Em của bà Hoàng Phương Anh năm nay 11 tuổi, có BHYT hộ nghèo, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm y tế huyện thuộc tỉnh Hưng Yên. Em của bà hiện tạm trú tại TP. Hải Phòng. Bà Phương Anh hỏi, khi em bà đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở nơi tạm trú thì có được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh không?
Người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện được quỹ BHYT chi trả theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế thì trường hợp trên nếu có đăng ký tạm trú tại TP. Hải Phòng, khi đi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT thì xác định là đúng tuyến.
Tại Công văn số 627/BYT-BH ngày 27/1/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Điều 22 Luật BHYT như sau:
– Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến;
– Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Như vậy, trường hợp trên khi đi khám chữa bệnh BHYT trái tuyến tại các bệnh viện ở TP. Hải Phòng, đối với các bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng ghi trên thẻ BHYT như đi khám chữa bệnh đúng tuyến; tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Nguồn Báo điện tử Chính phủ