Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

(ĐHVO). Đó là chủ đề của Hội thảo do Cục Việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác tổ chức tại Cao Bằng ngày 13/11/2020. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), lãnh đạo và chuyên viên các sở LĐTBXH, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.


Đại diện lãnh đạo các đơn vị chủ trì Hội thảo

Sau 28 năm hình thành và phát triển, đến nay Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 08/11/2020) với 06 nội dung sửa đổi lớn về mức vốn, lãi suất vay, thời hạn vay, điều kiện đảm bảo tiền vay, thủ tục cho vay và phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho Ngân hàng CSXH tăng cường các nguồn lực huy động, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho đối tượng vay, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, tính đến ngày 31/10/2020 tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là 29.881 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Quỹ Quốc gia về việc làm trên 4.564 tỷ đồng, nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động đạt 11.584 tỷ đồng và nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là 13.733 tỷ đồng. Hàng năm thông qua các nguồn tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Khu vực trung du, miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu) có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế – xã hội nhưng cũng là khu vực còn gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa, kinh tế chưa phát triển, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, xét riêng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 39.886 lao động (chiếm 19,7% toàn quốc, trong đó lao động nữ là 7.205 người, người khuyết tật là 4.643 người và người dân tộc thiểu số là 3.475 người).


Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn, chủ yếu ở 3 khía cạnh: Hiệu quả tạo việc làm, nhất là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn (hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp); đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động …

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận vào 03 nhóm vấn đề: Đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tại địa phương, những mặt được, mặt hạn chế, khó khăn, nguyên nhân; đề xuất các giải pháp, nhất là giải pháp về tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH và nguồn huy động của NHCSXH; đề xuất, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm trong thời gian tới.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Quyên, Cục phó Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết: Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo tại từng khu vực trong cả nước nhằm đánh giá tổng thể hoạt động

của chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thời gian qua và đề xuất sửa đổi trong giai đoạn tới.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang