị trí như làm pháp chế cho doanh nghiệp, công chứng viên, giảng viên ngành luật, tư vấn pháp lý (ví dụ như đại diện sở hữu công nghiệp) …

3.2. Thách thức:

Học luật và hành nghề luật đòi hỏi sự đam mê, tận tâm và nghiêm túc. Trái với hình ảnh mà phim ảnh giải trí cung cấp, tuy luật thực sự là một ngành học hấp dẫn, người hành nghề pháp lý không phải làm một công việc cứng nhắc, tuần hoàn lặp đi lặp lại dễ gây nhàm chán, nhưng đồng thời nó cũng là một ngành khó, tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc và đòi hỏi người học, người làm thực sự cố gắng, không ngừng học tập, nghiên cứu, thực hành để rút kinh nghiệm. Hơn nữa dù người luật sư hoạt động trong bất kì chuyên ngành luật nào thì cũng đều cần có một nền tảng kiến thức vững chắc về pháp lý ở mọi lĩnh vực, vì vậy quá trình học tập, nghiên cứu, thực hành này sẽ tương đối vất vả.

Trong điều kiện kinh tế số hóa và xu hướng hội nhập cùng phát triển, kiến thức và kĩ năng chuyên môn như tranh tụng hay tư vấn không còn là tất cả những yếu tố quyết định của một người luật sư thành công. Bối cảnh của một xã hội hiện đại như vậy đã nâng cao tiêu chuẩn của một dịch vụ pháp lý tốt, đặt ra thêm các yêu cầu về kỹ năng của người cung cấp dịch vụ pháp lý, điển hình trong đó là kỹ năng về ngoại ngữ, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, cần biết sử dụng ngoại ngữ pháp lý thuần thục cũng như giao tiếp trôi chảy; thêm vào đó là các kỹ năng cập nhật và sử dụng công nghệ thông tin – lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang lại nhiều tiện ích cho các ngành nghề trong đó có ngành luật.

Do độ thu hút của ngành đang tăng lên đáng kể, tầm quan trọng của các dịch vụ pháp lý ngày càng được ghi nhận, số lượng và trình độ của luật sư Việt Nam ngày càng phát triển, một trở ngại, thách thức đã phát sinh, đó là áp lực cạnh tranh trong công việc, đòi hỏi người luật sư phải cố gắng hơn trước rất nhiều. Áp lực cạnh tranh hiện nay không chỉ tồn tại giữa những người hành nghề pháp lý trong nước mà còn lan tới quốc tế, yêu cầu luật sư Việt Nam phải cạnh tranh chứng tỏ năng lực cùng những luật sư quốc tế đến từ các nước phát triển với trình độ cao.

Chưa dừng lại ở đó, nghề luật sư, cụ thể là nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay, xét về khía cạnh thu nhập từ công việc có thể coi là một nghề khá mạo hiểm. Đối với những luật sư đứng đầu bộ phận pháp chế của công ty hoặc tập đoàn, hay các luật sư có kinh nghiệm và uy tín, danh tiếng, chưa nói tới các nguồn thu từ dịch vụ pháp lý do cá nhân người luật sư cung cấp, riêng tiền lương của công việc chính đã hoàn toàn có thể mang lại thu nhập cao, dồi dào; tuy nhiên đối với sinh viên mới ra trường mức lương thường dao động từ 4 triệu VNĐ đến 7 triệu VNĐ một tháng hoặc 5 triệu VNĐ đến 10tr VNĐ một tháng, xét thấy đây cũng là một nghề có thu nhập khá bấp bênh, không đảm bảo cho mọi cá nhân hành nghề luật.

3.3. Giải pháp:

Thứ nhất, để có thể nắm bắt được các cơ hội và vượt qua những thách thức thì bản thân mỗi luật sư cần có sự yêu nghề, chăm chỉ, bền bỉ để đi tới thành công. Luật sư là nghề tăng tiến theo thời gian nên kinh nghiệm và sự cống hiến có vai trò quan trọng để khẳng định giá trị của mỗi luật sư. Theo Luật sư Trần Thị Hiểu từng khẳng định: “Phải chịu khó, chịu khổ và mất ít nhất 5 năm thì các bạn mới nhận thấy là có yêu thích nghề này hay không? Bạn bè tôi phải trụ vững trong nghề này 5 năm trở lên mới có thể thành công”[9]

Thứ hai, họ cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề của bản thân; đồng thời họ cần phải luôn cập nhật và trau dồi về kiến thức kinh tế xã hội, tư duy độc lập, phân tích và phán đoán đề xuất và giải quyết những vấn đề pháp lý hiệu quả, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân, tổ chức trên phạm vi toàn cầu,… Bởi đa số các tổ chức hành nghề chỉ có từ 01 đến 02 hoặc 03 luật sư, chiếm tới hơn 80% đến 90% các tổ chức hành nghề luật sư là loại nhỏ 3.000 tổ chức hành nghề hiện nay, vì thế chưa tạo lập được niềm tin của đa số doanh nghiệp vào việc sử dụng dịch vị pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư khi họ phải đối mặt với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Đây cũng chính là tiêu chí mà Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh muốn khẳng định tới mọi người về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư tại Việt Nam: “đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội”.[10]

Thứ ba, luật sư cần có sự học hỏi, tham khảo hay tiếp cận đến những hệ thống pháp luật nước ngoài để có thể nâng cao hiểu biết về các dịch vụ pháp lý trong nước cũng như quốc tế, chủ động mở rộng và hội nhập với quốc tế. Thế giới hội nhập đồng nghĩa với việc các luật sư có nhiều cơ hội hơn để hành nghề ra nước ngoài, từng bước tham gia, giải quyết về các vụ việc pháp lý ở nước ngoài, làm việc xuyên biên giới, đa dạng đối tác, loại hình và nội dung dịch vụ. Không chỉ vậy, việc tiếp cận đến những văn bản pháp lý quốc tế cũng giúp cho các luật sư có thể cọ sát, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chuyển giao những kỹ năng, phương pháp hành nghề Luật sư tại các quốc gia phát triển trên thế giới.[11]

Đối với đội ngũ luật sư ở trong nước, thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 444 luật sư, chuyên gia pháp luật nước ta hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. TS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong đó, có 20 luật sư được tập sự hành nghề trong các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam và bảy luật sư được đào tạo ở nước ngoài và được công nhận là luật sư của các nước sở tại. “Đây là đội ngũ luật sư trong nước có khả năng cạnh tranh bình đẳng và trở thành những đối tác tương xứng với các luật sư nước ngoài tại Việt Nam” – TS Hoài nói.[12]

Thứ tư, luật sư cần có sự dũng cảm, dám đương đầu, không ngại thử thách khó khăn, luôn kiên trì và luôn giữ vững lập trường tư tưởng của mình để có thể bảo vệ cái tốt, chống lại các ác, phục vụ nhân dân thật tốt. Đồng thời, các luật sư cũng có cần phải có sự điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế nên luật sư cần cập nhật kiến thức về các quy phạm pháp luật mới được đề ra, các bộ luật thay đổi và kỹ năng để có thể đáp ứng được với môi trường hiện nay.

Thứ năm, để có thể nắm bắt được các cơ hội thật tốt thì các luật sư cũng cần trau dồi thêm cho bản thân kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nói, kỹ năng tranh biện, kỹ năng tư duy logic hợp lý….  Hơn thế nữa, các luật sư cần nâng cao thái độ, cách ứng xử đối với khách hàng, sự tận tâm và chuyên nghiệp để có thể đạt được thành công.

ThS. LS Bùi Phan Anh

Bùi Ngọc Anh

 


[1] Trần Quang Minh; PGS.TS. Nguyễn Viết Tý hướng dẫn (2010), Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp thông qua vai trò của luật sư với thực trạng ở Hải Phòng, luận văn thạc sĩ luật học, tr.15.

[2] Điều 3 Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012)

[3] TS. Nguyễn Văn Tuân (2011), Đạo đức nghề nghiệp luật sư và việc giảng dạy chuyên đề đọa đức nghề nghiệp luật sư, Tạp chí Nghề luật, Số 5, tr.36.

[4] PTS.TS Lê Hồng Hạnh chủ biên (2022), Đạo đức và kỹ năng của luật sư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tr.13-15, Quyển 2, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[5] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp “Từ điển luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2006, trang 218

[6] Điều 4, Luật luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012).

[7] Điều 28, Luật luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012).

[8] Khoản 2, Điều 13 của Pháp lệnh Tổ chức hành nghề luật sư 1987 lần đầu tiên ghi nhận hành nghề của luật sư bao gồm làm tư vấn pháp luật cho các tổ chức kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân, kể cả các tổ chức kinh tế nước ngoài bên cạnh hoạt động hành nghề truyền thống là tham gia tố tụng.


Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang