(ĐHVO). Người nộp thuế trong đó có người khuyết tật đều có thể thực hiện thủ tục hành chính đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, dịch vụ thuế điện tử – tiện ích từ việc áp dụng công nghệ thông tin.
Đồng chí Lê Đức Thuận, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nam Định
Vừa qua, chiều 30/09, tại cuộc họp giao ban báo chí tháng do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp với Sở thông tin và truyền thông tổ chức, đồng chí Lê Đức Thuận, Phó Cục Trưởng Cục thuế tỉnh đã thông tin về “Kết quả thu NSNN 8 tháng đầu năm và những giải pháp hoàn thành kế hoạch thu NSNN các tháng cuối năm 2022”, hiệu quả từ việc áp dụng công nghệ thông tin.
Theo báo cáo, những tháng đầu năm, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của bà con nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, do dịch bệnh bùng phát nên nhiều công ty, xí nghiệp, đơn vị sản xuất, các đơn vị vận tải bị ngưng trệ. Các hộ gia đình kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch vụ du lịch, ăn uống, cùng các loại hình vui chơi giải trí bị ngừng trệ ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con nhân dân. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của các cấp ủy Đảng Chính quyền địa phương, đặc biệt là phương án chống dịch phù hợp với phát triển kinh tế theo tình hình mới, Đảng bộ Chính quyền Quân và nhân dân Nam Định đã đồng lòng từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công nghệ số từng bước được áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp trong việc nộp thuế, hoàn thuế. Thậm chí, người khuyết tật đặc biệt nặng không thể đi lại được vẫn có thể ở nhà thực hiện các thao tác tra cứu thông tin cá nhân của mình cũng như hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định bằng điện thoại thông minh, qua đó tạo điểm nhấn hiệu quả trong công tác thu nộp ngân sách.
Theo đó, kết quả đạt được thể hiện qua việc thực hiện thu nộp ngân sách 8 tháng đầu năm 2022, Ngành thuế Nam Định thực hiện thu vượt dự toán ngân sách đề ra với các chỉ tiêu như: Tổng thu nội địa 4.693 tỷ đồng đạt 89% dự toán Trung ương, 78% dự toán Tỉnh giao và tăng 21% so với cùng kỳ. Thu nội địa trừ thu tiền SDĐ 2.302 tỷ đồng đạt 73% dự toán Trung ương, 67% dự toán tỉnh giao và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, dự toán thu NSNN được Bộ Tài chính, HĐND-UBND tỉnh giao thu NSNN được giao năm 2022: Dự toán thu NSNN năm 2022 được Bộ Tài chính giao 5.279 tỷ đồng, trừ thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 3.149 tỷ đồng. HĐND; UBND tỉnh Nam Định giao 6.000 tỷ đồng; trừ thu tiền SDĐ 3.436 tỷ đồng.
Cùng với những thành tích đã đạt được là 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong kế hoạch thực hiện hoàn thành mục tiêu trong những tháng cuối năm như:
1. Công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước: Rà soát, xác định nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, khoản thu, sắc thuế còn thất thu để kịp thời xây dựng các giải pháp thu phù hợp, hiệu quả. Bám sát các chính sách hỗ trợ để xây dựng phương án quản lý thu ngân sách phù hợp trong bối cảnh, tình hình mới; Tăng cường công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và hoàn thuế GTGT. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm nộp, không nộp hồ sơ khai thuế. Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đến hết tháng 11/2022 hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Phấn đấu nợ có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2022 dưới 5% tổng thu NSNN.
2. Công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của NNT: Tiếp tục dõi, hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc về chính sách miễn, giảm thuế. Gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022 theo quy định.
3. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT: Tiếp tục chỉ đạo đổi mới hình thức, nội dung và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của NNT và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT trong quá trình thực hiện các TTHC, chính sách, pháp luật về thuế, về hóa đơn chứng từ…
4. Công tác cải cách, hiện đại hóa ngành thuế và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý thuế: Triển khai cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, dịch vụ thuế điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) dành cho NNT là cá nhân. Thực hiện “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” của Tổng cục Thuế trong giải quyết thủ tục hành chính thuế, chuyển đổi số theo kế hoạch, lộ trình của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế; Triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền và Chương trình “Hóa đơn may mắn” trên địa bàn tỉnh; Luôn duy trì và ổn định với gần 100% tổ chức, doanh nghiệp khai, nộp, hoàn thuế điện tử; 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn và trước hạn.
5. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu trong công tác quản lý thuế của đội ngũ công chức thuế. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, quản lý và điều hành của cơ quan thuế các cấp. Chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân thuộc Cục Thuế có hành vi vi phạm.
Trần Hiền