Nam Định: Tin vui với Đền Đá Nam Hà

(DHVO) Ngày 9/1/2020 vừa qua, Đền Đá đón nhận tin vui khi nhà nước quyết định tài trợ kinh phí tu bổ Đền. Được biết, tổng số kinh phí được tài trợ theo kế hoạch là 300 triệu đồng dùng để trùng tu bái đường.

Đền Đá còn gọi là Đình Đá nằm trên địa bàn xóm 6 thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, cách thành phố Nam Định 12km về phía Đông Nam là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với ba anh em nhà họ Vũ, những vị tướng thời Hùng Vương đó là Vũ Uy, Chính Ngọ và Gia Sửu và 12 vị tổ “Thập nhị gia tiên tổ” của 12 dòng họ sớm về đây lập làng. Đền Đá là công trình kiến trúc có quy mô lớn, và bảo lưu gần như trọn vẹn kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. Đền được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992. Qua nhiều lần tu tạo, hiện nay Đền Đá còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ về phía bắc.

Toàn cảnh Đền Đá Nam Hà

Để vào bái đường, khách tham quan cần đi qua một lối đi nhỏ được đổ bê tông và lát đá hai bên. Dọc hai bên lối vào là hai hàng tùng thẳng tắp, tăng phần oai nghiêm, trang trọng cho di tích bởi cây tùng vốn là biểu hiện của người quân tử anh dũng, oai hùng. Tòa bái đường 5 gian được tôn tạo cách đây hơn 60 năm, kiến trúc hoàn toàn bằng đá, nhưng vẫn giữ được phong cách cổ truyền của dân tộc. Lan can bái đường chạm 3 con rồng to khỏe, râu, tóc, uy nghi, uyển chuyển theo tư thế chầu vào ba chữ Hán trong ba vòng tròn. Trong bái đường có tám cột đá là 8 bức phù điêu, chạm nổi những con rồng trong tư thế bay lên giữa những đám mây mềm mại. Mỗi gian của bái đường đều có bộ cửa võng bằng đá nguyên khối. Mỗi bộ cửa võng liền không những tạo nên sự liên kết giữa các cột mà còn là bức phù điêu chạm khắc rất công phu với các hình tượng mặt hổ phù oai nghiêm, hàng triện tàu lá giắt hòa nhập cùng với các đề tài: long thăng, long cuốn thúy. Phía trên của cửa võng cũng trang trí nhiều đề tài phong phú như cánh sen, bầu rượu, túi thơ, phượng hàm thư và các hoa lá rất sinh động.

Dọc lối vào bái đường là hai hàng tùng tăng thêm phần uy nghiêm cho di tích

Hoa văn chạm khắc hình rồng

Bên trong bái đường là hai tòa đệ nhị và đệ tam. Tòa đệ tam gồm 5 gian, được tu sửa năm 1877. Tòa đệ nhị cũng có 5 gian, được trùng tu vào đời vua Thành Thái năm thứ 4 (1892). Hiện nay tại tòa đệ nhị vẫn giữ được nhiều dáng vẻ kiến trúc cổ truyền, nổi bật là bộ cánh cửa gỗ lim được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở hai cánh cửa giữa và long chầu ở hai cánh hai bên. Con rồng ở đây được chạm nổi, thân hình mập mạp, khỏe mạnh, bờm và móng sắc đuôi mềm mại hòa nhập với những hoa lá và mây tản mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII). Đây là di vật rất có giá trị của di tích Ngoài ra, đền Đá còn giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, kiệu long đình, bát cống rất đẹp và có giá trị. Liền với chính tẩm còn có thiêu hương làm theo kiểu 3 tầng với bộ mái cong, đao guột. Các tầng được trang trí công phu với họa tiết đắp nổi theo các đề tài ngũ phúc, lưỡng long hý cầu. Phía ngoài sân Đền là sân cờ người. Theo lời kể của người trông coi khu di tích, phần bàn cờ được thiết kế trên sân đá, hai bên là hai lầu cao, nơi người điều khiển các quân cờ có thể ngồi và bao quát cả sân cờ, cũng như đưa ra các hiệu lệnh chỉ huy dịch chuyển vị trí các quân cờ.

Gác ngồi chơi cờ trên sân Đền Đá

Ngoài những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đền Đá Nam Hà còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong đó ngày mùng 6 tháng giêng có tục tế hạ điền, sân làng chuẩn bị một cây nêu bằng tre, cao 1m50, một cây khoai nước thật to. Ban tổ chức chọn một đám ruộng đã được cày bừa chu đáo. Khi tế thần nông ở đền xong, chủ tế được rước ra ruộng, khi rước có lọng,  trống, phách, có cả người gánh hai đóm mạ tượng trưng như đi cấy. Đến ruộng, chủ tế xuống ruộng cấy, nhân dân xúm lại xung quanh ruộng, hò reo té nước làm cho chủ tế bị ướt, bị lấm để cầu may mong cho mưa thuận gió hoà. Lễ hội đền Đá được tổ chức với qui mô lớn, 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Lễ hội diễn ra từ ngày 02/3 đến ngày 05/3 âm lịch với nhiều nghi thức tế, lễ, rước và nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của vùng văn minh lúa nước. Trong lễ hội, có tục lễ hội giao hiếu giữa ba làng Nam Hà, Võ Lao Hạ, Võ Lao Thượng.

Tồn tại qua hàng trăm năm, Đền Đá được mệnh danh là một trong những ngôi đình bằng đá đẹp bậc nhất Việt Nam. Hơn thế, đây cũng là ngôi đình bằng đá duy nhất còn tồn tại và giữ được gần như nguyên vẹn trong kiến trúc và thiết kế. Đây là một di tích lịch sử quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về kiến trúc, đồng thời cũng là một điểm thăm quan thú vị và độc đáo đối với du khách thập phương.

Minh Hằng

Bài viết liên quan

Picture3

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024)

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang