(ĐHVO). Thái Thượng hoàng Trần Thừa, vị Thượng hoàng nhân đức, anh minh, người đã đặt nền móng xây dựng nên 14 đời vương triều Trần, vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Việt Nam với 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Sáng ngày 8/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), tại di tích lịch sử – văn hoá Đền Vạn Khoảnh, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) cùng Ban liên lạc dòng họ Trần tỉnh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 789 năm ngày mất của Thái tổ Thái Thượng hoàng Trần Thừa (1234-2023). Đông đảo bà con nhân dân địa phương, con cháu họ Trần khắp mọi miền đất nước và du khách thập phương đã về dự lễ.
Chính sử chép rằng, Thái Thượng hoàng Trần Thừa sinh năm Giáp Thìn, năm 1184, là con trưởng của Trần Lý. Trần Thừa lấy vợ họ Lê, sinh ra 7 người con 5 trai 2 gái, Trần Liễu là con trai cả (thân sinh Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn); Trần Cảnh là thứ 2 tức vua Trần Thái Tông- vị vua đầu tiên của 14 vị vua vương triều Trần. Năm 1209, Trần Thừa theo cha và cậu đem quân về kinh dẹp giặc, sau lại cùng em trai là Trần Tự Khánh lập công đánh tan dư đảng giặc ngoài cõi, ông cùng em trai được Vua Lý Huệ Tông phong làm quan với lần lượt các chức đến chức Nội thị phán thủ. Năm 1224, khi người em trai là Trần Tự Khánh tử trận, ông đã thay em làm chức Phụ Quốc Thái úy. Năm 1225, khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho con trai thứ của ông là Trần Cảnh tức (vua Trần Thái Tông) khi đó mới lên 8 tuổi, Ông được tôn là Thượng hoàng trông coi việc nước, cùng với Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chính thảo sự lo việc dẹp loạn, an dân.
Sử sách cũng chép rằng, dưới thời Vua Lý Huệ Tông, khi ông được phong làm Phụ quốc Thái úy, ông đã tiến cử Trần Thủ Độ làm phụ tá và được Lý Huệ Tông chấp nhận phong ngay Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Trong 9 năm ông ở ngôi Thượng hoàng (1226-1234), Trần Thừa làm được nhiều việc để củng cố vương triều, xây dựng đất nước như: ông đã trọng dụng những người hiền tài không phân biệt đối xử với các trọng thần triều trước như quan Phụng ngự Phùng Tá Chu, Thái úy Phạm Kính Ân, các ông không những được trở lại chức tước cũ mà còn được trọng dụng, được phong tới tước đại vương hoặc mang áo mũ đại vương. Với Quý Thịnh hầu cháu vua Lý Cao Tông sau cũng được phong tước vương, được ban quốc tính. Với mục tiêu thống nhất ý chí, ông tuyên bố các điều khoản về lễ minh thệ “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Cùng với đó, Ông tiến hành chỉnh đốn triều chính, định luật lệ, thuế khóa, chế độ quan chức, lương bổng v.v. Để ổn định nội bộ triều đình, Ông cho biên soạn “Quốc triều thông chế ”, sửa đổi hình luật, lễ nghi gồm 20 quyển… Việc dùng phép in ngón tay (điểm chỉ) vào các văn từ đơn khế do ông quy định đã đi trước các nước khác nhiều thế kỷ.
Bên cạnh việc chỉnh đốn chiều chính, Ồng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, trọng dụng nhân tài, trong thời gian ở ngôi Thượng hoàng, ông cho tổ chức thi Tam Giáo vào năm 1227, thi Thái học sinh năm 1232 nhằm tuyển chọn nhân tài nổi tiếng trong đời. Nhưng việc thành công nhất là ông đã bồi dưỡng một ông vua khi mới 8 tuổi thành một ông vua “Khoan nhân đại độ, có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, gương sáng xây dựng và bảo vệ đất nước” đặt nền móng vững chắc xây dựng nên 14 đời vương triều Trần thịnh trị.
Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1234), hưởng thọ 51 tuổi, làm Thượng hoàng cầm quyền 9 năm. Miếu hiệu là Huy tông, an táng ở Thọ lăng, thuộc hương Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nơi cùng có lăng của ba hoàng đế đầu triều Trần là Trần Thái Tông (Chiêu lăng), Trần Thánh Tông (Du lăng), Trần Nhân Tông (Đức lăng). 12 năm sau khi ông mất (1246), ông được truy tôn là Thái Tổ, miếu hiệu của Huy tông đổi là miếu Thái Tổ, Thọ lăng đổi là Huy lăng.
Để tưởng nhớ công đức ấy, hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng giêng, ngày mất của Ông, dân làng lại tổ chức lễ tưởng niệm Thái tổ Thái Thượng hoàng Trần Thừa người đã có công xây dựng 14 đời vương Triều Trần với 175 năm trị vì (1225-1400) vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến, với những chiến công hiển hách, ba lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
PV