(ĐHVO). Các thế hệ cha, ông với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc thanh xuân của mình để đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ là những nhà cách mạng tiêu biểu mà thế hệ con cháu hôm nay cần noi gương, gìn giữ và phát huy.
Giữa cái nắng oi ả của một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Tạ Hồng Tiến tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Một người dân đã tận tình chỉ cho chúng tôi đến nhà ông Tiến, ông ra đón chúng tôi với vẻ mặt tươi cười, phúc hậu và đúng với hình dáng của người thanh niên xung phong trong chiến trường xưa, rất đỗi mộc mạc, giản dị.
Ông Tiến (người bên phải)
Ông Tiến sinh ra trong gia đình các thế hệ đều tham gia kháng chiến chống quân xâm lược. Ông nội ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống giặc Pháp năm 1948 khi đang ở chung hầm với các cán bộ Việt Minh và du kích thôn. Vì giữ bí mật và bảo vệ đồng đội được an toàn nên cụ đã bị trúng đạn do địch bắn. Lần ấy, cụ đã cứu được đơn vị thoát khỏi vòng vây của giặc. Đến thời ông Tiến nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông và các anh, chị, em ông đều lần lượt tham gia nhập ngũ.
Năm 1966, ông Tiến lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đến năm 1972 ông tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Ông nhớ lại thời điểm ấy bom đạn giặc Mỹ dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, đất Quảng Trị rực một màu của máu và lửa. 81 ngày đêm vô cùng ác liệt bảo vệ Thành cổ ( 28/6-16/9/1972) đã khiến ông đã bị thương. Tiếp đến, em trai và em rể ông nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và rồi đã hy sinh trong chiến trường miền Nam.
Bà ông, mẹ ông là những người phụ nữ có chồng, có con tham gia kháng chiến rồi lần lượt hy sinh. Nổi đau mất người thân như trăm nhát dao cứa vào lòng những người phụ nữ ấy, mỗi lần nghe tin báo tử bà ông, mẹ ông lại như chết lặng người, biết các con đi mà không chắc ngày trở về nhưng vì Tổ quốc nên vẫn bằng lòng để những đứa con của mình lần lượt lên đường nhập ngũ.
Mỗi lần nói chuyện về cách mạng, về Đảng và Bác Hồ là ông Tiến rất hào hứng:“Gia đình tôi nghe Đảng, nghe Bác Hồ chứ không nghe lời xúi giục của kẻ xấu”.
Các con, các cháu ở xa nhưng vẫn thường xuyên về thăm ông vào dịp cuối tuần, lễ tết. Trong câu chuyện của ông, con cháu vẫn được nghe kể về những năm tháng chiến tranh hào hùng của đất nước, dân tộc và những truyền thống gia đình tốt đẹp mà ông đã gìn giữ, trao truyền cho cháu con.
Khi được hỏi ước nguyện bây giờ của ông là gì? Ông bồi hồi, xúc động mà trả lời: “Từ thời cụ nội tôi đã là tấm gương sáng về truyền thống cách mạng, các con tôi có tinh thần tự học noi theo truyền thống gia đình, giờ đây tôi cũng chỉ mong các cháu vẫn vững bước trên con đường truyền thông ấy. Truyền thống gia đình, tình yêu thương, sẻ chia là hành trang quý báu mà mỗi thành viên luôn mang theo làm động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Mong các con các cháu luôn khỏe mạnh ”.
Ông dừng lại một chút và tiếp tục nói “Hằng năm con cháu tứ phương vẫn trở về trong những ngày giỗ của các cụ, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất, tuy nhiên hiện nay nơi thờ cúng ấy vẫn còn tạm bợ. Do đó nguyện vọng của tôi cũng như các anh chị em trong nhà mong muốn lấy lại phần đất ao 2(hai) sào Bắc bộ, phần đất do ông cha để lại tại xóm giữa, thôn Quảng Minh mà trước đây đã cho xóm mượn đấu thầu để làm nơi thờ cúng tổ tiên”.
Huân chương kháng chiến
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Trở về từ chiến trường những anh em, đồng đội của ông có người lành lặn, có người mang thương tật cũng có người đã anh dũng hy sinh, còn đối với ông, người may mắn thoát chết trong chiến trường năm xưa vẫn luôn tự hào về những ngày tháng anh dũng ấy và tự hào về truyền thống gia đình giàu cách mạng.
Chia tay gia đình ông, tôi vẫn nhớ mãi câu nói: “Gia đình tôi luôn nghe Đảng, nghe Bác Hồ. Tôi luôn dạy dỗ và khuyên con cháu phải nêu gương truyền thống của gia đình bởi gia đình mình là gia đình cách mạng…”.
Hương Nguyễn