Mang cơ hội đi học, trao lực đổi đời cho người nghèo vùng ven đô

Hoàn thành Chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống cho người dân luôn là nỗi trăn trở của cộng đồng nói chung và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói riêng. Ngay từ đầu năm 2020, NHCSXH các huyện ven Thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn theo chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội trong các hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho người dân mở rộng sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới để con, em gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục hoàn thành việc học.

Nguồn vốn chính sách trở thành động lực để vươn lên

Trong thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, tham gia phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, trước thềm năm học mới, NHCSXH huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến việc cho vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình không chỉ hỗ trợ một phần chi phí học tập mà còn là nguồn động lực lớn để nhiều HSSV vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi về thăm gia đình bà Dương Thị Lâm ở thôn 4, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ vào một ngày đầu tháng 9, khi cậu con trai út Nguyễn Hồng Quân đã bước vào đầu năm học cuối của một trường đại học tại Hà Nội. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Lâm nằm gọn trong cuối ngõ, căn nhà ấy “phủ bóng” của thời gian cùng với người phụ nữ tần tảo, một mình nuôi dạy 3 người con ăn học khi chồng mất sớm. Ở tuổi 61, vượt qua những hôm ốm đau của tuổi già, bà vẫn đi làm thuê từ bốc vác, cắt cỏ thuê, đến mùa vụ thì đi gặt để dồn tiền cho con đi học. Vì thế mà trong nhà không có gì đáng giá đến một triệu đồng, ngoài những tấm bằng khen và niềm tự hào của người mẹ có hai người con lớn đã có công việc ổn định, chỉ còn cậu con trai út Nguyễn Hồng Quân vẫn đang tiếp tục theo học đại học. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lâm cho biết, khi Quân bước vào năm thứ hai đại học cũng là lúc kinh tế gia đình gần như cạn kiệt, nhưng kể cả phải bán ruộng, bán đất, bà vẫn tiếp tục cho con đi học. Biết được hoàn cảnh của gia đình bà Lâm trong thời điểm khó khăn đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn đã bình xét cho bà mỗi năm được vay 15 triệu đồng, đủ để chi trả học phí cho Quân yên tâm học tập.

Bên cạnh chương trình cho vay HSSV, nguồn vốn tín dụng chính sách giải quyết việc làm còn giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực để vươn lên mở rộng sản xuất kinh doanh, nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần dần được cải thiện.

Gia đình bà Phạm Thị Thơm ở khu vực 7, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức thuộc diện hộ nghèo. Năm 2013, gia đình bà được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn để thoát nghèo. Sau khi trả xong nợ cũ, năm 2019, gia đình bà được ngân hàng cho vay tiếp 40 triệu đồng để giải quyết việc làm cho bà và con trai. Với nguồn vốn này, gia đình bà đã đầu tư nguyên vật liệu để chăm sóc vườn bưởi và tiếp tục chăn nuôi lợn… “Nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng đã tạo cho tôi và con trai có công ăn việc làm, có đồng vốn để làm ăn, không phải đi làm thuê. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước”, bà Phạm Thị Thơm chia sẻ.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cũng được NHCSXH hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh bún gạo khô. Với nguồn vốn được vay là 40 triệu đồng để sản xuất bún gạo, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông đã có thu nhập khoảng 700.000 đồng/ngày, giải quyết việc làm cho 3 lao động trong nhà. “Trước khi có nguồn vốn vay, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhưng có rủi ro, làm bún bền vững hơn, ngày nào cũng có lãi. NHCSXH rất tạo điều kiện cho bà con vay vốn dễ dàng. Nếu không có nguồn vốn vay, gia đình sẽ phải xoay xở bên ngoài với lãi suất cao hơn”, ông Nguyễn Văn Hòa nói.

Cán bộ NHCSXH thăm hộ bà Dương Thị Lâm đang vay vốn tín dụng HSSV cho con trai học đại học
Tận tâm để thấu hiểu những lo lắng của người nghèo

Trước những hoàn cảnh của gia đình bà Thơm, ông Hòa và còn nhiều hộ nghèo khác, nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời, đúng thời điểm cùng sự thấu hiểu những lo lắng của các hộ nghèo của các cán bộ NHCSXH thì đồng vốn ưu đãi vẫn khó có thể đến với người dân có nhu cầu.

Đối với chương trình cho vay HSSV, những ngày đầu năm học mới, bên cạnh niềm vui thì luôn còn đó nỗi lo chi phí học tập của các hộ khó khăn. Bà Vũ Thị Hoa, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 8, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ chia sẻ, trước khi con cái thi đại học, tâm trạng của nhiều phụ huynh đều lo lắng có đỗ đạt hay không, nhưng ngay cả khi đỗ rồi, thì nỗi lo về kinh tế lại hiện hữu rất lớn, nhất là với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi có chương trình cho vay HSSV, áp lực đã giảm được phần nào và đến nay, mức vay đã được tăng lên 25 triệu đồng/năm học/HSSV.

Với sự quan tâm kịp thời, đến nay, 250 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã và đang được vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ để trang trải chi phí học tập, giúp các em không bỏ lỡ con đường học tập của mình. Tính đến giữa tháng 9/2020, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ đã cho vay trên 6 tỷ đồng với 210 hộ vay cho con đi học. Nhiều hộ gia đình sau khi vay vốn HSSV, sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, có công việc giúp gia đình trả nợ gốc cho ngân hàng. Đơn cử, tại xã Long Xuyên có hộ bà Kiều Thị Mích, vay vốn cho sinh viên Ngọc Thanh Phúc với số tiền 33 triệu đồng để theo học tại Học viện Ngân hàng. Phúc đã ra trường năm 2018 và hiện nay có việc làm ổn định, đã trả nợ cho ngân hàng số tiền gốc 25,5 triệu đồng. Hay ở xã Võng Xuyên có hộ bà Khuất Thị Tuyết được duyệt cho vay 50 triệu đồng cho sinh viên Lê Tuấn Anh học Đại học Y Hà Nội, sinh viên này đã ra trường năm 2018 và hiện nay đã có việc làm ổn định, giúp gia đình trả nợ cho ngân hàng…

Bên cạnh chương trình tín dụng HSSV, nhiều chương trình cho vay khác cũng được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện có hiệu quả như: cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm… Đến giữa tháng 9/2020, tổng dư nợ cho vay 8 chương trình vay vốn Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang triển khai đạt hơn 418 tỷ đồng, tăng gần 66 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành trên 99% kế hoạch tăng trưởng. Hoạt động cho vay được thực hiện theo hình thức NHCSXH ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.

Để nguồn vốn ưu đãi đến với các gia đình khó khăn được kịp thời, ông Đàm Quốc Thịnh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ cho biết: Trong những tháng cuối năm, NHCSXH huyện sẽ tích cực, chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác, Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thông huyện để tuyên truyền về chính sách tín dụng cho người dân biết; Chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác nắm bắt nhu cầu vay vốn để bình xét cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Ngoài ra, NHCSXH huyện sẽ chủ động liên hệ với NHCSXH thành phố nắm bắt chỉ tiêu kế hoạch, qua đó triển khai hồ sơ vay vốn sớm, sẵn sàng giải ngân khi có kinh phí chuyển về.

Nụ cười hạnh phúc của bà Phạm Thị Thơm (người thứ hai bên phải) nhờ được vay vốn ưu đãi mở rộng chăn nuôi lợn đã cho gia đình bà nguồn thu nhập tốt
Để giúp người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoài Đức cho biết, ngân hàng đã tiết giảm chi phí, đồng thời tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách. Trong những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoài Đức chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoài Đức đã tập trung nâng cao kỹ năng và tính chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng huyện, hội đoàn thể cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn các xã, thị trấn nhằm tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn thời gian giao dịch nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt các nhu cầu vay vốn, trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm của người dân. NHCSXH huyện thực hiện công khai thông tin về chính sách tín dụng của Chính phủ, công khai danh sách hộ vay vốn, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, tạo điều kiện cho người dân kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tại cơ sở.

Với những giải pháp quyết liệt từ NHCSXH, nhiều người dân vùng ven đô tin tưởng rằng, chính sách cho vay ưu đãi sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, hỗ trợ thêm nhiều hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn có con đang đi học hoàn thành tốt việc học, có việc làm ổn định, vững tin mở rộng sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo, từng bước đưa đời sống của các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn các huyện vùng ven Thành phố Hà Nội ngày càng ổn định, phát triển hơn.

Nguồn Tạp chí Ngân hàng

Bài viết liên quan

clip_image001

Cảm hứng cho người không khuyết tật

clip_image003

Nam Định: Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, đôn đốc khắc phục ảnh hưởng do bão, lụt

Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Cần làm tốt vai trò truyền thông liên quan đến người khuyết tật

Picture1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại tỉnh Nam Định

Picture1

Nam Định tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang