(ĐHVO). Mới đây, người dân vẫn còn hoang mang vì không thể mua được một chiếc khẩu trang y tế vì tình hình khan hiếm trước dịch Covid-19, vậy mà trên các trang thương mại điện tử Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn,…lại xuất hiện những gian hàng bán khẩu trang, nước xát khuẩn với giá “trên trời” để bán ra ngoài thị trường. Dường như công nghệ càng phát triển, nhiều người càng có xu hướng lợi dụng điều đó để làm giàu cho bản thân.
Thương mại điện tử hiện đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng chóng mặt với các ưu điểm vượt trội thu hút cả người bán và người mua. Với những người bận rộn họ có thể mua bất cứ thứ gì chỉ bằng một thao tác “nhấp chuột”. Cũng nhờ thương mại điện tử mà doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng vươn ra thế giới, không phải mất nhiều chi phí quảng cáo sản phẩm cũng như tham gia các triển lãm hàng hóa theo kiểu truyền thống.
Mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến trong thời đại ngày nay.
Với những ưu điểm của mình, các trang thương mại điện tử hiện đang là vùng đất “màu mỡ” để nhiều người “lợi dụng”. Không khó để chúng ta bắt gặp những sản phẩm được quảng cáo sai sự thật mà các doanh nghiệp thương mại điện tử đang bày ra để giao dịch với khách hàng. Thông tin quảng cáo về sản phẩm một đằng, hàng hóa đến tay người mua một nẻo. Bạn Lê Thị Ngọc Ánh – Sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Mình thấy mua hàng trên mạng là một sự may rủi, nhiều khi rất bất ngờ và hụt hẫng khi hàng hóa đến tay mình lại là một kiểu mẫu khác so với hàng mình đặt, đến khi trả hàng thì lại không được”.
Không chỉ vậy, nhiều sinh viên đã bị lừa, tham gia vào “thế giới đa cấp” ngay trên chính các trang thương mại điện tử. Với lời hứa sẽ thu siêu lợi nhuận từ một công ty nào đó, các bạn đã phải vay tiền bạn bè để mua một gian hàng, rồi lôi kéo chính bạn bè, người thân của mình tham gia vào sàn để kiếm hoa hồng trên hệ thống. Tuy nhiên thu nhập chẳng thấy, chỉ thấy mất tiền của, thời gian, lòng tin, sau cùng là sự hối hận.
Các gian hàng mua sắm điện tử lợi dụng dịch bệnh để tăng giá sản phẩm.
Thời gian qua, hàng nghìn gian hàng trên các sàn thương mại điện tử đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra về hành vi trục lợi từ dịch Covid-19 khi khẩu trang y tế, nước xát khuẩn, gel rửa tay khô,…đều là các mặt hàng bị người bán tự ý tăng giá gấp nhiều lần so với giá bán trên thị trường. Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Chotot,… rà soát 223.597 gian hàng với hơn 1 triệu sản phẩm, trong đó xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Đồng thời triển khai quy trình kiểm soát tự động bằng từ khóa đối với các hàng hóa đăng bán có liên quan.
Bộ Công thương cũng cho biết sắp tới sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc loại bỏ hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến.
Rõ ràng, các cơ quan có thẩm quyền đang tích cực điều tra các hành vi trục lợi trên sàn thương mại điện tử nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Không thể phủ nhận việc mua sắm online rất dễ dàng và cho ta nhiều sự lựa chọn, tuy nhiên bạn hãy là người tiêu dùng thông minh, tỉnh táo, tránh “sập bẫy” mua sắm trong các giao dịch trực tuyến của mình.
Lan Phương.