Một số nội dung mới của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(ĐHVO). Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn dân, cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước… Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội và đến năm 2045 toàn bộ người dân sau độ tuổi lao động của Việt Nam được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 qua 6 năm thi hành đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng – hưởng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đảm bảo an sinh xã hội góp phần xây dựng, phát triển đất nước và từng bước hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội cùng với tác động khách quan việc áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vào thực tế đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Ngày 01/3/2023 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đồng thời đăng tải Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (Dự thảo Luật) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến tham gia đóng góp đến hết tháng 4/2023. Trong thời gian này đã có rất nhiều các hội nghị, hội thảo, các kênh truyền thông đưa tin về việc tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, người lao động để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10/2023.

Dự thảo Luật gồm 5 nhóm chính sách: (i) Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, linh hoạt; (ii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; (iv) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; (iii) Bổ sung nội dung quy định quản lý về thu, đóng BHXH và (v) Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững hiệu quả.

Các nhóm chính sách được cụ thể hóa trong 18 nội dung

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

Dự thảo Luật BHXH quy định BHXH bao gồm các chính sách: trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mà ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng khác (khoản 2 Điều 3). Theo đó, Công dân Việt Nam đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu (từ 60 tuổi đến 80 tuổi) có thời gian đóng BHXH (bao gồm bắt buộc và tự nguyện) chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước chi trả.

Đích đến cuối cùng là đảm bảo tất cả mọi người cao tuổi đều có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo thêm sự lựa chọn cho người lao động, cũng như để họ cân nhắc trước khi lựa chọn hưởng BHXH một lần. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện khả năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn, thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi. Giao cho Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ (khoản 2 Điều 26). Phấn đấu đến năm 2030 khoảng 60% số người đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP từ ngày 01/7/2021 người từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Dự thảo Luật quy định: mức trợ xã cấp xã hội 500.000 đồng/tháng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế; người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp bằng 10.000.000 đồng.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Người lao động không trọn thời gian; chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; dân quân thường trực; người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội tham gia đóng BHXH và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc (Điều 31).

Bổ sung chế độ ốm đau, thai sản vào chính sách BHXH với các đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và được hưởng thụ đầy đủ như cán bộ, công chức.

Bổ sung chế độ thai sản đối với BHXH tự nguyện (mục 1 Chương VI)

Đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp thai sản là người lao động tham gia BHXH tự nguyện: Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2.00.00 đồng cho một con mới sinh do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Bổ sung định tính tỷ lệ lương hưu phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua các hiệp định về BHXH được ký kết giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu (Điều 73).

Điều kiện hưởng lương hưu

Giảm năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia BHXH không liên tục nên thời gian tham gia BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).

Khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng; trường hợp người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 đến 10 năm so với tuổi chung.

Quy định về BHXH một lần

Các quy định bổ sung theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận một lần BHXH như: Giảm thời gian đóng BHXH; Người lao động khi hết tuổi mà chưa chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng; Được mua bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả; Người lao động được hưởng các quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.

Trong thời gian bảo lưu, người lao động có thể quay lại thị trường lao động, có việc làm, có thu nhập để cộng nối thời gian đóng BHXH hoặc đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để cho đủ điều kiện (15 năm) hưởng lương hưu. Mặt khác, Dự thảo bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về rút BHXH một lần nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Quy định quản lý về thu, đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện thu BHXH và trách nhiệm người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, hạn chế các tiêu cực gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như hiện nay (Điều 36 đến Điều 44).

Các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH

(i) Ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động vi phạm còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng;

(ii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên;

(iii) Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên;

(iv) Tổ chức Công đoàn, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Toà án; khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật (Điều 44). Đồng thời, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời theo quy định mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. (khoản 6 Điều 24).

Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

(1) Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

(2) Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước

Dự kiến sửa đổi các nội dung quy định/chế độ gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể, sau đó được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ (Điều 50, Điều 63

Điều 66 và Điều 92).

Chế độ ốm đau

Sửa đổi quy định về ốm đau thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày cụ thể, rõ ràng hơn phù hợp với thực tiễn (khoản 2 Điều 47).

Bổ sung phần định tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc ốm đau không trọn ngày (khoản 5 Điều 49).

Chế độ thai sản

Sửa đổi quy định phù hợp với thực tiễn về xác định tuổi thai nhi; quy định về đình chỉ thai nghén (Điều 57).

Sửa quy định về điều kiện đi làm trước khi hết hạn nghỉ sinh con mà con chết (Điều 65), điều kiện “đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất 04 tháng” không áp dụng đối với trường hợp sau sinh con mà con chết.

Chế độ hưu trí

Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tiền lương đóng BHXH do Nhà nước quy định được tính cho đến khi Nhà nước thực hiện chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Thời gian đóng BHXH từ khi thực hiện cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tính bình quân tiền lương đóng BHXH của toàn bộ thời gian. (Điều 71, Điều 72).

Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong quá trình đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, người lao động có khoảng thời gian đóng BHXH liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng trong thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của những năm cuối thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH liền kề tương ứng để tính mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp khi nghỉ hưu, khuyến khích NLĐ tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án (khoản 2 Điều 75)

(1) Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

(2) Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 02 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Chế độ tử tuất. Sửa đổi về điều kiện tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phù hợp với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 91). Sửa đổi về trợ cấp mai táng theo hướng không quy định về thời gian đóng tối thiểu đối với trường hợp đang tham gia BHXH chết (Điều 90 và Điều 115).

Chi phí quản lý BHXH

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án (khoản 2 Điều 75)

(1) Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.

(2) Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.

Bổ sung quy định về Hội đồng quản lý BHXH “Hội đồng quản lý BHXH có Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội là 05 năm” (khoản 3 Điều 17).

Tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan

Dự thảo Luật phù hợp với các Bộ luật, Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực. Đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật về: chính sách hưởng BHXH một lần; lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; quy định về hợp đồng lao động; chế độ tai nạn lao động và các quy định khác trong Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Việc làm, Bộ luật Hình sự… phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực có liên quan.

Mục tiêu Dự thảo Luật BHXH

(i) Tiếp tục thực hiện bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo Hiến pháp 2013, thể chế hóa mục tiêu của Đảng trong Nghị quyết 28/TW về cải cách chính sách BHXH; Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện liên quan đến an sinh xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII;

(ii) Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thi hành Luật BHXH năm 2014;

(iii) Đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Người lao động đồng tình, mong đợi việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để hưởng lương hưu, tuy nhiên đây mới chỉ là đề xuất của phía cơ quan soạn thảo. Thực tế đã chứng minh, những chính sách, quy định mới đưa ra thường có các ý kiến nhiều chiều, thậm chí là trái ngược nhau, rất khó để tất cả đều hài lòng với một phương án tối ưu. Dự thảo Luật đang được sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người lao động gửi về Ban soạn thảo để tổng hợp, phân tích trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, để đảm bảo các chính sách, quy định về BHXH có hiệu quả như mong đợi, Nhà nước cần phải có các giải pháp đồng bộ khác như: Giải quyết việc làm bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành, đào tạo lại nghề cho người lao động; Chính sách đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quản lý; Hỗ trợ vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã, hộ gia đình trung lưu thu hút người lao động làm việc để họ có thu nhập và cơ hội tham BHXH.

Cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân, cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước. Với vai trò Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện và có giải pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ; phấn đấu đến năm 2030 có 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động của Việt Nam được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội./.

LS. Trần Văn Chương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang