Ksor Hương dự định lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề sửa xe nuôi mẹ. |
Sống trong bóng tối
Khi lên 10 tuổi, mắt của chị Ksor Pen (SN 1970, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mờ dần rồi chẳng còn thấy gì. Thương con, gia đình vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho chị Ksor Pen nhưng chẳng được. Kể từ ngày ấy, chị Ksor Pen sống trong bóng tối.
Lớn lên, chị Ksor Pen nảy sinh tình cảm và có con với một người đàn ông. Thế nhưng, chị chẳng trọn vẹn với hạnh phúc gia đình. Kể từ ngày đó, chị Ksor Pen cùng con nương tựa nhau sống qua ngày.
Mắt không nhìn thấy, chẳng thể lao động nên mẹ con Ksor Pen sống trong cảnh rau cháo qua ngày. Thương hai mẹ con sống dưới căn nhà tạm bằng bạt, mưa tạt tứ phía nên họ hàng và làng xóm góp tấm tôn, ít gạch cũ để sửa chữa lại. Chính quyền địa phương và láng giềng cũng thường hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp hai mẹ con no bụng mỗi ngày.
Căn nhà nhỏ mà hai mẹ con Ksor Hương được hỗ trợ để lấy chỗ che mưa, che nắng. |
Mắt không thấy nên mỗi khi cậu con trai Ksor Hương (lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) đi học, chị Ksor Pen mày mò nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Đôi bàn tay chai sần của chị Ksor Pen chi chít những vết sẹo do cắt trúng tay hoặc bị bỏng khi nấu ăn.
Mong con được đi học đến nơi, đến chốn như chúng bạn nên con bò duy nhất của gia đình chị Pen cũng đành bán. Hai mẹ con giờ đây chỉ sống nhờ vào đám rau, luống lá mì mà Ksor Hương tranh thủ trồng lúc ở nhà.
“Trước kia, những ngày mưa, nhà hầu như chẳng có chỗ nào không dột. Hai mẹ con chỉ biết ngồi ôm nhau, co ro trong góc mong trời sớm tạnh. May mắn mọi người thương tình, hỗ trợ cho căn nhà che mưa, che nắng. Mẹ con mình biết ơn lắm.
Thế nhưng, nhà tạm nên đến nay cũng hư hỏng nhiều. Mình chẳng mong sửa sang lại nhà, chỉ hy vọng bản thân không làm gánh nặng cho con. Mình mong con học tốt, có thể lên Đại học, đó là ước mơ và niềm hạnh phúc lớn lao của mình”, chị Ksor Pen tâm sự.
Ước mơ
Tranh thủ ngày nghỉ, Ksor Hương hái lá mì để muối chua cho mẹ làm thức ăn vào những ngày em đi học vắng nhà. Không yên tâm khi mẹ ở nhà một mình, mặc dù trường cách xa nhà nhưng đầu tuần Ksor Hương đến trường học, đến thứ 7 lại chạy về.
“Nhà chẳng có điều kiện nên em cố gắng tiết kiệm từng đồng để vừa học vừa chăm sóc mẹ. May mắn chính quyền địa phương, bà con và hàng xóm hỗ trợ nên em mới có điều kiện để tiếp tục đi học”, Ksor Hương bộc bạch.
Ksor Hương hái lá mì để muối chua cho mẹ làm thức ăn vào những ngày em đi học vắng nhà. |
Những ngày cuối tuần về với mẹ, Ksor Hương cố gắng kiếm việc làm để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Hương bảo rằng, mùa này em theo bà con trong làng đi nhặt điều thuê cho người dân. Số tiền kiếm được chẳng là bao nhưng cũng giúp cho bữa cơm của mẹ có thêm chút thức ăn.
“Mẹ bệnh, cuộc sống gia đình luôn trong cảnh túng thiếu. Do đó, nhiều lần em có ý định xin nghỉ học nhưng mẹ và mọi người luôn động viên cố gắng để sau này có công việc ổn định.
Đây là năm cuối cấp, chẳng biết em có thể tiếp tục học lên Đại học, Cao đẳng hay không. Nếu có thể đi học em muốn thi vào vào trường sư phạm để sau này trở thành giáo viên. Thế nhưng, em cũng sợ nếu học xa nhà thì chẳng ai chăm sóc được cho mẹ. Do đó, em dự định lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề sửa xe nuôi mẹ”, Ksor Hương tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Trường – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, Ksor Hương là một học sinh ngoan ngoãn, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập. Do đó, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, động viên em cố gắng. Đồng thời kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ em Hương có thêm chi phí sinh hoạt, học tập.
Còn ông Rơ Lan Thích – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chia cho hay, chị Ksor Pen bị khiếm thị từ nhỏ, gia đình lại là hộ nghèo nên hầu như không có lao động. Để động viên, tạo điều kiện cho con trai chị Ksor Pen đi học, chính quyền địa phương luôn cố gắng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Hoàn cảnh hai mẹ con rất khó khăn, căn nhà nơi che mưa, che nắng cũng đã xuống cấp. Do đó, chúng tôi rất mong những tấm lòng thiện nguyện quan tâm, hỗ trợ để hai mẹ con có chỗ ở đàng hoàng. Đồng thời để Ksor Hương có thể tiếp tục đến trường, thực hiện mơ ước”, ông Rơ Lan Thích nói.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại