Mê Linh, Hà Nội: Người khuyết tật tự tin với nghề làm mỳ gạo truyền thống

(ĐHVO). Ngày nay, người khuyết tật ngày càng chủ động hơn trong việc chọn nghề và làm nghề, đặc biệt là duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Về xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội), mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên với gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến, một gia đình thuộc diện khó khăn, cả gia đình thuộc diện khuyết tật đang ngày ngày giữ gìn và phát triển nghề làm mỳ gạo sạch.

Nơi đây, những gia đình làm mỳ gạo truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Gia đình ông Tuyến là một trong những hộ gia đình vẫn theo nghề. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị khuyết tật vận động, vợ bị tiểu đường, con trai bị khuyết tật trí não nhưng hai vợ chồng ông Tuyến vẫn ngày ngày tự động viên nhau, cố gắng duy trì nghề truyền thống, tạo thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tuyến bị khuyết tật vận động đang làm công đoạn cân và đóng gói mỳ gạo

Ông Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1962) bị khuyết tật vận động ở chân. Mỗi khi trở trời, chân ông lại đau nhức, tê buốt, khó đi lại và bị phù nề. Thêm vào đó, tuổi già khiến ông không còn sức khoẻ như trước. Thậm chí, có những ngày ông không thể đi lại được. Di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn cùng người vợ của mình chịu thương chịu khó duy trì nghề làm mỳ gạo sạch truyền thống.

Vợ ông Tuyến cũng đang mắc phải căn bệnh tiểu đường, đau ốm thường xuyên. Gia đình có  3 người con đều đã lớn nhưng có người con trai Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1986) thì trí não không được minh mẫn. Người con trai ấy thường xuyên đi lang thang, tối mới về, không biết ăn uống, ngủ nghỉ ở đâu. Mặc dù ông bà muốn quản lý con, muốn cho con ở trong nhà lắm nhưng không được. Thế rồi, anh Bình cứ tự đi rồi tự về.

Người dân xã Tiến Thịnh đang rửa mỳ gạo

Gia đình khó khăn là vậy, mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào việc làm mỳ gạo. Vợ chồng ông Tuyến đã ở tuổi xế chiều, sức khoẻ không tốt, con trai lại không được minh mẫn, nghĩ hoàn cảnh mà ông Tuyến cũng thấy đau lòng.

Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó đi lên, hai vợ chồng ông Tuyến vẫn chăm chỉ cố gắng từng ngày dậy từ 3h để đãi gạo, nghiền bột, đùn mỳ. Vợ chồng ông Tuyến phải làm thật nhanh để kịp trời sáng còn đi giao mỳ cho các cửa hàng tạp hoá. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông ngâm khoảng 2,5 tạ gạo mới đủ phục vụ nhu cầu của khách. Trong đó, vợ ông là người phụ trách đi giao mỳ vì chân ông Tuyến đi lại khó khăn, di chuyển xa lại càng khó.

Ông Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi phải dậy từ 3h sáng làm mỳ cho kịp sáng. Mỳ gạo sau khi đùn phải được ủ theo số giờ quy định, khi mỳ đã dai và mềm đủ độ, thường là ủ đến chiều rồi mới phơi. Đó chính là sự khác biệt so với các loại mỳ gạo thông thường ngoài thị trường, hương vị làm truyền thống cũng rất khác”.

Để làm ra mỳ gạo sạch truyền thống, đậm hương vị đặc trưng phải trải qua rất nhiều khâu làm việc. Trong đó, khâu chọn gạo là quan trọng đầu tiên. Giống gạo phải là giống khang dân, hạt gạo phải trắng, trong, sạch và đều, không bị mốc, không có màu hay có mùi.

Khâu chọn gạo là quan trọng nhất. Gạo làm mỳ phải trắng, trong, sạch, đều và là giống khang dân

Tiếp đó là khâu vo gạo cho thật sạch, khi nước đã trong không còn vẩn đục hay màu trắng. Sau đó, gạo được để ráo nước và cho vào máy xay.

Sau khi xay gạo xong, phải cho vào lọc và ủ khoảng 12 tiềng. Khi đủ thời gian ủ, ông Tuyến mới cho bột vào máy và đùn thành sợi mỳ. Khi cắt mỳ cũng có độ dài nhất định.

Mỳ sau khi được cắt phải tiếp tục được ủ trong nhiều giờ đồng hồ cho đến khi sợi dai, mềm

Điều đặc biệt làm nên hương vị mỳ gạo đặc trưng của quê hương Tiến Thịnh chính là việc ủ bánh mỳ trong thời gian quy định. Thay vì cắt mỳ và rửa, phơi luôn thì gia đình ông Tuyến tiếp tục ủ những bánh mỳ vừa cắt. Vài tiếng sau, vợ chồng ông kiểm tra thấy mỳ đã dai, mềm đủ thì mới đem rửa và phơi giòn, khô.

Trời mưa thì phải sấy bằng than, tránh để hỏng, sẽ mất hết công sức và số gạo làm. Nếu mà vô tình mưa bất chợt thì phải chịu hỏng mẻ phơi đó. Còn thực tế, đã làm nghề này thì phải có người ở nhà trực và nghe thời tiết hàng ngày. Dù gia đình khó khăn là vậy, vợ chồng ông Tuyến vẫn duy trì và thực hiện theo đúng cách làm mỳ gạo truyền thống, tạo nên hương vị đặc trưng của mỳ gạo Tiến Thịnh.

Mỳ gạo phải được phơi đủ nắng, giòn và sạch có thể bảo quản trong 6 tháng

Mỳ được phơi khô và giòn sợi sẽ được cân đủ số lượng và bó, đóng gói giao cho khách hàng. Tuỳ theo yêu cầu của khách mà gia đình ông Tuyến làm sợi to, nhỏ khác nhau, hoặc mì phở. Cũng giống như các ngành nghề khác, dịp Tết hay lễ hội là những dịp gia đình ông có thu nhập nhỉnh hơn so với ngày thường.

Bà Nguyễn Thị Lợi (Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Mê Linh) cho biết: “Gia đình chú Tuyến thuộc diện khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn duy trì nghề truyền thống để có thu nhập. Dù làm ăn nhỏ lẻ nhưng hợp với hoàn cảnh, vì với người khuyết tật thì đi lại rất khó khăn, nên thu nhập từ việc làm mỳ gạo có thể gọi là đủ mưu sinh”.

Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với nghề truyền thống, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến vẫn tiếp tục duy trì và đây trở thành nguồn thu nhập chính của cả nhà. Những nơi có làng nghề truyền thống hoàn toàn phù hợp với những NKT khi họ khó khăn đi lại, tiếp tục duy trì và ngày càng phát triển nghề sẽ trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc làm giàu cho quê hương, trở thành người có ích.

Nguyễn Nhật

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang