(ĐHVO). Không dạy thêm, học thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm với học sinh tiểu học. Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng việc dạy và học chính khóa và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Hình ảnh minh họa
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn yêu cầu, không tổ chức dạy thêm, học thêm dù bằng bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, tình trạng một số cơ sở giáo dục và giáo viên vẫn diễn ra tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng với quy định, tạo dư luận không tốt. Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 15/9 vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nam Định đã ra văn bản số 1639/SGDĐT- GDTrH, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn, năm học 2023-2024.
Theo đó, yêu cầu các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường THPT trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo một số nội dung sau:
Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn).
Thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và theo đúng kế hoạch dạy thêm, học thêm đã báo cáo về Sở GD&ĐT (đối với trường THPT), Phòng GD&ĐT (đối với trường tiểu học và THCS).
Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh theo Đề án 1792 của UBND tỉnh.
Không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, lớp 12 và không quá 4 buổi/tuần với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần.
Không tự ý cho mượn, thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, nhà trường phải xây dựng đề án báo cáo theo đúng quy định.
Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép (bằng văn bản) của hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.
Thêm rằng, Hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng việc dạy và học chính khóa; tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường của các cán bộ, giáo viên nhà trường; yêu cầu giáo viên thuộc phạm vi quản lý chấp hành nghiêm túc quy định; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về dạy thêm, học thêm.
Không thể phủ nhận, việc dạy thêm, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh nâng cao trình độ kiến thức. Tuy nhiên, việc dạy thêm tràn lan, không được quy định cụ thể sẽ gây ra tác hại vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tế cho thấy, hiện tượng học sinh nhàn rỗi ngay trong giờ vì kiến thức đã được học ở lớp học thêm do giáo viên dạy tại buổi học thêm từ trước, đã làm chất lượng giáo dục chính khóa bị ảnh hưởng. Thậm chí, để tất cả học sinh phải đi học thêm, nhiều giáo viên đã cố tình dùng phương pháp giảng dạy đó, nếu học sinh không học thêm, thì không thể theo kịp và hiểu được bài giảng trên lớp. Hiện tượng tiêu cực từ việc dạy thêm đã gây khó khăn cho rất nhiều gia đình có thu nhập bình quân thấp, người nghèo, người khuyết tật…, không có đủ điều kiện để theo học, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Có thể thấy rằng, đối với người lao động có thu nhập bình quân thấp, để có thể cho con họ theo được những lớp học thêm đã tạo thêm áp lực về tài chính vô cùng lớn đối với họ. Một gia đình có hai người con ăn học, việc học phí và các loại phụ phí dành cho con họ tăng lên, buộc họ phải tiết giảm những chi phí cần thiết khác như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe tại nhà…, điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe của cả gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lao động sản xuất, làm sa sút trí tuệ, sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, để con em họ được học thêm, người lao động có thu nhập bình quân thấp phải dành nhiều thời gian hơn để đưa đón con đi học, đặc biệt, nhiều người lao động có thời gian làm việc dày đặc, không linh hoạt. Việc phải dành thời gian phục vụ cho con họ tham gia vào các khóa học thêm có thể xung đột với lịch trình lao động và quy định về thời gian nghỉ ngơi, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Ngoài ra, hệ lụy của việc học thêm có thể làm sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa người giàu và người nghèo càng trở lên lớn hơn. Người giàu có thể có điều kiện nhiều hơn để tập trung hơn vào việc học thêm của con họ, trong khi con em người lao động, người nghèo thì càng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục. Đặc biệt, việc dạy thêm hoặc học thêm có thể tạo ra lợi ích không đồng đều giữa người có khả năng học cao và người không có khả năng học cao, đây cũng là nguyên nhân làm tăng thêm khoảng cách xã hội và làm bất bình đẳng. |
Trần Hồng