(ĐHVO). Đối với những học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, học bổng là một điều khuyến khích rất lớn, là động lực để các em tiếp tục phấn đấu, phát huy. Riêng đối với những bạn khuyết tật, học bổng lại càng là điều lớn lao, ý nghĩa, hỗ trợ phần nào khó khăn trong cuộc sống của các em. Vậy mức học bổng dành cho học viên khuyết tật là bao nhiêu, cần thực hiện thủ tục gì để được hưởng học bổng,…? Đây là câu hỏi Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt nhận được rất nhiều từ bạn đọc.
Bạn đọc hỏi: Xin chào, em là học viên của một trường đào tạo nghề X. Năm 2018, em bị tai nạn dẫn đến mất một chân. Vậy cho em hỏi, khi em theo học tại trường X thì có được hưởng học bổng hay không, nếu có thì mức học bổng em sẽ nhận được là bao nhiêu? Em cảm ơn ạ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trả lời:
Th.S LS Nguyễn Thị Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, học viên khuyết tật tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hưởng học bổng chính sách với mức 80% mức lương cơ sở. Cụ thể:
Quy định về người khuyết tật
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Theo đó, Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người khuyết tật đã quy định rõ các dạng khuyết tật bao gồm:
– Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
– Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
– Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
– Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
– Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
– Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên.
Như vậy, nếu bạn bị mất một chân thì bạn được coi là bị khuyết tật vận động.
Trong câu hỏi của bạn, bạn chưa nói rõ là mình đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là người khuyết tật hay chưa nên bạn cần làm thủ tục đề nghị xác định mức độ khuyết tật để đảm bảo được hưởng các quyền và lợi ích chính đáng. Thủ tục đề nghị xác định người khuyết tật được thực hiện theo trình tự dưới đây.
Thủ tục xác định mức độ khuyết tật
– Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Trong đó, hồ sơ đề nghị xác định khuyết tật bạn cần chuẩn bị bao gồm:
– Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật: Theo Mẫu số 01 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH;
– Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật;
– Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Học viên khuyết tật tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp có được hưởng học bổng?
Căn cứ theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục, tại Khoản 1 Điều 9 quy định về đối tượng được hưởng học bổng chính sách bao gồm: “Sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn là học viên của trường đào tạo nghề (cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và là người khuyết tật (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là người khuyết tật) thì bạn sẽ được hưởng học bổng chính sách.
Mức hưởng học bổng chính sách cho học viên khuyết tật tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Về mức học bổng chính sách, Khoản 2 Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“a) Đối với sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng;
b) Đối với học viên là thương binh thuộc hộ nghèo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng.”
Theo đó, mức học bổng đối với học viên khuyết tật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà bạn có thể nhận được đó là 80% mức lương cơ sở/tháng.
Hiện nay, mức lương cơ sở năm 2022 được quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP và Nghị quyết 34/2021/QH15 là 1,49 triệu đồng/tháng.
Lưu ý:
– Học sinh, sinh viên, học viên bị kỷ luật buộc thôi học hoặc bị đình chỉ học tập thì không được hưởng các chính sách học bổng kể từ thời điểm quyết định kỷ luật có hiệu lực hoặc trong thời gian bị đình chỉ. Tức là nếu bạn bị kỷ luật buộc thôi học hoặc bị đình chỉ học tập thì sẽ không được hưởng học bổng chính sách từ thời điểm quyết định kỷ luật có hiệu lực hoặc trong thời gian bị đình chỉ học.
– Học bổng chính sách được cấp đủ 12 tháng/năm, số năm học được hưởng chính sách không được vượt quá số năm hoặc số học kỳ tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo tương ứng với các ngành học theo quy định. Riêng đối với năm học cuối được hưởng theo số tháng thực học.
Hồ sơ hưởng học bổng chính sách
Để được hưởng học bổng chính sách, học viên khuyết tật cần nộp một bộ hồ sơ hưởng chính sách bao gồm:
– Đơn đề nghị (Mẫu số 02 và Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP);
– Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy khai sinh;
– Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp đối với học viên là người khuyết tật; trường hợp học viên chưa có giấy xác nhận khuyết tật thì bổ sung bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật.
Trình tự cấp, xét học bổng chính sách dành cho học viên khuyết tật tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Căn cứ tại Điểm c Khoản 5 Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định về trình tự xét, cấp học bổng như sau:
Đối với học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật:
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông báo cho học viên về chế độ học bổng chính sách, thời gian nộp hồ sơ và hướng dẫn học viên nộp hồ sơ theo quy định. Mỗi học viên chỉ phải nộp một bộ hồ sơ một lần để đề nghị cấp học bổng trong cả thời gian học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
– Đối với học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Hiệu trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tổ chức thẩm định hồ sơ, tổng hợp, lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, tổng hợp gửi cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm đúng quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có trách nhiệm thông báo cho người học trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
– Đối với học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục: Học viên làm đơn đề nghị (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) gửi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi theo học để xác nhận vào đơn trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và hướng dẫn học viên gửi hồ sơ về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi học viên có hộ khẩu thường trú. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chính sách và xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi cơ quan tài chính cùng cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo cho người học trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
– Trường hợp học viên không nộp đủ hồ sơ theo quy định thì chỉ được chi trả học bổng chính sách tính từ ngày cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nhận đủ hồ sơ theo quy định và không được truy lĩnh học bổng chính sách đối với thời gian đã học từ trước thời điểm học viên nộp đủ hồ sơ theo quy định.
Tóm lại, nếu bạn là học viên của một trường đào tạo nghề, bạn sẽ được hưởng học bổng chính sách với mức 80% mức lương cơ sở hàng tháng với điều kiện phải nộp đủ hồ sơ mà pháp luật yêu cầu như trên, trong đó quan trọng nhất là bản sao đối chiếu giấy xác nhận khuyết tật của UBND cấp xã hoặc quyết định của UBND cấp huyện về việc trợ cấp xã hội (trường hợp chưa có giấy xác nhận khuyết tật). Do đó, điều đầu tiên bạn cần làm để đề nghị cấp học bổng là thủ tục đề nghị xác định mức độ khuyết tật, đây sẽ là cơ sở để bạn được hưởng các chính sách sau này.
Nguyễn Hoa