Những tuyến giao thông huyết mạch đang từng bước hoàn thiện, đồng bộ, kết nối liên tỉnh, liên vùng góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày một đi lên, cho thấy tầm nhìn chiến lược trên con đường phát triển của tỉnh Nam Định bằng việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông.
Theo chân đoàn Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định khảo sát hai dự án trọng điểm của Tỉnh là tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển (ĐT.484) và Dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định đến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn II). Điều làm chúng tôi ấn tượng là những công nhân trùm những tấm áo mưa trắng xóa, miệt mài thi công trên các trụ cầu cao vút để đảm bảo tiến độ các mũi thi công trên toàn tuyến vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Thành, kỹ sư xây dựng Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển chia sẻ, biết đây là các dự án trọng điểm nên người dân địa phương nơi có dự án đi qua giúp đỡ tạo điều kiện. Điều này đã tạo động lực cho chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thi công không kể nắng mưa để kịp tiến độ. Đến nay, Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 24,7km mà chúng tôi thực hiện đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang tiếp tục triển khai thi công khối lượng cầu, đường theo đúng tiến độ đã đề ra.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, quy mô đường cấp I đồng bằng; vận tốc thiết kế 100km/h; bề rộng nền đường 39m, mặt đường 8 làn xe; giải phóng mặt bằng trên phạm vi toàn tuyến với mặt cắt ngang khoảng 100m. Toàn tuyến có 11 cầu với 2 cầu lớn, 2 cầu chung và 7 cầu nhỏ. Trong đó, có cầu vượt sông Châu Thành, được xem là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, nằm trong định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định. Chính vì điều đó, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc nhà thầu tập trung lực lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành Dự án theo yêu cầu theo kế hoạch đề ra.
Cùng với Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển, Dự án Xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đoạn từ Cao Bồ đến cầu Thịnh Long, khoảng 36,4km và đoạn từ đường dẫn lên cầu Thịnh Long đến KCN dệt may Rạng Đông (Km36+400- Km46) dài khoảng 9,6km cũng đã triển khai, hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng giai đoạn I (2017 – 2021), với chiều dài toàn tuyến khoảng 32km. Hiện Dự án đang triển khai giai đoạn II, giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Phạm Hồng Thái – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết: Với mục tiêu tạo liên kết vùng, phát huy hiệu quả kết nối các dự án, Nam Định đã và đang huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và quốc gia như: Giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Tỉnh; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL21B); cầu qua sông Đào.
Cũng theo ông Phạm Hồng Thái, khi các dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ rút ngắn được khoảng cách từ các huyện phía nam của Tỉnh đi trung tâm thành phố Nam Định và các tỉnh lân cận, mở ra không gian phát triển về đô thị ven biển như: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông và các khu cụm công nghiệp, đặc biệt là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định. Đồng thời kết nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia cao tốc Bắc – Nam, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển và đặc biệt hơn sẽ làm giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo hiệu quả tích cực trong giao thương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, góp phần đưa Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giao thông Nam Định vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ như một số điểm vượt sông vẫn phải sử dụng phà, cầu phao như: Bến phà Đại Nội trên QL 21B, bến phà Sa Cao trên đường tỉnh 489, cầu phao Ninh Cường trên QL 37B, bến phà Ninh Mỹ trên tỉnh lộ 488C, bến Kinh Lũng trên tỉnh lộ 485B và nhiều bến khách ngang sông trên đường tỉnh, đường huyện khác. Cùng với đó, hệ thống cầu trên một số tuyến quốc lộ và đường địa phương hiện nay đều có khổ hẹp, tải trọng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, ảnh hưởng đến việc kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh lân cận. Nhiều tuyến đường nhất là ở các vùng nông thôn, có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, tuyến đường Phủ Lý – Nam Định là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng, dọc hai bên tuyến đã phát triển khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp có lưu lượng giao thông lớn, với khoảng 18.464 xe/ngày đêm, thường xuyên ùn tắc vào các ngày cuối tuần, các ngày lễ, Tết.
Ông Phạm Hồng Thái cho biết, suất đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải tăng cao, nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản rất lớn, nhất là các chương trình, dự án lớn trong khi tỉnh Nam Định lại chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định. Vì thế Tỉnh mong muốn tiếp sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, phê duyệt xây dựng thêm cầu tại các nút giao thông điểm nghẽn kể trên, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thông thoáng kết nối với các tuyến đường huyết mạch và đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Phủ Lý – Nam Định theo tiêu chuẩn đường cao tốc đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, công nghiệp, kinh tế – xã hội khu vực.
“Hiện nay, Sở GTVT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch chung tỉnh Nam Định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định rõ thứ tự ưu tiên để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh”. Ông Phạm Hồng Thái – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định |
Trần Hồng