(ĐHVO). Là một trong năm (5) giáo viên xuất sắc của Việt Nam được Đại sứ quán Hoa Kỳ mời thăm và tham dự chương trình “Trao đổi Giáo viên xuất sắc Fulbright tại Hoa Kỳ, năm học 2023-2024”.
Sáng nay, văn phòng UBND tỉnh phát đi thông báo quyết định số 2509/ QĐ-UBND, ngày 14/9, quyết định UBND, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trần Anh Dũng ký, cho phép giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo tham dự Chương trình: “Trao đổi Giáo viên xuất sắc Fulbright tại Hoa Kỳ”, theo thư mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ, văn phòng tiếng Anh, khu vực Hà Nội – Việt Nam.
Theo đó, đồng ý cho bà Phạm Thanh Xuân Mừng – Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo tham dự Chương trình trao đổi Giáo viên xuất sắc Fulbright năm học 2023-2024, theo thư mời của Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nơi diễn ra sự kiện là Trường Đại học Công lập University of Massachusetts, Thành phố Lowell, Bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Trước đó, ngày 01/12/2023, Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, văn phòng Tiếng Anh khu vực Hà Nội có phát thư mời cô giáo Phạm Thanh Xuân Mừng – Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, là một trong 5 giáo viên xuất sắc của Việt Nam tới thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để tham dự chương trình: Trao đổi Giáo viên xuất sắc Fulbright, năm học 2023-2024 (Fulbright Teaching Excellence and Achievement Progam) từ ngày 24/01/2024 đến ngày 14/03/2024.
Chương trình “Trao đổi giáo viên xuất sắc Fulbright” là một chương trình học bổng trao đổi văn hóa và giáo dục do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ và do tổ chức Trao đổi và nghiên cứu Quốc tế IREX (International Research & Exchanges Board) có trụ sở tại Hoa Kỳ triển khai thực hiện. Đây là chương trình trao đổi thường niên dành cho giáo viên phổ thông trung học xuất sắc nhất trên toàn thế giới ở các môn học khác nhau. Chương trình cũng được đưa vào bản ghi nhớ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam, được ký kết tháng 11/2023. Việc lựa chọn ứng viên để mời tham dự chương trình học bổng này được thực hiện thông qua quá trình nộp đơn tự nguyện và quá trình xét tuyển bình đẳng, minh bạch dựa trên năng lực sư phạm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam của người nộp đơn.
Điều kiện tham dự chương trình: Người đăng ký phải là công dân Việt Nam; Là giáo viên toàn thời gian cấp trung học hiện đang làm việc tại một trường công lập tại Việt Nam (bao gồm cả giáo viên trung học và giáo viên cao đẳng phục vụ học sinh từ khoảng 12 đến 18 tuổi); Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy tại lớp học trong các lĩnh vực giảng dạy của Chương trình Fulbright TEA: Tiếng Anh, Tiếng Anh như Ngoại ngữ, Xã hội, Toán học, Khoa học, hoặc Giáo dục Đặc biệt; Đã đạt bằng cử nhân hoặc tương đương; Chứng minh cam kết tiếp tục giảng dạy sau khi hoàn thành chương trình; Có khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức trình độ B1 trở lên theo Khung Tham chiếu Châu Âu chung (CEFR), hoặc đã đạt ít nhất 45 điểm trên bài kiểm tra TOEFL iBT hoặc ít nhất 5.5 điểm trên kỳ thi IELTS. Việc có Chứng chỉ về khả năng sử dụng tiếng Anh là khuyến khích nhưng không bắt buộc để đưa vào đơn đăng ký. Những ứng viên được chọn vào danh sách ngắn sẽ được cung cấp bài kiểm tra TOEFL – IBT miễn phí.
Chương trình “Trao đổi giáo viên xuất sắc Fulbright” nhằm mục đích tập huấn cho giáo viên về phương pháp giảng dạy bậc Trung học tại Trường Đại học Công lập University of Massachusetts, thành phố Lowell, Bang Massachusetts Hoa Kỳ và giúp giáo viên có cơ hội thực tập tại một trường trung học của Bang Massachusetts trong hai đến ba tuần.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình giúp cho các em học sinh của Hoa Kỳ hiểu biết thêm về Việt Nam và thế giới, đồng thời mở ra cơ hội xây dựng mối liên kết giữa các trường trung học của Hoa Kỳ với các trường trung học của Việt Nam. Đây chính là cơ hội để giáo viên Việt Nam được trực tiếp quan sát và tìm hiểu về hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ và hiểu biết hơn về các hoạt động văn hóa và phục vụ cộng đồng tại thủ đô Washington. D.C, trong thời gian diễn ra sự kiện.
Theo thư mời, cô giáo Phạm Thanh Xuân Mừng sẽ được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ toàn bộ chi phí trong suốt quá trình diễn ra sự kiện bao gồm: chi phí đi lại, vé máy bay, Visa trao đổi J-1 Hoa Kỳ, các loại bảo hiểm cùng phụ cấp sinh hoạt hàng ngày, tiền ăn ở và các chi phí phục vụ cho việc học tập nghiên cứu.
Được biết, chi phí sinh sống tại Mỹ khá đắt đỏ, cụ thể, mức chi phí phục vụ cho ăn học tại Thành phố Washington. D.C, trung bình khoảng hơn 2,3 tỉ đồng mỗi năm, tương đương hơn 100 nghìn USD/năm.
Chương trình Fulbright / Học bổng Fulbright, bao gồm Chương trình Fulbright-Hays, là một trong vài Chương trình trao đổi văn hóa Hoa Kỳ với mục tiêu là cải thiện quan hệ liên văn hóa, ngoại giao văn hóa và năng lực liên văn hóa giữa người dân Hoa Kỳ và các quốc gia khác thông qua trao đổi con người, kiến thức và kỹ năng. Đây là một trong những chương trình học bổng có uy tín và cạnh tranh nhất trên thế giới. Thông qua chương trình, các công dân Mỹ được lựa chọn cạnh tranh bao gồm sinh viên, học giả, giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học và nghệ sĩ có thể nhận được học bổng hoặc trợ cấp để nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, giảng dạy hoặc thực hiện tài năng của họ ở nước ngoài; và công dân của các quốc gia khác có thể đủ điều kiện để làm điều tương tự ở Hoa Kỳ. Chương trình được thành lập bởi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ J. William Fulbright vào năm 1946 và được coi là một trong những học bổng được công nhận và uy tín nhất trên thế giới. Chương trình cung cấp 8.000 khoản trợ cấp hàng năm. Chương trình Fulbright được quản lý bởi các tổ chức hợp tác như Viện Giáo dục Quốc tế và hoạt động tại hơn 160 quốc gia trên thế giới. Văn phòng các vấn đề văn hóa và giáo dục của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ cho Chương trình Fulbright và nhận tài trợ từ Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các hóa đơn appropriation hàng năm. Hỗ trợ trực tiếp và hiện vật bổ sung đến từ các chính phủ đối tác, tổ chức, tập đoàn và tổ chức chủ nhà cả ở trong và ngoài Hoa Kỳ, Tại 49 quốc gia, Ủy ban Fulbright hai quốc gia điều hành và giám sát Chương trình Fulbright. Ở các quốc gia không có Ủy ban Fulbright nhưng có chương trình hoạt động, Bộ phận Công vụ của Đại sứ quán Hoa Kỳ giám sát Chương trình Fulbright. Hơn 370.000 người đã tham gia chương trình kể từ khi chương trình được bắt đầu; 59 cựu sinh viên Fulbright đã giành giải thưởng Nobel; 82 cựu sinh viên đã giành được giải thưởng Pulitzer. |
Trần Hồng