Nam Định: Chị Phạm Thị Bích, người phụ nữ hết mình vì người yếu thế

(ĐHVO). Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình, chị còn hỗ trợ và trao tặng con giống lợn nái cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Hai mẹ con chị Bích

Về xóm 5 thôn Cát Hạ, tôi dừng chân trước ngôi nhà ngói 3 gian có chiếc hiên tây cổ kính. Từng đường nét hoa văn được khắc họa sắc nét, mặc dù đã xuống cấp theo thời gian, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những họa tiết đắp nổi thể hiện sự cầu kỳ của gia chủ và sự khéo léo của người thợ tài hoa được xây dựng từ đầu thập niên 70. Tại căn nhà đó, chị Phạm Thị Bích, sinh năm 1977- Chủ tịch Hội Nkt huyện Trực Ninh đón tôi trong cái nắng trưa hè tháng 7.

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, 3 người có thể trạng “đặc biệt” với thân thể không được khỏe mạnh như bao người. Cậu ba, cô tư và chị có chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng hơn nửa mét, di chứng từ chất độc màu da cam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố đau ốm và mất từ rất sớm, chính vì điều đó mẹ con chị càng thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Chẳng mấy bận tâm đến cái nóng gay gắt gần 40 độ của buổi trưa hè, chị hồ hởi chia sẻ với tôi về những công việc nhà nông thường nhật đã mang lại nhiều nguồn thu nhập ổn định. Chị say sưa kể, dường như câu chuyện của chị bất tận không có điểm dừng. Chị kể về giống lợn nái khoang trắng đen mạnh mẽ, đã vượt qua nhiều thời kỳ dịch bệnh. Có thời điểm, cả nước chao đảo vì dịch lợn tai xanh, ngành chăn nuôi trên cả nước điêu đứng vì dịch bệnh. Lợn chết hàng loạt, nhiều con mới chớm bị lây bệnh cũng phải đào hố để tiêu hủy, tránh lây lan sang đàn.  Nhưng tuyệt nhiên, những chú lợn nái nhà chị lại không bị ảnh hưởng. Nhờ đó, gia đình chị có nguồn thu nhập lớn từ con giống. Những thời điểm, lợn giống có giá rất cao, chạm mốc hơn 3 triệu một con mà không có để bán. Đặc biệt, vào thời điểm năm 2021, dịch bệnh Covid -19 bùng phát, những chú lợn nái nhà chị đã mang lại nguồn thu chủ lực cho gia đình.

 

Không chỉ tạo nguồn thu và đáp ứng mọi sinh hoạt trong gia đình từ chăn nuôi, chị còn luôn trăn trở suy nghĩ về việc trợ giúp, cũng như hỗ trợ sinh kế cho những hoàn cảnh khó khăn. Chị tâm sự: “mỗi năm, ngoài việc gà vịt, em chỉ có thể trao tặng ba đến bốn con giống lợn nái cho những hội viên và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thôi. Em cũng muốn làm được nhiều hơn, nhưng điều kiện chưa cho phép. Ấy vậy, qua nhiều năm, các con giống đấy đều đã sinh đàn đẻ nái, tốt giống, mỗi lứa cũng được hơn chục con đấy. Thường đối với giống lợn nái, khoảng 3 tháng 24 ngày được một lứa, anh ạ!.

Không chỉ có đàn lợn nái, chị còn nuôi gà, ngỗng sư tử, trồng nhiều loại cây ăn quả và cấy tám sào lúa. Ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, mẹ con chị còn cất các loại hoa về bán ở khu chợ gần nhà, vào nhưng ngày tuần, tiết, hoa bán được nhiều, thu nhập cũng khá, có ngày thu nhập vài ba trăm nghìn. Khi trong xã, ngoài làng có kỳ lễ hội đình, đền, xóm làng đều nhờ chị mua sắm và làm công việc phụ giúp như cắm hoa, trang trí khu đài tưởng niệm vào những ngày thương binh liệt sỹ. Với mẹ con chị, không cần biết việc gì, chỉ cần công việc chính đáng là làm. Cũng vì vậy, làng trên xóm dưới, ai cũng quý mến, có công việc làng xóm gì, họ cũng gửi gắm, cậy nhờ.

Chị kể cho tôi nghe về câu chuyện của Hội người khuyết tật huyện Trực Ninh, hội của những người đồng cảm, tập hợp lại để cùng chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau vượt qua khó khăn cuộc sống.

Thấm thoát đã hơn 7 năm rồi, từ năm 2015, em được chị Lan (Chủ tịch Hôi NKT tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2014-2019) giúp đỡ, chúng em mới mạnh dạn thành lập Hội NKT huyện Trực Ninh. Ngày đó, hội chỉ có hơn 50 người, qua quá trình hình thành và phát triển, người nọ giới thiệu người kia, đến nay, Hội đã có hơn 300 hội viên rồi, anh ạ.”

Câu chuyện về chị, trước đây, tôi đã nghe chị Xuân- Chủ tịch Hội Nkt tỉnh và nhiều hội viên kể về chị rất nhiều. Với tấm lòng hết mình vì các hội viên, với vô số việc làm vì người yếu thế: chị đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho các hội viên; phát triển Hội cũng như tìm kiếm kết nối các nhà tài trợ, các mạnh thường quân giúp đỡ cho các hội viên phát triển mô hình sinh kế… Bên cạnh đó, chị còn luôn trợ giúp trực tiếp cho những mảnh đời bất hạnh mang nhiều khó khăn hơn chị. Tấm lòng vì người yếu thế của chị đã vượt xa cái thân hình nhỏ nhoi chị đang mang.

Cũng phải nói, nghề báo đã cho tôi được đi đây đó, được trải nghiệm và cho tôi được đồng hành cùng cộng đồng Người khuyết tật nói chung, hội NKT tỉnh Nam Định nói riêng, được tham dự và trải nghiệm các buổi sinh hoạt chung của hội, được chứng kiến những đổi thay từng ngày của tổ chức hội, sự nỗ lực phấn đấu và nghị lực phi thường của một số thành viên trong hội. Tôi biết chị qua những lần đó, chị xuất hiện ấn tượng với giọng ca thanh, cao vút, tựa như đóa hoa hướng dương trong buổi sớm bình minh.

Trần Hồng

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang