(ĐHVO). Chiều ngày 28/02/2020 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hơp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giao ban báo chí thường kỳ, có sự tham gia của đại diện Sở Y tế tỉnh Nam Định, sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo đài trung ương, địa phương. Tại hội nghị, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm, thảo luận.
Được biết, dịch bênh tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định từ ngày 08/03/2019 tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh sau đó lan nhanh trên phạm vi rộng, kéo dài đến ngày 05/01/2020. Dịch đã xảy ra tại 37.707 hộ chăn nuôi trên 214/229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện Thành phố với tổng số lợn chết, tiêu hủy 265.976 con. Tổng thiệt hại tính đến ngày 05/01/2020 là 557.693 triệu đồng và tổng ngân sách cấp hỗ trợ là 421.115 triệu đồng. Tính đến ngày 21/02/2020, tất cả 214 xã phường đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc phòng chống dịch bệnh và định hướng phát triển chăn nuôi trong thời gian tới sẽ là vấn đề cần lưu ý khi việc tái đàn do dịch bệnh làm cho giá lợn giống tăng cao từ (1,8 -2.3 triệu đồng/ con, đồng thời số cơ sở chăn nuôi có đủ tiêu chí cơ bản về ATSH không nhiều nên tỉ lệ tái đàn gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2020 sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức do biến đổi khó lường của khí hậu; sản xuất chăn nuôi còn nhỏ lẻ chưa tập chung; việc chăn nuôi vịt thịt thả đồng không có truồng trại; người chăn nuôi chưa ý thức được việc tiêu độc khử trùng tự giác vệ sinh chuồng trại và tiêm vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm nên việc nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Mặt khác thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trước đại dịch covid-19 đang hoành hành trên nhiều quốc gia.
Để đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế trong thời gian tới, tỉnh Nam Định quán triệt các cơ quan ban ngành địa phương liên quan hoàn thành tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế mà tỉnh đã đề ra.
Trần Hồng