(ĐHVO). Tập trung cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thu hút đầu tư, phấn đấu trong năm 2023 có thêm ít nhất 20 xã, thị trấn đủ điều kiện đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 9.500 tỷ đồng, là những nội dung quan trọng được nêu trong kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, diễn ra ngày 12/12 vừa qua.
Năm 2022, mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; HĐND, UBND tỉnh, cùng sự đồng lòng của quân và dân, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình phát triển kinh tế xã hội đã đạt được những kết quả kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu kinh tế tăng cao, như: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,3%; giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 3,05 tỷ USD tăng 14,4% so với năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp trong những tháng đầu năm; Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số Sở, ngành, địa phương có thời điểm chưa nghiêm còn một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật; Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) chưa được cải thiện nhiều; việc xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa đạt yêu cầu. Tình hình khiếu nại tố cáo một số nơi còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2022 đã đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2022, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung sau: Hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu thu nộp ngân sách nhà nước; Hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình HĐND tỉnh thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuẩn bị các điều kiện để khởi công tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường ven biển (dự kiến ngày 24/12/2022). Xây dựng kế hoạch đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp cuối năm, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Lễ hội đầu xuân…
Đối với nhiệm vụ trong tâm phát triển kinh tế xã hội năm 2023, các cấp Ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đối với công tác quy hoạch, cần tổ chức rà soát quy hoạch của địa phương đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cần tập trung triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tổ chức rà soát, lựa chọn các xã, thị trấn tiêu biểu , phấn đấu trong năm 2023 có thêm ít nhất 20 xã, thị trấn đủ điều kiện đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023; bổ sung bảng giá đất trên địa bàn tỉnh; hoàn thành thủ tục hồ sơ về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp nhất là các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề… Tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng Nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc.
Đối với công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, thuộc lĩnh vực sản xuất có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra số thu ngân sách lớn.
Đối với công tác xây dựng, phát triển thành phố Nam Định, sớm hoàn thành Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 03 phường và các dự án khu đô thị, khu dân cư tập trung. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư… Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Đặc biệt đối với công tác thu ngân sách, cần tăng cường các biện pháp quản lý để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 9.500 tỷ đồng. Nhất là các khoản thu tiền cấp quyền sử dụng đất, các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng biểu tiến độ chi tiết các khu đô thị, khu dân cư tập trung để có kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện chỉ tiêu thu tiền cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn. Giao đồng chí Hà Lan Anh – PCT UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Văn bản nhấn mạnh
Ngoài ra, trước thềm tết nguyên đán 2023 sắp đến, cần triển khai đồng bộ hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân đón Tết “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa.
Văn Hồng