Năng lực của học viên Học viện Chính trị khu vực I trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch – Thực trạng và giải pháp

(ĐHVO). Dựa trên kết quả khảo sát được thực hiện năm 2022 đối với học viên Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại Học viện Chính trị khu vực I. Bài viết khái quát về thực trạng năng lực (bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ) của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm xác định các vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực này cho học viên, góp phần bồi dưỡng học viên trở thành lực lượng tích cực tham gia cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặt vấn đề

Trong công tác đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, chỉ tính riêng hệ đào tạo tập trung, hàng năm Học viện Chính trị khu vực I được giao chỉ tiêu đào tạo gần 1.000 học viên. Theo tiêu chuẩn chính trị, tất cả học viên Cao cấp lý luận chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nên việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng nói chung và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nói riêng là nhiệm vụ của mỗi học. Do vậy, đây là lực lượng cần phát huy trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, thực trạng năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay như thế nào? Các kiến thức, kỹ năng, thái độ của học viên về vấn đề này ra sao? Những vấn đề nào đang đặt ra trong việc nâng cao năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch? là những vấn đề cần nghiên cứu để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

1. Thực trạng năng lực của học viên Học viện Chính trị khu vực I trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Để tìm hiểu về thực trạng năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xác định các vấn đề đặt ra. Chúng tôi tiến hành khảo sát đối với học viên Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung khoá học 2021 – 2022 tại Học viện Chính trị khu vực I theo Phiếu Khảo sát được soạn sẵn. Số phiếu phát ra 180 phiếu, số phiếu thu về 168 phiếu, số phiếu trả lời đúng theo hướng dẫn là 156 phiếu. Sau khi rà soát, chúng tôi quyết định lựa chọn và sử dụng 150 phiếu để xử lý và khái quát thực trạng và xác định những vấn đề đặt ra về năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo 03 phương diện: kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Một là: Thực trạng kiến thức của học viên dùng để nhận diện và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Để khái quát về thực trạng kiến thức của học viên dùng để nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch. Chúng tôi sử dụng câu hỏi: “Đồng chí hãy đánh giá mức độ kiến thức của bản thân có thể sử dụng để nhận thức đúng về các quan điểm sai trái thù địch”, với 04 mức độ là “Còn hạn chế”, “Trung bình”, “Tốt” và “Rất tốt”. Kết quả khảo sát cho thấy: 14/150 (chiếm 9,33%) số học viên được khảo sát lựa chọn ở mức “Rất tốt”; 18/150 (chiếm 12%) số học viên được khảo sát lựa chọn ở mức “Tốt”; 100/150 (chiếm 66,6%) lựa chọn ở mức “Trung bình” và 18/150 (chiếm 12%) lựa chọn ở mức “Còn hạn chế”.

Tiếp tục sử dụng câu hỏi “Đồng chí hãy đánh giá mức độ kiến thức của bản thân có thể để đấu tranh hiệu quả đối với các quan điểm sai trái thù địch”, cũng với 04 mức độ đạt được để học viên tự đánh giá là “Còn hạn chế”, “Trung bình”, “Tốt” và “Rất tốt”. Kết quả khảo sát thu được hoàn toàn trùng khớp về số lượng và tỷ lệ với kết quả như ở nội dung khảo sát về “Kiến thức dùng để nhận diện đúng các quan điểm sai trái thù địch” mà chúng tôi đã xử lý và tổng hợp ở trên.

Điều đó cho thấy, việc nhận diện có mối quan hệ trực tiếp với việc đấu tranh đối với các quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là: Thực trạng kỹ năng của học viên trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Để khái quát về thực trạng kỹ năng của học viên trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chúng tôi sử dụng câu hỏi: “Đồng chí hãy đánh giá mức độ kỹ năng của bản thân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các tiêu chí sau: (1) Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin đối với các quan điểm sai trái, thù địch; (2) Kỹ năng thuyết trình/tranh luận đối với các quan điểm sai trái, thù địch; (3) Kỹ năng viết bài phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, cũng với 04 mức độ để học viên lựa chọn là “Rất tốt”, “Tốt”, “Trung bình”, “Còn hạn chế”. Kết quả thu được như sau:

– Đối với tiêu chí “Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin đối với các quan điểm sai trái, thù địch”: Có 24/150 (chiếm 16%) lựa chọn mức “Rất tốt” (trong số này, có 10 học viên lựa chọn mức “Rất tốt” và 14 học viên lựa chọn các mức độ khác ở phần đánh giá về kiến thức); 29/150 (chiếm 19,3%) lựa chọn ở mức “Tốt”; 87/150 (chiếm 58%) lựa chọn ở mức “Trung bình”, đáng chú ý chỉ có 10/150 (chiếm 6,6%) lựa chọn ở mức “Còn hạn chế”.

– Đối với tiêu chí “Kỹ năng thuyết trình/tranh luận đối với các quan điểm sai trái, thù địch”: Có 27/150 (chiếm 18%) số học viên tham gia khảo sát lựa chọn ở mức “Rất tốt”, 42/150 (chiếm 28%) số học viên được khảo sát lựa chọn ở mức “Tốt”, 76/150 (chiếm 50,6%) lựa chọn ở mức “Trung bình”, đáng chú ý chỉ có 5/150 (chiếm 3,3%) lựa chọn ở mức “Còn hạn chế”.

Kết quả trên cho thấy, học viên đánh giá khá cao về kỹ năng thuyết trình/tranh luận đối với các quan điểm sai trái, thù địch (khi có đến 46% học viên đánh giá ở mức “Tốt” và “Rất tốt”). Theo chúng tôi, mức độ này phản ánh khá trung thực với thực tế của học viên, vì theo phân cấp, học viên học tại Học viện Chính trị khu vực I là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương – những người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại các đơn vị/địa phương. Do đó, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng nói trước đám đông…, là những kỹ năng cần thiết và không thể thiếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ. Do vậy, trong thời gian học tại học viện, họ chuyển hoá các kỹ năng này thành kỹ năng thuyết trình/tranh luận đối với các quan điểm sai trái, thù địch là điều hợp lý và kết quả trả lời của học viên được tổng hợp như trên là phù hợp.

– Đối với tiêu chí “Kỹ năng viết bài phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”: Khác với kết quả thu được từ “Kỹ năng thuyết trình/tranh luận đối với các quan điểm sai trái, thù địch”, ở kỹ năng này chỉ có 6/150 (chiếm 4%) số học viên tham gia khảo sát lựa chọn mức “Rất tốt”, 14/150 (chiếm 9,3%) số học viên được khảo sát lựa chọn mức “Tốt”, 49/150 (chiếm 32,6%) lựa chọn mức “Trung bình”, đáng chú ý có tới 81/150 (chiếm 54%) lựa chọn mức “Còn hạn chế”.

Như vậy, có thể thấy rằng, đối với học viên kỹ năng viết bài phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế khi có tới 54% học viên lựa chọn ở mức “Còn hạn chế”, trong khi chỉ có 4% tỷ lệ học viên được khảo sát lựa chọn ở mức “Rất tốt” (đây là 6 trong số 14 học viên được khảo sát lựa chọn kiến thức ở mức “Rất tốt” và là những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này tại đơn vị/địa phương).

Ba là: Thực trạng thái độ của học viên trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch

Theo nội dung câu hỏi được đưa ra là “Khi nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch, đồng chí sẽ làm gì? (Với gợi ý là các quan điểm này có thể xuất hiện trong lĩnh vực công tác tại đơn vị/địa phương, cũng có thể là những vấn đề do giảng viên nhận diện và gợi mở trong mỗi chuyên đề/môn học) và yêu cầu mỗi học viên chỉ được chọn duy nhất 01 phương án trong số 04 phương án là: 1. “Tự tin vào kiến thức và kỹ năng của bản thân, sẵn sàng, chủ động đấu tranh, bác bỏ”; 2. “Báo cáo cấp trên, chờ ý kiến chỉ đạo hoặc chờ đợi câu trả lời của giảng viên và học viên khác”; 3. “Muốn đấu tranh nhưng không tự tin với kiến thức và kỹ năng của bản thân”; 4. “Thờ ơ, không quan tâm”.

Kết quả có 51/150 (chiếm 34%) lựa chọn phương án 1. “Tự tin vào kiến thức và kỹ năng của bản thân, sẵn sàng, chủ động đấu tranh, bác bỏ”, 32/150 (chiếm 21,3%) lựa chọn phương án 2. “Báo cáo cấp trên, chờ ý kiến chỉ đạo hoặc chờ đợi câu trả lời của giảng viên và học viên khác”; 40/150 (chiếm 26,6%) lựa chọn phương án 3. “Muốn đấu tranh nhưng không tự tin với kiến thức và kỹ năng của bản thân”, còn lại 27/150 (chiếm 18%) lựa chọn phương án 4. “Thờ ơ, không quan tâm”.

Thực trạng trên cho thấy thái độ của học viên trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là chưa sẵn sàng, chủ động dựa trên kiến thức và kỹ năng của bản thân khi chỉ có 34% chọn phương án 1, trong khi có tới 21,3% thể hiện thái độ thụ động, chờ đợi vào kiến chỉ đạo của cấp trên. Đáng chú ý, có 18% học viên tham gia trả lời phiếu khảo sát thể hiện thái độ thờ ơ, không quan tâm đến các quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện trong lĩnh vực công tác tại đơn vị/địa phương, cũng như những quan điểm sai trái do giảng viên nhận diện và gợi mở trong chuyên đề/môn học.

2. Những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao năng lực của học viên Học viện Chính trị khu vực I trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Một là: Tập trung nâng cao năng lực về kiến thức dùng để nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch. Vì chỉ khi nào học viên có đủ kiến thức để nhận thức đúng về các quan điểm sai trái, thù địch thì khi đó học viên mới có thể đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm đó và ngược lại.

Hai là: Tăng cường kỹ năng thu thập và xử lý thông tin đối với các quan điểm sai trái, thù địch cho học viên. Đồng thời, cần chú ý bổ sung, cập nhật thêm các kiến thức cần thiết để học viên có thể sử dụng trong thu thập và xử lý thông tin đối với các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần có giải pháp phù hợp và hiệu quả để thu hút học viên tham gia viết bài phê phán, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bồi dưỡng học viên trở thành lực lượng xung kích, những “cây bút chiến” không chỉ trong thời gian học tại Học viện mà còn cả trong quá trình công tác sau này.

Ba là: Thay đổi ý thức và thái độ của học viên đối với nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể là, cần làm cho 21,3% học viên thay đổi thái độ từ trông chờ, ỷ lại vào cấp trên hoặc giảng viên và học viên khác sang có thái độ chủ động đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, cần làm cho 26,6% học viên có nhu cầu muốn đấu tranh, nhưng không tự tin với kiến thức và kỹ năng của bản thân thành hiện thực, có thái độ tự tin với với kiến thức và kỹ năng của bản thân để chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, cần làm cho 18% học viên có thái độ thờ ơ, không quan tâm phải thay đổi để có thái độ tích cực trong việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.

3. Một số giải pháp nâng cao năng lực của học viên  Học viện Chính trị khu vực I trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Để nâng cao năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho học viên, cần có sự tham gia của tất cả các chủ thể, từ công tác chỉ đạo của lãnh đạo Học viện, công tác tổ chức thực hiện của các đơn vị liên quan, đến sự tham gia của giảng viên các khoa chuyên môn, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của học viên. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là: Đối với Học viện chính trị khu vực I

– Đưa nội dung “Phổ biến và hướng dẫn về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch” vào chương trình “Tuần lễ học viên”.

Cùng với việc thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại chi bộ các lớp học viên như hiện nay, để nâng cao năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho học viên, trước hết phải tập trung nâng cao nhận thức của học viên về nhiệm vụ này. Muốn vậy, ngay từ đầu khoá học, phải đưa nội dung “Phổ biến và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” vào chương trình “Tuần lễ học viên”, nhằm phổ biến và hướng dẫn học viên các quy định, nội dung và cách thức đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó giúp cho học viên nhận thức được ngay từ đầu khoá học về trách nhiệm của bản thân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và có kế hoạch thực hiện trong thời gian học (nội dung này đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện trong chương trình “Tuần lễ học viên”).

Nội dung “Phổ biến và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” sẽ bao gồm việc phân tích tính tất yếu của việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới hiện nay. Đồng thời, phổ biến các chủ trương, quan điểm của Đảng về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để giúp học viên nhận thức đầy đủ và xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Từ đó, hướng dẫn học viên các kỹ năng cơ bản để nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch ngay trong quá trình học tại Học viện, cũng như trong thực tiễn quá trình công tác sau này tại địa phương/đơn vị.

Tiếp tục chỉ đạo các khoa chuyên môn và các giảng viên thực hiện đổi mới nội dung bài giảng và phương pháp giảng dạy theo hướng giảng viên không chỉ củng cố và nâng cao kiến thức lý luận chính trị và hệ thống lý luận khoa học, tiên tiến, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, phương pháp luận khoa học cho học viên; mà còn thực hiện tích hợp, lồng ghép các quan điểm sai trái, thù địch phù hợp với từng nội dung của chuyên đề/môn học để học viên nhận diện và đấu tranh phản bác. Thiết nghĩ, khi việc tích hợp, lồng ghép các quan điểm sai trái, thù địch phù hợp với từng nội dung lý luận của chuyên đề/môn học được thực hiện sẽ làm cho mỗi học viên nhận thức được các quan điểm sai trái, thù địch không ở đâu xa mà có thể tồn tại ngay trong nội dung của mỗi chuyên đề/môn học. Từ đó, họ sẽ thấy được nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch này là nhiệm vụ tự thân của họ và có thể thực hiện đấu tranh phản bác ngay trong quá trình học, thể hiện ở sự chuyển hoá kiến thức của bản thân thành nhu cầu và niềm tin, hành vi, thói quen trong nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

– Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nội dung sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ lớp học viên, nhằm nắm bắt thái độ của học viên trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để trấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát nội dung sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ lớp học viên để phát hiện và ghi nhận đối với những học viên có thái độ tích cực, sẵn sàng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ghi nhận những học viên có thành tích trong công tác này như có các bài viết được đăng trên các sách, báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo các cấp hoặc các báo cáo sinh hoạt chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các tổ/chi bộ có chất lượng cao… , để tuyên dương, khen thưởng bằng hình thức tặng giấy khen về danh hiệu “Đã có đóng góp cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I”. Việc khen thưởng này không chỉ có ý nghĩa khuyến khích động viên đối với những học viên có thành tích trong công tác này (dù số lượng học viên này không nhiều), mà còn là động lực khuyến khích các học viên khác tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của học viên về nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong thực tế, việc khen thưởng này đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện từ vài năm trở lại đây, nhưng chỉ thực hiện vào dịp tổng kết cuối mỗi khoá học, nên điều đó chỉ có tác dụng ghi nhận đối với những học viên có thành tích đóng góp cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng bộ Học viện sau khi khoá học đã kết thúc, mà không khuyến khích được các học viên khác tham gia công tác này ngay trong thời gian khoá học đang diễn ra. Do đó, để việc khen thưởng có ý nghĩa ngay trong thời gian khoá học đang diễn ra, qua đó nâng cao năng lực của học viên về việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian học, Học viện Chính trị khu vực I cần thực hiện việc khen thưởng này định kỳ 3 tháng/lần trên cơ sở thành tích của học viên được tổng hợp theo số liệu báo cáo và đề nghị của các chi bộ lớp học (có minh chứng kèm theo) và sự theo dõi của giáo viên chủ nhiệm lớp.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng các báo cáo sinh hoạt chuyên đề của các tổ/chi bộ, sau khi tổ chức chấm/đánh giá các báo cáo sinh hoạt chuyên đề như hiện nay, Học viện cần phản hồi kết quả về các chi bộ để làm căn cứ đề nghị khen thưởng đối với các báo cáo của tổ/chi bộ có chất lượng tốt và các chi bộ tổ chức thực hiện có chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong các báo cáo chuyên đề của các tổ/chi bộ để sửa chữa và phê bình các chi bộ tổ chức thực hiện chưa đảm bảo chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên đề.

– Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 10-KH/HVCTQG ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Xây dựng kế hoạch và đề xuất các vấn đề nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị và Thông báo số 687-TB/HVCTKVI ngày 07 tháng 10 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I về Xây dựng kế hoạch và đề xuất các vấn đề nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị đến tất cả các giảng viên và hoc viên. Căn cứ vào các văn bản này để lựa chọn và giao nhiệm vụ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm có nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Đặt ra chỉ tiêu, mỗi năm mỗi khoa chuyên môn phải có ít nhất 01 đề xuất vấn đề nghiên cứu khoa học có nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Từ đó, Học viện sẽ lựa chọn trong số các đề xuất của các khoa chuyên môn để ra quyết định giao thực hiện ít nhất 01 đề tài/đề án nghiên cứu khoa học/năm có nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần xem xét thực hiện tuyên dương, khen thưởng đối với cá nhân các giảng viên và các tập thể có nhiều thành tích đóng góp trong công tác này bằng hình thức tặng giấy khen về danh hiệu: “Đã có đóng góp cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I” vào những dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5…

Hai là: Đối với giảng viên

Với vai trò là chủ thể tổ chức hoạt động dạy – học trực tiếp trên lớp, mỗi giảng viên phải xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ chính trị của bản thân. Đặc biệt, là giảng viên trường Đảng thì nhiệm vụ này còn đặc biệt hơn khi được thực hiện ngay trên giảng đường với các nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận nói chung và về nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng. Nói cách khác, để có thể nâng cao năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho học viên thì trước hết mỗi giảng viên phải thực sự trở thành một “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận này để dẫn dắt, định hướng học viên tham gia.

Bên cạnh đó, với vai trò là một đảng viên trong chi bộ khoa chuyên môn và đảng viên trong đảng bộ Học viện. Mỗi giảng viên phải thực hiện tốt các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Học viện liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về tình hình kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội – an ninh quốc phòng của thế giới, khu vực, trong nước và địa phương. Đồng thời, không ngừng học tập, trau dồi các kỹ năng cần thiết để đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực chuyên môn đang giảng dạy tại Học viện.

Ba là: Đối với học viên

– Mỗi học viên cần xác định động cơ, thái độ đúng đắn trong việc học Cao cấp lý luận chính trị, qua đó xác định việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị của bản thân trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Muốn vậy, mỗi học viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu được giới thiệu trong “Tuần lễ học viên”, đặc biệt là bài “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn Ái Quốc” ngày 07/9/1957 để trả lời câu hỏi “Vì sao phải học lý luận?”. Theo đó, mục tiêu của việc học lý luận là để nâng cao trình độ lý luận nhằm giải quyết các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, mỗi học viên sẽ xác định việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị của bản thân trong giai đoạn cách mạng hiện nay và tích cực tham gia ngay trong mỗi chuyên đề/môn học đối với những nội dung do giảng viên nêu ra.

– Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong quá trình học Cao cấp lý luận chính trị, ngoài việc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do giảng viên đưa ra trong quá trình lên lớp, học viên cần chủ động gắn lý luận với thực tiễn để nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch nảy sinh ở địa phương/đơn vị/lĩnh vực công tác. Đồng thời, chủ động chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với các nội dung lý luận của mỗi chuyên đề/môn học.

Tham gia tích cực các buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ về chủ đề đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, cần tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động ngoại khoá về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch do Học viện tổ chức.

Kết luận

Dựa vào kết quả khảo sát thực trạng năng lực của học viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ, bài viết đã xác định được các vấn đề đặt ra và đề xuất được các giải pháp để nâng cao năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho học viên Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị khu vực I trong thời gian tới, góp phần đảm bảo mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, đồng thời góp phần bồi dưỡng học viên trở thành lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay./.

TS. Nguyễn Văn Thắng

Ths. Tô Thị Nhung

Ths. Tống Thị Hưởng

– Học viện Chính trị khu vực I

 

Tài liệu tham khảo

  1. ĐCSVN (2018): Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.
  2. Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương (2022): Kế hoạch số 69-KH/ĐUK ngày 06 tháng 4 năm 2022 về Kế hoạch phát động, tuyên truyền và tổ chức Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2022 trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
  3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018): Quyết định số 6587-QĐ/HVCTQG ngày 01 tháng 11 năm 2018 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực I.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021): Công văn số 522-CV/HVCTQG ngày 20 tháng 5 năm 2021 về Tổ chức triển khai cuộc thi viết chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
  5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022): Kế hoạch số 762-KH/HVCTQG ngày 25 tháng 2 năm 2022 về Tổ chức Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022.
  6. Học viện Chính trị khu vực I (2019): Thông báo số 687-TB/HVCTKVI ngày 07 tháng 10 năm 2019 về Xây dựng kế hoạch và đề xuất các vấn đề nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị.
  7. Học viện Chính trị khu vực I (2022): Kế hoạch số 855-KH/HVCTKV I ngày 08 tháng 3 năm 2022 về Triển khai Công văn số 1813-CV/HVCTQG về việc Tổ chức Cuộc thi viết Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang