Ngày Người khuyết tật Việt Nam – 18/4

…Trong cuộc sống, sự giúp đỡ về vật chất không phải ai cũng có điều kiện làm được nhiều, nhưng về tinh thần thì mọi người đều có thể giúp được nhau rất nhiều, chỉ cần sự thành tâm…

Ảnh minh họa

Năm 1998 Việt Nam bắt đầu có ngày 18/4 là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật (Điều 31, Pháp lệnh về người tàn tật 1998) và nay là Ngày Người khuyết tật Việt Nam (Điều 11, Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010). Đối với những người không may bị khiếm khuyết một bộ phận cơ thể, hoặc bị suy giảm chức năng biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn, thì 18/4 là một trong những ngày có ý nghĩa trọng đại nhất trong năm. Mặt khác, đây chính là sự quan tâm của Nhà nước và cũng là để nhắc nhở cộng động xã hội cần quan tâm, giúp đỡ những đồng bào của mình không may gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

So với khu vực và thế giới tỷ lệ người khuyết tật (NKT) của Việt Nam tương đối cao. Một trong những nguyên nhân chính là do cuộc chiến tranh mà Mỹ đã gây ra, kể cả sau hòa bình, hậu quả của nó vẫn còn hết sức nặng nề cho đến ngày nay và nhiều năm sau nữa. Nhiều bom, mìn, lựu đạn, thủy lôi và những vật liệu nổ khác còn ở khắp nơi, đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm. Đặc biệt, việc sử dụng 77 triệu lít thuốc diệt cỏ có chứa chất độc dioxin từ năm 1962-1971 mà quân đội Mỹ rải xuống miền Trung và miền Nam đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các khuyết tật ở những đứa trẻ mới sinh từ cha, mẹ từng bị phơi nhiễm, thậm trí cả nhiều thế hệ đời sau, mà nguyên nhân trực tiếp từ nhiễm độc dioxin. Mặt khác, mỗi ngày trên toàn quốc có hàng chục người bị thương tật do tai nạn giao thông, lao động, thiên tai, ô nhiễm môi trường… đã làm tăng đáng kể số NKT hàng năm. Số hộ có NKT hiện nay tập trung nhiều ở khu vực nông thôn vùng Bắc Trung bộ; Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Hồng. Hầu hết NKT và hộ gia đình của họ hiện nay đời sống còn rất khó khăn và luôn luôn cần sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến NKT. Luật người khuyết tật năm 2010 khẳng định mạnh mẽ quyền của NKT và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT hòa nhập với xã hội. Tháng 10/2015 Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (Ủy ban) được thành lập đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020: Bảo đảm cho NKT hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày càng tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT. Ngày 28/9/2017 Ủy ban đã có Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động của giai đoạn 2017-2020. Với mục đích thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật; phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức của NKT trong các hoạt động trợ giúp NKT theo phương châm “Thực chất – Trách nhiệm – Phát triển”.

Đặc biệt ngày 01/11/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ký ban hành Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Ngay sau đó, tháng 06/2020, Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư.

Tiếp theo, ngày 05/8/2020 Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu chung: Thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và Luật NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình. Với mục tiêu phấn đấu rất cụ thể giai đoạn (2021 – 2025) và (2026 – 2030).

Ảnh minh họa

Ủy ban quốc gia về NKT đã tổ chức tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh toàn cầu, xong chúng ta đã luôn cố gắng  giúp đỡ NKT về mọi mặt. Tính đến năm 2020 hơn 1 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.696 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội và 374 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT; 186.816 NKT đã cấp thẻ BHYT; Hơn 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Các tổ chức của NKT đã có nhiều cố gắng vận động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho NKT… Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông tiếp cận, văn hóa thể thao, du lịch đối với NKT cũng có nhiều chuyển biến, từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của NKT ngày càng được quan tâm và đảm bảo hơn.

Trong những tháng đầu năm 2021 nhiều địa phương, tổ chức xã hội, tập thể và cá nhân trên cả nước đã tích cực các hoạt động giúp đỡ cả và vật chất và tinh thần cho NKT. Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh đã triển khai Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về NKT.

Ngày 30/01/2021 UBND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện “Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030” với mục tiêu: Thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT phù hợp với chính sách của Nhà nước và sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trợ giúp NKT nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT.

Tại Điện Biên vừa qua đã tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho gần 400 trẻ em khuyết tật ở các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Nậm Pồ… Các cháu được thăm khám bị mắc các dạng khuyết tật như: sứt môi hở hàm ếch, các dị tật vùng mặt; khuyết tật vận động như biến dạng tay, chân, nghẹo cổ, cột sống; di chứng sau bỏng như sẹo xấu làm biến dạng các bộ phận cơ thể; khuyết tật về mắt như sụp mi, đục thủy tinh thể và các loại u bướu lành tính; trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, trẻ khiếm thính. Trong tháng 4/2021 sẽ tiếp tục thăm khám miễn phí cho các em nhỏ bị khuyết tật tại các huyện: Mường Nhé, Điện Biên Đông và thị xã Mường Lay. Nhiều bệnh viện của địa phương đã tạo tạo điều kiện thuận lợi cho NKT khám và chữa bệnh…

Tỉnh Bình Định ngày 30/3/2021 đã tổ chức tổng kết các hoạt động và lập kế hoạch cho Dự án  “Hỗ trợ người khuyết tật tàn tật – vượt lên tất cả” năm (2021-2022). Xây dựng đội ngũ chuyên gia tuyến tỉnh về dụng cụ trợ giúp; Tăng cường năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại địa phương từ cấp tỉnh đến xã; Chuẩn hóa Quy trình cung cấp dịch vụ dụng cụ trợ giúp nhằm mục đích phục vụ cho NKT tiếp cận được các dịch vụ, dụng cụ trợ giúp để có điều kiện hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống…

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình thiết thực: Tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật; cung cấp một số dụng cụ trợ giúp vận động, dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật, chuyển giao các kiến thức, kỹ thuật phục hồi chức năng tại nhà khi có nhu cầu…

Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách hỗ trợ giáo dục cho NKT tại Hà Nội. Thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho NKT” từ tháng 9/2020 đến 8/2021 do Hội Người mù Việt Nam xây dựng, nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn và hỗ trợ pháp lý về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực cho NKT nhất là những dạng khuyết tật khó khăn về tiếp cận: người khiếm thị, khiếm thính, gia đình trẻ khuyết tật, người sử dụng lao động là NKT, nhân viên y tế, cán bộ giáo dục và những người liên quan… Sau khi dự án kết thúc sẽ nhân rộng các địa phương khác trên toàn quốc.

Ngày 8/4, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus chính thức khai trương và đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện thông minh đầu tiên của Việt Nam. Những tuyến xe buýt điện đầu tiên sẽ chạy tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) trong khi chờ hoàn tất các thủ tục để kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội trong thời gian tới. VinBus được trang bị hệ thống tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống phù hợp với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và NKT.

Ảnh minh họa

Qua các kênh truyền thông trong quý I/2021 hầu hết các tỉnh đều đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện “Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030” tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Đây là những tín hiệu khả quan trong năm 2021 và những năm tiếp theo để tạo điều kiện cho NKT và gia đình của họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

Một điều rất đáng mừng là gần đây, những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT được cộng đồng đặc biệt quan tâm đã có tác dụng, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm. Ngày 08/4/2021 vào khoảng 8 giờ trên trang facebook của một cá nhân có phản ánh vụ việc tại trạm chờ xe buýt chợ Thủ Đức (P.Trường Thọ, Tp. Thủ Đức), một người đàn ông ngồi xe lăn gắng sức leo lên xe nhưng bị nữ nhân viên xe buýt từ chối và không được sự giúp đỡ (mặc dù trên xe buýt đó có hàng ghế ghi dòng chữ “Dành cho phụ nữ có thai và người khuyết tật”). Khi thông tin phát đi, ngay lập tức đã gây dậy sóng dư luận, phản ứng và yêu cầu đơn vị quản lý tuyến xe buýt có câu trả lời.

Điều đáng nói là sau khi sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng xác nhận tiếp viên Phạm Thị Ngọc Hương đã có hành vi từ chối phục vụ NKT lên xe buýt BKS 51B-311.00 tuyến số 8, dừng đỗ tại trạm chợ Thủ Đức trong khoảng thời gian từ 7h59 – 8h05 và đã đề nghị HTX vận tải xe buýt Quyết Thắng (đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 8) tạm ngưng công việc người này vì có hành vi từ chối phục vụ NKT làm tường trình.

Cũng vào buổi chiều ngày 8/4, tại đường giao cắt Khu đô thị Linh Đàm giữa lúc dòng người qua lại, có một chiếc xe lăn trục trặc, người trên xe loay hoay nhưng không có kết quả, ngay lập tức có nhiều người đã dừng lại cùng nhau đưa người và xe lăn lên vỉa hè và gọi thợ sửa xe đến giúp đỡ. Những giọt nước mắt của nhiều người đã rơi, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của tình người. Những việc làm tuy nhỏ, nhưng nghĩa tình là rất lớn, đáng trân trọng và học tập. Trong cuộc sống sự giúp đỡ về vật chất không phải ai cũng có điều kiện làm được nhiều, nhưng về tinh thần thì mọi người đều có thể giúp được nhau rất nhiều, chỉ cần sự thành tâm. Kỳ thị không phải là vấn đề thuộc vật chất, của khoa học kỹ thuật, nó là vấn đề thuộc tâm lý, sự ý thức sâu xa giá trị sống của con người, không phải là lòng thương hại mà là sự cảm thông hướng cho hành động đúng đắn của mỗi người.

Con người sinh ra ai cũng muốn có một cơ thể lành lạnh, khỏe mạnh, để được học tập, làm việc, tham gia các hoạt động của xã hội và được yêu thương. Song với NKT họ không những chỉ gặp khó khăn về sinh hoạt, học tập, việc làm, hôn nhân… mà tâm lý của họ còn dễ bị mặc cảm, tổn thương do bị kỳ thị ở chỗ đông người. Có thể nói, hiện nay một trong những cản trở lớn nhất đối với NKT chính là sự kỳ thị, nó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn, đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống. Chính vì vậy NKT luôn mong muốn được xã hội cảm thông, chia sẻ nhiều hơn nữa, để động viên giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, cùng chung tay góp sức xây dựng cuộc sống hạnh phúc, quê hương đất nước phồn vinh. Đồng thời rất cần sự đồng tình, ủng hộ của cả xã hội không để những hành vi sai trái tiếp tục xảy ra ở bất cứ nơi nào và có thật nhiều những nghĩa cử đẹp trong cuộc đời như 2 sự việc vừa xảy ra.

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về NKT đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với đời sống của họ. Các rào cản xã hội, rào cản thông tin từng bước giảm. Quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn, tạo khung pháp lý về chăm sóc NKT, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho NKT tiếp cận học nghề, việc làm và các dịch vụ xã hội.

Dự báo số lượng NKT trong những năm tới sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Đến nay, chúng ta vẫn còn nhiều NKT thuộc hộ nghèo, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về giáo dục, y tế, việc làm và nhất là vẫn còn sự phân biệt, kỳ thị đối với NKT.

Cùng với việc làm tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách, các phong trào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ NKT, nhất là những nạn nhân chiến tranh, điều quan trọng hơn là suy nghĩ, thái độ, là sự tôn trọng, sẻ chia, là tình yêu thương con người, tạo điều kiện để NKT tự khẳng định và vươn lên. Đối với những người không may mắn trong cuộc sống, mỗi người cũng phải biết chiến đấu với những nghịch cảnh, với chính bản thân, để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý. Mặc cảm, tự ti là đánh mất luôn cả những gì còn lại, tự tin chấp nhận mình, bằng lòng với với những gì mình đang có, chứ không phải buồn chán với những gì mình không có, kiên nhẫn, vươn lên vượt khó khăn, gian khó giành lấy hạnh phúc cho chính mình. Được sống làm người thật quý giá, nhưng sống đúng mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình có còn quý giá hơn rất nhiều.

Thực tế đã chứng minh ở nhiều NKT sự nỗ lực tồn tại và phát triển đặc biệt cao. Có thể nói, trừ những NKT nặng chưa tìm được giải pháp phục hồi chức năng lao động, mọi NKT đều có thể hòa nhập xã hội, trở thành người hữu ích. Dù khiếm khuyết về chức năng, nhưng hầu hết họ đều sống đẹp, biết yêu thương, chăm chỉ lao động, tôn trọng luật pháp, biết ứng xử đúng mức. Họ không chỉ biết lao động, học tập, thể thao mà còn nhiều người giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Hiện nay có nhiều NKT là công chức, viên chức, luật sư, nhà báo là đảng viên… họ luôn gương mẫu hoàn thành tốt nhiêm vụ được giao. Với NKT, họ đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, đóng góp trên nhiều lĩnh vực lao động, công nghệ thông tin, văn hóa thể thao, kinh tế, giáo dục, khoa học… Tuy bị khiếm khuyết, nhưng như sự bù khuyết của cuộc sống, với tất cả khả năng còn lại, họ đã lao động, học tập, cống hiến, để khẳng định giá trị bản thân, tạo dựng cuộc sống cho mình, gia đình và cho nhiều người đồng cảnh.

Cùng với chế độ, chính sách đúng, một nền giáo dục nhân đạo, sự giúp đỡ sẻ chia của xã hội sẽ giúp NKT Việt Nam phát triển những năng lực sẵn có, giúp họ hòa nhập phát huy được những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp, để trở thành những công dân hữu ích, những tài năng sáng tạo cùng góp công, góp sức xây dựng gia đình và xã hội./.

Luật sư Trần Văn Chương

 

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang