Hát chầu văn, tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát 3-2 tỉnh Nam Định.
Khi sân khấu sáng đèn, lòng người cũng bừng sáng
Chèo, cải lương, kịch nói là những loại hình tưởng chừng chỉ còn là ký ức, nay lại hiện hữu sinh động trong từng đêm diễn tại Nam Định. Hàng trăm buổi biểu diễn được tổ chức trong quý II/2025 đã lan tỏa tinh thần yêu văn hóa dân tộc đến khắp các tầng lớp nhân dân. Không chỉ phục vụ các sự kiện chính trị – xã hội quan trọng, nghệ thuật truyền thống còn hiện diện trong đời sống thường nhật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày một phong phú của công chúng.
Dưới sự định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và chỉ đạo chuyên môn từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức biểu diễn sát với thực tiễn, đồng thời triển khai nghiêm túc Nghị định 144/2020/NĐ-CP, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và pháp lý trong hoạt động sân khấu.
Không dừng lại ở tổ chức biểu diễn, công tác quản lý, điều phối cũng được chú trọng. Việc ban hành Tờ trình số 1050/TTr-SVHTTDL về thành lập Hội đồng nghệ thuật và Tổ thư ký, cùng văn bản 1196/SVHTTDL-QLVH về cập nhật cơ sở dữ liệu các đơn vị biểu diễn là những động thái thiết thực, thể hiện quyết tâm xây dựng một hệ thống vận hành minh bạch, hiệu quả và lâu dài.
Giữ vai trò trung tâm là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Đơn vị đã kết tinh tinh thần sáng tạo và sức mạnh nghệ thuật của ba loại hình sân khấu: chèo, cải lương, kịch nói. Trong quý II/2025, Nhà hát đã để lại dấu ấn đậm nét qua các chương trình lớn gắn với những sự kiện trọng đại như: Ngày thành lập Đảng, Lễ 30/4, Quốc tế Lao động, sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh… Không chỉ vậy, Nhà hát còn góp mặt tại các lễ hội, liên hoan mang đậm bản sắc địa phương và quốc gia.
Điểm sáng nổi bật là việc dàn dựng ba vở diễn dài, đại diện cho ba loại hình sân khấu truyền thống, cùng các tiết mục chuẩn bị cho Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2025. Mỗi vở diễn không chỉ công phu về kịch bản và đạo diễn, mà còn đầu tư kỹ lưỡng từ âm nhạc, mỹ thuật đến hiệu ứng sân khấu đã mang lại trải nghiệm nghệ thuật trọn vẹn, chạm đến cảm xúc của người xem.
Tiết mục biểu diễn hầu đồng tại Phủ Dày xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.
Sứ mệnh lan tỏa “hồn dân tộc” giữa thời đại mới
Dẫu nỗ lực không ngừng, nghệ thuật biểu diễn Nam Định vẫn đối mặt nhiều khó khăn: thiếu kinh phí, cơ sở vật chất hạn chế, khó khăn trong đào tạo chuyên sâu và tiếp cận kịch bản chất lượng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập hành chính, bài toán tổ chức bộ máy và định hướng phát triển lại càng đặt ra nhiều thách thức mới.
Sở VH-TT&DL đã chủ động kiến nghị các cấp tiếp tục đầu tư cho nghệ thuật biểu diễn, không chỉ về tài chính mà cả về nhân sự, trang thiết bị và chính sách dài hạn. Đồng thời, đề xuất Bộ VH-TT&DL sớm có hướng dẫn sử dụng kinh phí cho Hội đồng nghệ thuật cấp tỉnh và mở rộng các lớp đào tạo chuyên môn phù hợp với thực tế sau sáp nhập.
Trong tương lai gần, khi Nam Định bước vào giai đoạn hợp nhất hành chính cùng các tỉnh lân cận, nghệ thuật truyền thống càng phải chứng minh vai trò là “sợi dây văn hóa” gắn kết con người và cộng đồng. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục là đơn vị nòng cốt, mang hình ảnh Thành Nam đến với bạn bè khắp mọi miền qua các hội diễn, liên hoan cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ “Mỗi đêm diễn là một nhịp cầu nối hiện tại với quá khứ, nối người dân với tâm hồn dân tộc. Và chính trong sự âm thầm, bền bỉ ấy, Nam Định đang góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ gìn giữ “hồn cốt” của riêng mình, mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt trong thời đại hội nhập”.
Song Hồng