Khu công nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Đổi mới tư duy trong tiếp cận nhà đầu tư
Trước đây, giải phóng mặt bằng (GPMB) từng là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất khiến nhiều dự án tại Nam Định bị chậm tiến độ hoặc lỡ cơ hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tư duy làm GPMB tại địa phương đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Một trong những thay đổi nổi bật nhất trong điều hành phát triển công nghiệp của tỉnh Nam Định thời gian qua là chuyển từ tư duy bị động sang chủ động. Không chờ đợi nhà đầu tư tìm đến, tỉnh đã và đang chủ động quy hoạch, chuẩn bị mặt bằng sạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đồng thời thiết lập cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho từng dự án cụ thể.
Ngay từ khi các dự án còn trong giai đoạn nghiên cứu, các tổ công tác do tỉnh chỉ đạo đã được thành lập để hỗ trợ nhà đầu tư từ bước đầu. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan… giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, tăng tính minh bạch và giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc), nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới đã được tỉnh hỗ trợ tích cực ngay từ khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng đến kết nối hạ tầng kỹ thuật. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành và Ban Quản lý các KCN, doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng nhà xưởng ngay sau khi được bàn giao đất.
Hệ thống hạ tầng trong khu công nghiệp được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, từ đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước đến hệ thống viễn thông, xử lý nước thải, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất lâu dài.
Tại cuộc họp với các sở, ngành, UBND TP Nam Định và chủ đầu tư dự án hạ tầng CCN Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng nhấn mạnh: “Giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, quyết định tiến độ toàn dự án. Các địa phương phải tập trung cao, hoàn thành sớm các thủ tục pháp lý liên quan, tránh tình trạng chậm trễ, ảnh hưởng đến mục tiêu khởi công trong quý III/2025.”
Ông yêu cầu Sở Công Thương giữ vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đẩy nhanh thủ tục, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ triển khai hạ tầng các cụm công nghiệp trọng điểm của thành phố.
Trong khi đó, KCN Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) là một điển hình cho năng lực tiếp nhận các dự án quy mô lớn, có yêu cầu cao về mặt bằng và quy hoạch đồng bộ. KCN này đã thu hút thành công các nhà đầu tư lớn trong nước như VINATEX, Tổng công ty May 10, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc – những quốc gia có thế mạnh trong chuỗi sản xuất kéo sợi, dệt nhuộm, may mặc xuất khẩu.
Đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả đầu tư
Với định hướng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và tạo giá trị gia tăng lớn, Nam Định đang ưu tiên thu hút các ngành như: năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may ứng dụng công nghệ nhuộm khép kín.
Để đón đầu dòng vốn chất lượng cao, tỉnh tập trung đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng: mở rộng tuyến đường ven biển, hoàn thiện trục giao thông từ KCN Mỹ Thuận đến Quốc lộ 21, đồng thời nâng cấp tuyến kết nối với cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt đoạn qua Nghĩa Hưng – Hải Hậu… những khu vực đang nổi lên như “điểm đến mới” của các nhà đầu tư.
Từ quy hoạch mặt bằng, GPMB, phát triển hạ tầng, đến cải cách hành chính và đào tạo nhân lực, Nam Định đang triển khai một cách đồng bộ và bài bản. Chính cách làm này đã giúp địa phương ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự sẵn sàng
Tại lễ khởi công khu công nghiệp thép xanh Xuân Thiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá: “Cùng nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, chúng ta có thể vui mừng ghi nhận những thành tựu quan trọng mà Nam Định đã đạt được, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Trong hai năm 2023, 2024, kinh tế tỉnh tăng trưởng hai con số; riêng 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 10,93%. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông và các khu, cụm công nghiệp. Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút 340 dự án với tổng vốn khoảng 145 nghìn tỷ đồng và 1,1 tỷ USD góp phần tạo thêm động lực tăng trưởng, việc làm và nguồn thu bền vững cho ngân sách”.
Cùng với hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Nam Định cũng đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực, đảm bảo vận hành nhà máy khi đi vào sản xuất. Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng. Mô hình phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền không chỉ giúp rút ngắn thời gian đào tạo, mà còn bảo đảm chất lượng đầu ra sát với yêu cầu sản xuất thực tế.
Với những nỗ lực thực chất và bài bản, Nam Định đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, bền vững trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây không chỉ là nơi có quỹ đất rộng, hạ tầng tốt, chi phí hợp lý, mà còn là địa phương mà nhà đầu tư có thể yên tâm khi được chính quyền đồng hành ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình triển khai dự án./.
Song Hồng