(ĐHVO). Nhắc tới tấm gương người khiếm thị biết tự lực vượt ra khỏi ánh nhìn mờ ảo vươn lên trong cuộc sống, người ta thường nghĩ ngay tới Lã Minh Trường, hiện là Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Công tác xã hội – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội, Vận động viên cờ vua đội tuyển thể thao khuyết tật Thành phố Hà Nội.
Lã Minh Trường sinh năm 2001, sinh ra và lớn lên ở phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Không may mắn như bao người khác, từ khi sinh ra, Trường đã mắc căn bệnh đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu và một số bệnh lý nền khác khiến cho Trường chỉ có thể nhìn được mọi thứ trong sự mờ đục mặc dù gia đình đã hết lòng chạy chữa nhằm giành giật lại cho anh một tương lai tươi sáng. Tuy không thể nhìn thấu mọi thứ nhưng niềm đam mê con chữ trong Trường không bao giờ dập tắt. Trường luôn luôn cố gắng và chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân để bù đắp lại khiếm khuyết của cơ thể, bởi Trường nghĩ “Học tập là con đường ngắn nhất để thành công”.
Năm lên 11 tuổi, mặc dù bị khiếm thị nhưng Lã Minh Trường đã phải rời xa gia đình để lên Hà Nội theo học tại ngôi trường hòa nhập PTCS Nguyễn Đình Chiểu và sau đó là trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Bởi đối với những con người đặc biệt, môi trường và phương pháp giáo dục riêng, phù hợp với từng điểm mạnh, điểm yếu của họ là vô cùng cần thiết. Khi tiếp xúc với môi trường mới, nơi Trường được gặp những người có cùng hoàn cảnh như mình ra trường mà phải làm những nghề chân tay vất vả, Trường đã từng cảm thấy mất phương hướng, nghĩ mình sau này cũng sẽ phải làm những công việc như thế. Biết bao lần Trường đã từng nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, nhưng may mắn thay, sau một thời gian học tập, dường như các thầy cô đã nhận thấy tài năng thiên bẩm trong con người cậu học sinh bé nhỏ. Khi lên lớp 9, trong một lần Trung tâm huấn luyện thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội về trường Nguyễn Đình Chiểu để tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực cờ vua khiếm thị, các thầy cô đã lựa chọn Trường để rèn luyện và tham gia thi đấu sau này.
Trong thời gian theo học tại ngôi trường cấp 3 (trường THPT Trần Nhân Tông), cơ hội một lần nữa lại đến với Trường khi nhận được cuộc gọi bất ngờ của thầy Hiệu trưởng gợi ý cho Trường đăng ký tham gia cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin cho thanh thiếu niên khuyết tật GITC năm 2018 (tại Ấn Độ) và năm 2019 (tại Hàn Quốc). Để không phụ lòng mong đợi của thầy cô cũng như nắm bắt cơ hội để bản thân được mở mang vốn hiểu biết, Trường đã ra sức học tập, ngày đêm ôn luyện để có thể giành được giải cao trong cuộc thi. Nếu như một con người bình thường phải cố gắng mười phần thì đối với một người khiếm thị như Trường, sự cố gắng phải là hai mươi, ba mươi phần. Mặc dù vậy, Trường luôn luôn tỏ ra khiếm tốn, coi thành công của mình còn nhờ phần nhiều từ sự định hướng, thúc đẩy của gia đình, thầy cô và bạn bè. Trong lần tham dự cuộc thi GITC 2019 tại Hàn Quốc, Trường nhận thấy sự nỗ lực của bản thân mình thật bé nhỏ, bởi ở đó, Trường gặp gỡ nhiều hoàn cảnh bất hạnh hơn, khuyết tật nặng hơn nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tự tin vào khả năng của bản thân. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người khuyết tật có được cơ hội giáo dục tiên tiến, được vươn ra những cuộc thi mang tầm quốc tế để phát huy khả năng của mình. Đó chính là niềm động lực lớn lao để Trường tiếp tục bước đi trên con đường chinh phục tri thức, viết tiếp ước mơ.
Và những cơ hội đến với Lã Minh Trường trước đây cũng là cơ duyên để Trường có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Phó Bí thư Liên chi Đoàn khoa Công tác xã hội (Trường đại học sư phạm Hà Nội), Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội như hiện tại. Được tiếp xúc với nhiều bạn bè khuyết tật cả trong nước lẫn nước ngoài, Trường cảm thấy dường như các quyền lợi cơ bản của họ trong thực tế chưa thực sự được bảo đảm. Chính điều ấy khiến cho Trường từ bỏ ngành học yêu thích tại Trường đại học kinh tế quốc dân và Sư phạm toán để thực hiện ước mơ đem lại sự công bằng, bình đẳng và củng cố quyền được tiếp cận cơ hội phát triển cho người khuyết tật. Để thực hiện được điều ấy, Trường đã quyết định theo học tại Khoa Công tác xã hội – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hiện tại Trường đang giữ chức Phó Bí thư Liên chi đoàn của khoa. Trong thời gian công tác, Trường đã cùng các bạn của mình thực hiện nhiều điều ý nghĩa, giúp ích cho xã hội, có thể kể đến như đi làm tình nguyện viên, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của người khuyết tật nói riêng, người yếu thế trong xã hội nói chung. Mặc dù bản thân còn có nhiều khiếm khuyết nhưng Trường vẫn luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, đặc biệt là để thực hiện mục tiêu đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển cho người khuyết tật, những người có cùng cảnh ngộ như Trường.
Tuy phải sống trong một thế giới mờ đục, nhưng có lẽ trong thâm tâm Lã Minh Trường, thứ sáng tỏ nhất vẫn là con đường tri thức và mục tiêu được cống hiến sức mình cho công cuộc củng cố quyền lợi và cơ hội phát triển cho người khuyết tật. Bởi đối với Trường, so với những người khuyết tật khác, Trường có phần may mắn hơn họ khi được học tập trong môi trường phù hợp và được trao cho những cơ hội quý giá để phát triển, thể hiện tài năng của mình. Và vì thế, Trường muốn lan tỏa sự may mắn này đến tất cả những người yếu thế trong xã hội, từ đó xã hội của chúng ta mới có sự công bằng, bình đẳng, bác ái. Với sự cống hiến đó, Lã Minh Trường xứng đáng được vinh danh là một trong 50 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu trong Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022.
Hồng Liên