(ĐHVO). Ngày 3/11, thực hiện chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 toàn quốc do Bộ Y tế phát động, với mục tiêu, từng bước tăng diện bao phủ cho trên 95% trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 và đạt hiệu quả sử dụng tối đa nguồn vaccine dự kiến được phân bổ. Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định ban hành kế hoạch 127/KH-UBND ngày 1/11 về việc “Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Nam Định, năm 2021-2022”.
Hình ảnh minh họa
Để phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh Nam Định, tỉnh Nam Định đã hành động theo nguyên tắc: mở rộng đối tượng, tiêm từ cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Theo đó, Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau:
– Khẩn trương lập danh sách tiêm cho các trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn trình Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID19 các huyện, thành phố để tổng hợp, phê duyệt danh sách toàn bộ trẻ em trên địa bàn (thường trú và tạm trú), theo trường học và theo tổ, thôn, khu phố, xã, phường (đối với trẻ không đi học) để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
– Theo phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng vaccine cho lứa tuổi này được sử dụng 02 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc xin. Dự kiến sử dụng: Vắc xin phòng COVID-19 COMIRNATY của hãng Pfizer-BioNTech sản xuất và các vaccine xin khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có) để triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn.
– Tổ chức tiêm tại điểm tiêm chủng cố định, các điểm tiêm chủng lưu động, trường học/cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn tiêm chủng, an toàn phòng, chống dịch theo các quy định, hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
+ Đối với trẻ em đang đi học: ưu tiên lựa chọn các điểm tiêm là trường học hoặc các cơ sở giáo dục phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống COVID-19.
+ Đối với trẻ em không đi học: tiêm tại các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động do UBND các huyện, thành phố lựa chọn.
+ Đối với trẻ em có bệnh nền hoặc đang điều trị nội trú tại các cơ sở y tế: tiêm tại các cơ sở y tế: tiêm tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Chỉ tiêm cho các trẻ được cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm cho trẻ).
– Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch. Sử dụng, phát huy tối đa tính ưu việt của công nghệ thông tin trong công tác triển khai tiêm chủng.
– Tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia tiêm chủng về nội dung khám sàng lọc, an toàn tiêm chủng, xử trí sự cố, trường hợp tai biến sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.
– Thực hiện khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn của nhà sản xuất; hướng dẫn trẻ và cha mẹ, người giám hộ lợi ích của vắc xin và theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.
– Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng theo chỉ đạo của ngành Y. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
– Thời gian thực hiện, từ tháng 11/2021 theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch bệnh tại địa phương theo 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: tiêm trước cho trẻ em từ 16 đến 17 tuổi;
– Giai đoạn 2: tiêm hạ dần độ tuổi cho trẻ em từ 15 đến 12 tuổi.
– Kinh phí sử dụng cho việc tiêm chủng, dùng ngân sách Nhà nước, gồm Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Trần Hồng