Dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng hơn 1.700 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng hơn 170 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác hơn 97 tỷ đồng.
(ảnh minh họa)
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh vừa ban hành, trong giai đoạn này, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3,0%; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 4-5%; phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 1-2 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo. Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm: Đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15-20 mô hình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp…
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần. Cụ thể: Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo có 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo. Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. Hai tiểu dự án này do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng có 02 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng do Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có 03 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm. Cả ba tiểu dự án này đều do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện.
Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin có 02 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình có 02 tiểu dự án. Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình. Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá. Cả hai tiểu dự án đều do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội