Nam Định không còn “khoảng trống” về hạ tầng và dữ liệu

(ĐHVO) – Nam Định chọn một hướng đi thực chất trong chuyển đổi số: bắt đầu từ những việc căn cơ nhất là hạ tầng số và dữ liệu. Nhờ cách làm này, Nam Định không chỉ tạo ra một hệ thống vận hành số bài bản mà còn đặt nền tảng vững chắc cho sự thay đổi lâu dài trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Nam Định mới.

Chính quyền số bắt đầu từ việc bỏ lệ thuộc vào hồ sơ giấy

Không thể có chính quyền số nếu hạ tầng yếu, dữ liệu rời rạc và hệ thống không được kết nối. Đây là nhận thức rất rõ ràng mà lãnh đạo tỉnh Nam Định xác định ngay từ đầu khi bắt tay triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tỉnh đã sớm hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử (phiên bản 2.0) và Kiến trúc chính quyền số (phiên bản 3.0) – những “bản vẽ tổng thể” làm cơ sở tham chiếu để các hệ thống được triển khai đồng bộ. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, hiện đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ, đang vận hành hơn 20 hệ thống thông tin và nền tảng số quan trọng – từ điều hành văn bản, thư điện tử công vụ đến cổng dịch vụ công và nền tảng hội nghị truyền hình trực tuyến.

Nhờ đó, Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thiện kết nối trục liên thông văn bản đến toàn bộ cơ quan nhà nước trong tỉnh, cũng như liên thông với các bộ ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành trên cả nước.

Không dừng ở hạ tầng, tỉnh còn đi sâu vào dữ liệu và coi đây là yếu tố được ví như “nhiên liệu” cho cỗ máy chính quyền số. Danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, hồ sơ hành chính được xây dựng bài bản. Đến giữa năm 2025, Nam Định đã hoàn tất số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch và đất đai ở cả 9/9 huyện, đồng thời cập nhật hơn 1,6 triệu bản ghi vào các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nam Định cho biết: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những gì ít nhìn thấy nhất nhưng quyết định kết quả lâu dài. Không thể làm chính quyền số mà còn loay hoay tìm hồ sơ bản giấy hay lệ thuộc vào cá nhân lưu trữ”.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ.

Dân thấy tiện lợi, đó là hiệu quả

Với một nền móng kỹ thuật vững, chuyển đổi số ở Nam Định đã nhanh chóng tạo ra những kết quả có thể đo đếm và quan trọng hơn, người dân có thể cảm nhận được rõ ràng trong đời sống hàng ngày.

Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến toàn tỉnh hiện đạt trên 96%, trong đó 90% hồ sơ có phát sinh thanh toán được thực hiện online. Người dân không cần phải đến cơ quan hành chính, không xếp hàng chờ đợi, không nộp tiền mặt- chỉ cần điện thoại có mạng là đủ.

Tỉnh cũng đã kích hoạt thành công hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao. Đây là con số ấn tượng, đưa Nam Định vào nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về triển khai Đề án 06.  Không chỉ vậy, hệ thống một cửa điện tử đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn. Tất cả quy trình giải quyết đều được công khai minh bạch, người dân có thể theo dõi trạng thái xử lý từng bước. Kết quả thủ tục hành chính được số hóa hoặc trả về bằng văn bản điện tử, không còn cảnh “giấy tờ lòng vòng”.

Bên cạnh đó, công chức, viên chức tỉnh Nam Định đã làm quen với làm việc trên hệ thống: từ họp trực tuyến, xử lý văn bản điện tử đến tra cứu thông tin qua Cổng thông tin điện tử tỉnh với hơn 40 triệu lượt truy cập. Hơn 500 tin, bài, văn bản được cập nhật mỗi tháng, phục vụ tốt công tác điều hành, chỉ đạo.

Với người dân và doanh nghiệp, những thay đổi này không còn là điều mơ hồ. “Trước tôi phải nghỉ làm một buổi để đi làm giấy tờ, giờ chỉ cần vài thao tác là nhận được kết quả online. Không mất thời gian, không phải đi lại, không cần nhờ ai cả”,  bà Trần Thị Thu Hiền ở TP Nam Định chia sẻ.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyện phần mềm, dữ liệu hay máy chủ. Nhận thức được điều đó, Nam Định đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền và đào tạo để chuyển đổi số thực sự lan tỏa đến từng cán bộ, người dân.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức hơn 30 hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyển đổi số cho gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức và hơn 10.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó có nhiều lớp tập trung vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), nền tảng số di động…

Không phải ngẫu nhiên mà Nam Định liên tục đứng đầu trong các bảng xếp hạng về chính quyền điện tử, chính quyền số, và có chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công luôn nằm trong top 10 cả nước. Những kết quả đó là hệ quả tất yếu từ cách làm bài bản, thực chất và xuất phát từ cái gốc.

Song Hồng

Bài viết liên quan

ngày sách

Văn hóa khởi sắc, thể thao thăng hoa, du lịch bứt tốc ở Nam Định

hát chau

Nam Định – nơi nghệ thuật truyền thống khơi nguồn sức sống

102

Lời cảm ơn của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng

z6726482536460_17490cb054daffb43265c12015516256

THƯ CHÚC MỪNG CỦA CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP HỘI VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM

71

Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt – Mười hai năm phấn đấu vì Người khuyết tật

hh2

Thư chúc mừng của Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang