(ĐHVO). Chiều ngày 31/10, tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thượng tá Phạm Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Nam Định chia sẻ về việc tận dụng khoảng “thời gian vàng” (05 phút kể từ khi phát cháy) để dập tắt và khống chế đám cháy, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản đối với công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Ông Phạm Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nam Định
Theo báo cáo, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xảy ra 05 vụ cháy, tuy không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn, trong đó, phải kể đến sự, vụ cháy xảy ra tại khu vực lán để xe thuộc Công ty TNHH may YSS vào sáng ngày 10/10/2022 đã làm hư hỏng hoàn toàn hơn 500 xe máy các loại, với tổng thiệt hại gần chục tỉ đồng. Nhằm kiểm soát an toàn, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan đơn vị, xí nghiệp, đặc biệt là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí như các phòng hát Karaoke trên địa bàn, Công an tỉnh Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong công tác PCCC và CNCH như:
Tổ chức tập luyện nghiệp vụ, xây dựng, bổ sung 832 phương án chữa cháy, 595 phương án CNCH, phối hợp tổ chức thực tập 117 phương án chữa cháy, CNCH tại các cơ sở và 09 phương án chữa cháy, CNCH tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống cháy lớn, có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại Công ty TNHH Yongone Nam Định. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và sự phối kết hợp người dân và các lực lượng cơ sở, đồng thời, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Nam Định đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh ra mắt chuyên mục “Alo 114” phát định kỳ vào tối thứ 7 tuần đầu hàng tháng, phát trên Đài PTTH Nam Định; hướng dẫn cài đặt App Báo cháy 114 trên thuê bao di động của người dân (đã có 36.482 thuê bao cài đặt, được Bộ Công an ghi nhận đứng trong tốp đầu toàn quốc); tổ chức 120 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho 8.635 người. Ngoài ra, tổ chức xây dựng các mô hình Cụm CN an toàn PCCC: Thành lập tại Cụm CN An Xá, thành phố Nam Định, do Ban quản lý cụm CN đứng ra tổ chức để hỗ trợ nhau khi có sự vụ cháy xảy ra, phối hợp, đôn đốc nhau tổ chức thường xuyên bảo đảm an toàn PCCC.
Cùng với đó, tổ chức xây dựng các mô hình Khu dân cư an toàn PCCC: Xây dựng điểm tại Khu dân cư số 9, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định sau đó nhân rộng tại Làng Sắc, xã Mỹ Thắng huyện Mỹ Lộc và xã Trung Đông, huyện Trực Ninh năm 2022. Đồng thời, xây dựng mô hình, tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng: theo tiêu chí, Tổ liên gia được hình thành gồm từ 5 – 15 hộ gia đình, có quy chế hoạt động về PCCC, được trang bị các phương tiện (Bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, chuông nút ấn báo cháy); thành lập điểm chữa cháy công cộng đối với những khu vực ngõ hẻm sâu dài hơn 50m mà xe chữa cháy không thể tiếp cận. Qua quá trình triển khai thí điểm bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, đến nay, đã sơ kết và nhân rộng được 72 tổ liên gia an toàn PCCC; 56 điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu chữa cháy ban đầu, tận dụng tối đa được khoảng “thời gian vàng” trong chữa cháy (05 phút kể từ khi phát cháy), đây là khoảng thời gian đám cháy mới khởi phát, nền nhiệt chưa cao, lượng khói chưa nhiều, dễ dàng quan sát và dập tắt đám cháy nhất. Chính vì điều đó, cần tận dụng khoảng thời gian vàng này để khẩn chương ngăn chăn, dập tắt đám cháy góp phần giảm thiệt hại do cháy gây ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số đơn vị, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đúng, đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cụ thể là qua tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH các cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn tỉnh về PCCC đối với 12.463 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Kết quả, đã lập biên bản 53 trường hợp vi phạm hành chính, xử phạt 1.893.600.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động 28 cơ sở, đình chỉ hoạt động 01 cơ sở. Đặc biệt, trước đó, thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra đối với loại hình kinh doanh karaoke, qua kiểm tra 268 cơ sở kinh doanh dịch vụ dịch vụ Karaoke trên địa bàn về việc đáp ứng điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở, về công năng sử dụng công trình, về đường và lối thoát nạn… thì 100% các cơ sở không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ.
Cũng theo Thượng tá Hiệp, để phát huy hiểu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, Ngành, đặc biệt là tinh thần đề cao cảnh giác và sự phối kết hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của toàn dân, bởi công tác phòng cháy là điều quan trọng nhất, vì khi sự, vụ cháy xảy ra, việc chữa cháy dù kịp thời đến đâu cũng đều là thảm kịch.
Trần Hiền