(ĐHVO). Cuộc đời mỗi người lại là tấm bản đồ với những hướng đi khác nhau, mỗi người sẽ tự biết cách chọn cho mình một con đường riêng. Chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã tự làm chủ cuộc đời chính mình với sự quyết tâm, nỗ lực, khắc phục mọi khiếm khuyết cơ thể để trở thành người thợ thổi hồn vào những bức tranh làm từ vỏ ốc.
Khuyết tật – Bất tiện chứ không bất hạnh
Trần Thị Ngọc Hiếu (1984) sinh ra và lớn lên tại vùng quê huyện Nhơn Trạch, tình Đồng Nai. Sinh ra với cơ thể vốn lành lặn nhưng đến năm lên 3 tuổi chị bị sốt bại liệt. Thời gian đó việc tiêm chủng vaccin phòng ngừa căn bệnh này chưa được phổ biến rộng rãi, hậu quả để lại là di chứng trên cơ thể, chị đã bị liệt hai chân và tay phải. Ngày còn nhỏ, mọi sinh hoạt hằng ngày của chị đều cần đến sự giúp đỡ của mẹ, của chị gái. Dần dần khi lớn lên, chị ý thức được bản thân mình không được dựa vào người khác, suy cho cùng chỗ dựa vững chắc nhất vẫn là dựa vào chính mình, chị đã tự học cách lo cho bản thân mình. Năm 14 tuổi, mỗi ngày đến trường nhìn bè bạn xung quanh chạy nhảy nô đùa mà mình chỉ có thể ngồi một chỗ, những tiết thể dục chị đều không thể tham gia. Chị bắt đầu có những thay đổi trong suy nghĩ, cảm thấy tự ti, nhận thấy bản thân khác biệt so với mọi người chị lại càng chạnh lòng, buồn tủi. Nhưng chính sự đồng hành của gia đình đã xóa bỏ mọi rào cản về sự tự ti trong chị, không cho phép bản thân bỏ cuộc.
Hình ảnh chị Ngọc Hiếu
Quyết định táo bạo định hướng cuộc đời
Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, chị có khao khát được đi tiếp con đường học vấn đó là học Đại học, thế nhưng quyết định này không được sự đồng ý của gia đình chị Hiếu. Do sức khỏe của bản thân, chị phải dùng xe lăn và xe gắn máy ba bánh để di chuyển, thêm nữa là học Đại học ở xa gia đình sợ chị không thể tự chăm sóc được cho mình. Sau những ngày tháng bao bọc của gia đình, chị vẫn ấp ủ ước mơ được chắp cánh bay xa, vươn mình ra ngoài để trải nghiệm, để học hỏi. Chị đã đưa ra một quyết định táo bạo đó là lên Sài Gòn học việc tại Công ty dạy làm tranh đá quý. Ban đầu mọi thứ đều rất khó khăn, những ngón tay yếu ớt khiến dụng cụ làm tranh liên tục rơi xuống sàn. Nhà tuyển dụng đã cho chị 1 tuần thử việc, thời gian đó, chị đã cố gắng hết mình, công sức chị bỏ ra gấp đôi, thậm chí gấp ba người khác. Sau một tuần chị đã có thể thực hiện thuần thục các bước, trình tự làm tranh. Trong một tháng học việc, chị đã tự mình hoàn thành được các loại tranh đính đá đơn giản.
Người thợ làm tranh giàu tâm huyết
Vào năm 2014, một công ty thông qua tìm hiểu trên mạng xã hội đã biết đến chị Hiếu, ngỏ ý muốn chị làm tranh bằng vỏ ốc để đem ra nước ngoài bán. Sau lần hợp tác khá thành công đó, chị đã quyết định đi theo con đường này. Kể từ đó, chị cảm thấy yêu các sản phẩm được làm từ vỏ ốc, “nếu tranh đính đá là mối tình đầu thì tranh làm bằng vỏ ốc giống như người tình thứ hai đối với chị” – Chị Hiếu tâm sự.
Đến nay, chị đã đi được một chặng đường khá dài, hàng nghìn sản phẩm từ vỏ ốc đa dạng, nhiều màu sắc được làm ra dưới đôi bàn tay của chị. Từ những chiếc vỏ ốc đã vụn vỡ tưởng chừng chỉ có thể vứt bỏ cũng được chị tận dụng triệt để, đôi bàn tay nhỏ bé ấy đã thêu dệt nên những bức tranh rực rỡ sắc màu cuộc sống. Sự sáng tạo của chị là vô hạn, chỉ cần có ý tưởng là chị bắt tay vào làm ngay, sản phẩm chị tạo ra rất đa dạng, nào là tranh, bình hoa, hộp đựng bút, khung ảnh,…
Tháng 11 vừa qua, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, bạn bè xung quanh chị đã có thể mở cho mình một cửa hàng để tiện cho việc buôn bán cũng như làm việc. Nơi đây đã và sẽ là địa điểm đến lý tưởng cho mọi người muốn được chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Ngoài ra, chị còn đào tạo, dạy nghề miễn phí cho những người khuyết tật khác để ai cũng có thể tự làm việc và nuôi sống bản thân. Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác dạy nghề bị đình trệ, nhưng bất cứ khi nào có thể dạy lại, chị đều sẵn sàng truyền lại những kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho các bạn có nhu cầu được học về thể loại tranh này.
Với đường bờ biển trải dài, Việt Nam có tài nguyên ốc rất phong phú, chị muốn dùng chính những sản phẩm mang “hơi thở biển cả” để mỗi khách hàng nhìn vào sẽ thấy yêu thiên nhiên, môi trường xung quanh hơn nữa, từ đó bản thân mỗi người sống có trách nhiệm, biết bảo vệ và yêu quý thiên nhiên quanh mình.
Chị Ngọc Hiếu rạng rỡ trong ngày khai trương cửa hàng
Không gian cửa hàng “Tranh đá quý của Hiếu”
Những vỏ ốc dù còn nguyên vẹn hay không, thì vẫn đều là những thứ có giá trị, nhiều mảnh vỡ chắp vá lại với nhau tạo nên một sản phẩm tuyệt vời. Cũng như những người khuyết tật, tuy có khác biệt nhưng mỗi người lại là một mảnh ghép quan trọng trong cộng đồng, chỉ cần được đặt đúng vị trí, họ sẽ biết tự tạo nên giá trị riêng biệt cho bản thân.
Hương Trinh