Một số điểm nổi bật của Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2030 (phần 1)

(ĐHVO). Ngày 05/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với nhiều nội dung đang chú ý liên quan đến người khuyết tật.

1. Khái quát về Chương trình trợ giúp người khuyết tật

Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được phê duyệt và triển khai trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều biến động, đặc biệt là những tác động khó khăn khi tình hình dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng với nhiều diễn biến xấu, kéo dài. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực để chống chế dịch, tuy nhiên nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này được xem là bất lợi khá lớn đối với việc thu ngân sách, từ đó ảnh hưởng nhất định để việc triển khai các chính sách, chương trình an sinh xã hội, trong đó có những chương trình liên quan đến người khuyết tật.

Về cơ cấu, Chương trình nêu rõ các nội dung chính bao gồm: Mục tiêu; Các hoạt động chủ yếu của; Các giải pháp; Kinh phí thực hiện và Phân công nhiệm vụ. Như vậy, về cấu trúc Chương trình trợ giúp người khuyết tật được cơ cấu theo mẫu “truyền thống” thường dành cho Chương trình. Tuy nhiên, phần nội dung đã đưa ra được rất nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến người khuyết tật.

2. Một số điểm nổi bật cơ bản của Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

1. Về mục tiêu của Chương trình

* Mục tiêu chung:

Với mục tiêu là ”Thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình” đã bám sát với tinh thần cơ bản của công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật mà Việt Nam đã phê chuẩn. Đảm bảo quyền bình đẳng và xây dựng môi trường không bình đẳng là hai điểm cốt lõi nhất xuyên suốt trong Công ước, việc ghi nhận những nội dung này trong Chương trình thể hiện chính sách, pháp luật của Việt Nam đang ngày càng phù hợp hơn với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây là một điểm khá tích cực của Chương trình.


Ảnh minh họa: Nguồn Internet

* Mục tiêu cụ thể:

Hệ thống mục tiêu được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 -2025, giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030 với các chỉ tiêu trên từng lĩnh vực. Cụ thể:

– Giai đoạn 2021-2025:

+ Hàng năm khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 50.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.

+ 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

+ 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

+ 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

+ 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 40%.

+ Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng % tỷ lệ chung cả nước.

+ 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng.

+ 80% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

+ 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 30% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật; 20% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.

+ 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.

+ 70% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật.

– Giai đoạn 2026 – 2030

+ Hàng năm khoảng 90% người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 70.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.

+ 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

+ 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

+ 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

+ 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 60%.

+ Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/3 tỷ lệ chung cả nước.

+ 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 100% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng.

+ 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

+ 70% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người  khuyết tật; 30% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.

+ 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau.

+ 80% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật.

Từ những con số cụ thể trên, so sánh, phân tích với Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) có thể thấy, ở những mục tiêu cùng một lĩnh vực, tỷ lệ được điều chỉnh thấp hơn. Cụ thể:

– Đa số chỉ tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe giảm từ 10-20% so với giai đoạn trước, số trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp ở giai đoạn 1 cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn là 50.000 người thay vì 60.000 người.

– Số người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo giảm từ 550.000 người xuống còn 50.000 người cho cả 2 giai đoạn.

– Các chỉ tiêu về tiếp cận công trình xây dựng và tham gia giao thông đều được điều chỉnh giảm khoảng 1,5 lần so với giai đoạn trước đó.

Tại sao lại điều chỉnh các chỉ số của Chương trình giảm hơn so với giai đoạn trước đó. Có thể nói, qua quá trình áp dụng thực hiện và tổng kết, nhận thấy nhiều chỉ tiêu đưa ra tại Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 đã chưa đạt được con số như trong Đề án đã đặt ra. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi cao trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể đảm bảo tính khả thi cao, tỷ lệ thành công cao tránh tình trạng mục tiêu đặt ra quá cao so với thực tế.

Bên cạnh đó, so với Đề án của giai đoạn trước, một số nội dung của Chương trình đã được bổ sung cụ thể, chi tiết để hỗ trợ nâng cao cuộc sống của người khuyết tật một cách toàn diện. Bao gồm:

– Nhóm mục tiêu về thúc đẩy học nghề – việc làm: Bổ sung quy định “90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định” tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, giúp tạo điều kiện cho người khuyết tật mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Nhóm mục tiêu về tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin, văn hóa thể thao đặt ra 1 loạt chỉ tiêu với nhiều yêu cầu cao hơn so với Đề án.

Ngoài ra, Chương trình cũng đề cập đến một số mục tiêu hoàn toàn mới, lần đầu được nhắc đến đó là chỉ tiêu về hỗ trợ phụ nữ và chỉ tiêu phát triển các tổ chức của người khuyết tật.

Đinh Nguyên.

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang