Mỗi viên gạch, một tấm lòng

Lớp học bằng tranh tre, vách nứa hay được tổ chức dưới gầm nhà sàn của người dân. Đó là những thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất của không ít điểm trường, trường học tại một số huyện miền núi. Để trẻ em khu vực miền núi được đến trường, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay góp sức xây dựng phòng học kiên cố để các em học tập.

Lễ khánh thành điểm trường khu Húng – Trường Tiểu học Giao Thiện (Lang Chánh).

Bản Húng (xã Giao Thiện, Lang Chánh, Thanh Hóa) nằm cách trung tâm xã gần 10 km đường núi, nếu trời mưa thì việc đi lại của người dân rất khó khăn. Điểm trường khu Húng – Trường Tiểu học Giao Thiện có trên 30 học sinh các khối học tập. Các phòng học được làm tạm bằng mái tôn, nền đất, vách nứa không thể che được những cơn gió lùa. Bàn ghế cái thì mối mục, cái thì xiêu vẹo, cong vênh. Tuy cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đi lại khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo ở đây vẫn luôn bám trường, vận động các em học sinh ra lớp đạt 100%. Nhằm chia sẻ những khó khăn với thầy và trò tại điểm trường khu Húng, đầu năm 2019, Câu lạc bộ Thiện Nguyện Xanh Thanh Hóa đã vận động, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Sau hơn 1 tháng vận động, câu lạc bộ kêu gọi được hơn 20 người quyên góp với số tiền hơn 520 triệu đồng và được sự chấp thuận của UBND huyện Lang Chánh, điểm trường đã được khởi công xây dựng. Không chỉ đóng góp tiền, nhiều người còn trực tiếp tham gia xây trường. Điểm trường khu Húng được xây dựng với 3 phòng học, 1 phòng giáo viên cùng các công trình phụ, trồng cây xanh… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm học mới 2019-2020. Được biết, với tâm nguyện mỗi năm xây được ít nhất 1 ngôi trường cho các em học sinh tại khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh, nên sau 2 năm thành lập câu lạc bộ đã kêu gọi vận động được các nhà hảo tâm chung tay đóng góp xây dựng được 2 điểm trường (điểm trường khu Húng – Trường Tiểu học Giao Thiện và điểm trường Na Khà – Trường Tiểu học Tén Tằn – Mường Lát), góp phần nâng cao chất lượng học tập cho các em.

Với mục đích xây trường hỗ trợ trẻ em vùng cao đến trường, các thành viên Dự án “Vì trẻ em vùng cao” (gọi tắt là dự án) đã tìm đến những điểm trường khó khăn để khảo sát và kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ. Nhớ lại lần đầu đặt chân đến bản Vui (xã Thanh Xuân, Quan Hóa) vào mùa đông, các thành viên dự án xót xa khi chứng kiến cảnh các em nhỏ tầm bốn, năm tuổi chỉ mặc độc chiếc áo mỏng manh, đầu trần, chân đất, trường học bằng nhà tranh vách đất, thiếu nơi học, có lớp được tổ chức học ngay dưới gầm nhà sàn của người dân. Ra về với lòng day dứt và hình ảnh các em tím tái trong gió rét, mái trường xiêu vẹo, dột nát đã thôi thúc các thành viên dự án phải hành động để xây trường cho những đứa trẻ nơi này. Theo đó, các thành viên dự án đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ các em. Đồng thời, tổ chức hoạt động chụp ảnh với thú cưng góp tiền xây trường cho các em vùng cao với thông điệp “chụp một bức ảnh góp một viên gạch”. Sau gần 3 tháng vận động, dự án đã tiếp nhận sự hỗ trợ của hơn 140 tổ chức, cá nhân. Điểm trường tại bản Vui khởi công xây dựng trong niềm hân hoan, vui mừng của các thầy, cô giáo, học sinh và người dân nơi đây. Điểm trường được xây dựng với quy mô xây mới 2 phòng học cho trường mầm non, sửa chữa 3 phòng học cho trường tiểu học với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Mạnh Toàn (TP Thanh Hóa) một trong những người đóng góp xây dựng điểm trường bản Vui chia sẻ: Hình ảnh mà tôi không bao giờ quên chính là ánh mắt tràn đầy hạnh phúc của các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo khi ngôi trường được dựng lên, cũng như sự háo hức đáng yêu của các em khi được nhận những bộ sách mới. Tôi sẽ tiếp tục góp sức mình, góp những viên gạch để dựng xây những mái trường mơ ươc của trẻ em vùng cao.

Anh Lê Như Anh, thành viên ban điều hành dự án chia sẻ: Xây trường là đầu tư bền vững cho giáo dục. Một ngôi trường kiên cố giúp hàng trăm học sinh đến trường, tiếp cận tri thức, tạo nên tác động lớn đối với cuộc sống của các em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vậy sau 3 năm thành lập dự án đã vận động được hơn 1,75 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 6 điểm trường.

Thực hiện hoạt động nhân đạo để trẻ em vùng cao được đến trường là việc làm ý nghĩa cần được lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Mỗi người hãy cùng góp những viên gạch nhỏ để xây dựng ngôi trường kiên cố, vững chắc giúp các em khu vực miền núi có điều kiện học tập tốt hơn.

Theo Thùy Linh/baothanhhoa.vn

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang