(DHVO). Làng tôi-làng Xuân Đào, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngôi làng có gần nghìn năm, nay phát triển thành nhiều xóm, nằm giữa vựa lúa Yên Thành. Dân Nghệ An vẫn truyền câu ca “Yên Thành là mẹ là cha/Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”. Bây giờ, làng tôi giàu có, nhiều biệt thự hiện đại, tinh khôi; kết cấu hạ tầng không kém nơi đô thị. Một số tờ báo đăng bài, giới thiệu làng tôi là “Làng tỉ phú”.
Dù dân làng tôi nhiều người năng động, nhạy bén với cái mới để vươn lên làm giàu nhưng những mặt trái của kinh tế thị trường không hề tác động xấu đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng tôi. Cả xã không có người nghiện ma túy; nạn đĩ điếm, trộm cắp không có đất sống. Những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của làng tôi vẫn gìn giữ, đặc biệt là phong tục đám cưới.
Tôi đã dự đám cưới nhiều nơi, từ vùng duyên hải Quảng Ninh, Hải Phòng, đến những bản làng người Dao, người Tày ở vùng cao, nhưng chưa thấy nơi nào có phong tục đám cưới lạ lùng như ở làng tôi. Đám cưới không gửi thiếp mời nhưng dân làng vẫn đến chung vui. Thực ra, trước đây, gia đình nhà trai, nhà gái đều có chung một một bản thông báo về lễ cưới, cho phát ra loa truyền thanh của xóm, làng. Bây giờ, không cần thông báo lễ cưới qua loa truyền thanh nữa; dân làng tự thông báo cho nhau rồi tự đến. Những người có mối quan hệ họ hàng, thân thuộc mà không đến dự đám cưới mới là người đáng trách.
Từ tối hôm trước, dân làng đến mừng cưới. Trước đây, quà mừng cưới chủ yếu là hiện vật như xoong, nồi, phích nước…; bây giờ là tiền mặt. Mừng cưới xong, khách vào hôn trường ăn trầu, uống nước; đám thanh niên thì hát. Thời chiến tranh, hôn trường chăng đầy khẩu hiệu “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”; “Trai anh hùng, gái đảm đang”; “Quyết tâm đánh thằng giặc mĩ xâm lược”… và hát những ca khúc cách mạng. Bây giờ, hôn trường lộng lẫy, thanh niên hát karaoke và những điệu nhảy tưng bừng.
Ngày hôm sau, dù mùa đông hay mùa hè; dù ngày nông nhàn hay mùa vụ, tiệc cưới đều diễn ra từ sáng sớm. Tầm 6 giờ sáng, dân làng đến đông vui, trật tự như là đi…bầu cử vậy và đến khoảng 7h3 là kết thúc. Các cụ giải thích, sở dĩ dân làng tôi ăn cỗ cưới sớm như vậy là để kịp ra đồng sản sản xuất. Bây giờ, việc đồng áng ở quê tôi hoàn toàn làm bằng máy, không còn vất vả, tất bật như xưa nhưng vẫn giữ phong tục cũ.
Tôi đi khắp nơi, tìm kiếm nhân tố mới để viết báo. Mới hay rằng, cái tốt, đẹp, ngay trên quê hương mình, trong người những thân của mình, giờ mới nhận ra.
Hồng Thành, 11/2019
Minh Cao