Mạn đàm ngày Xuân: Câu chuyện khuyết tật – Câu chuyện không của riêng ai

(ĐHVO). Trong mỗi chúng ta, nếu ai không phải trải qua “giai đoạn khuyết tật” thì đó chính là một điều may mắn vô cùng. Bởi lẽ, cơ bản mỗi con người đều phải trải qua tuổi già với mắt mờ, chân chậm, tay run, tai nghễnh ngáng… thậm chí còn phải đối mặt với những điều kinh khủng hơn. Chính vì vậy, câu chuyện về khuyết tật không phải là câu chuyện của riêng ai.


Có lẽ, mỗi khi Tết đến Xuân về là dịp người ta chúc nhau những điều may mắn, mong ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình, bạn bè, làng xóm, các mối quan hệ và rộng hơn là đối với tất cả mọi người. Đối với quốc gia, dân tộc đó chính là dịp để cầu cho quốc thái dân an, hòa bình thịnh vượng…

Dịp Tết cũng không chỉ đơn giản là câu chuyện “Tống cựu nghinh tân”, đưa cái cũ đi, đón cái mới đến hay tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới. Bên cạnh đó, dịp đầu xuân năm mới cũng là cơ hội để mọi người “ôn cố tri tân”, hội ngộ sau những tháng ngày bôn ba, vất vả, tề tựu để cùng mạn đàm, nói những chuyện cũ, điểm lại những hình ảnh của các giai đoạn, chặng đường đã qua và chuẩn bị cho những kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu trong năm mới, thời gian tới. Dịp cuối năm cũ, chào đón năm mới cũng là cơ hội để cùng nhìn lại, đánh giá, tổng kết, tìm kiếm những điều mới mẻ chuẩn bị cho những kết quả trong tương lai tốt đẹp hơn.

Trong những ngày chuẩn bị đón chào năm Quý Mão, mời bạn đọc cùng tác giả Tuệ Lâm – Thanh Tâm mạn đàm câu chuyện đầu xuân về một trong những chủ đề của lĩnh vực người khuyết tật.

Người khuyết tật là ai – Ai là người khuyết tật

Theo giải thích từ ngữ của Luật Người khuyết tật thì người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Theo cách “giải nghĩa” của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật thì người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Như vậy, chiếu theo Luật Người khuyết tật và Công ước quốc tế thì bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể trở thành người khuyết tật khi mà gặp những vấn đề, rào cản về sức khỏe, rào cản xã hội… khiến cho các hoạt động thường nhật trở nên khó khăn cũng như khó có thể tham gia hữu hiệu và trọn vẹn vào xã hội…

Câu chuyện không phải của riêng ai

Cũng chính vì bất kỳ ai trong chúng ta cũng như người thân, bạn bè, các mối quan hệ… đều có thể sẽ trở thành người khuyết tật. Không chỉ bởi tuổi tác, thời gian mà xã hội ngày càng xuất hiện nhiều nguyên nhân khiến con người ta trở thành khuyết tật. Nào là do bẩm sinh; do ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ xã hội, thậm chí từ chính sự phát triển mạnh mẽ của xã hội; tai nạn giao thông; tai nạn lao động; từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; thảm họa môi trường; thiên tai dịch họa. Thậm chí, đôi khi chỉ đơn giản là cú ngã, đột quỵ, bệnh tật… Có quá nhiều mối nguy cơ, là nguyên nhân dẫn đến và làm gia tăng tình trạng khuyết tật ở con người, nhất là đối với trẻ em. Không chỉ từ yếu tố khách quan mang lại mà chính từ những nguyên nhân chủ quan của mỗi người đều có thể trở thành nguy cơ thường trực.

Có lẽ, tại thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ quan tâm đến một vấn đề nào đó khi chúng ta gặp phải và đang vướng mắc… trong các vấn đề chúng ta đang cần phải đối mặt.

Rõ ràng “khuyết tật’ không bỏ qua cho bất kỳ ai trong mỗi chúng ta, nó có thể đến từ từ hay bất ngờ không có dấu hiệu nào báo trước. Nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa, quan tâm cho dù ít nhất là làm giảm thiểu tình trạng khuyết tật thì đó luôn là cú sốc “khủng khiếp” đối với tất cả mọi người. Và từ đó, nhiều hệ lụy sẽ tiếp diễn như là một chuỗi bi kịch hay cũng sẽ là những câu chuyện “giá như”, “nếu”. Do đó, việc biết đến, hiểu để phòng tránh, đều giảm thiểu khuyết tật là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm cho người khuyết tật Việt Nam. Điều đó được thể hiện bằng các quy định pháp luật, chính sách hỗ trợ… Nhưng trên thực tế, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống thì bên cạnh những nỗ lực của Đảng và Nhà nước là sự góp sức không nhỏ của cả cộng đồng xã hội.

Khi và chỉ khi mọi người đều thấu hiểu, chia sẻ và thực hiện đúng các quy định của chính sách, pháp luật về người khuyết tật thì chính sách mới thực sự đi vào đời sống; kết quả đạt được mới thực sự đạt hiệu quả. Và quan trọng hơn đó cũng chính là đang thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ chung của tất cả mọi người. Nó cũng giống như câu chuyện người khuyết tật có vai trò gì, như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã ký kết và đang triển khai thực hiện. Chính vì vậy, bất cứ ai trong chúng ta đều phải có một phần trách nhiệm đối với công tác người khuyết tật như việc mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai đều phải có trách nhiệm đối với bản thân nói riêng, mọi hoạt động của đời sống, xã hội nói chung. Bởi dù ít hay nhiều, các kết quả hay hệ lụy từ các vấn đề của xã hội đều ít nhiều có những tác động nhất định đến cá nhân mỗi người.

Có như vậy thì mới đảm bảo góp phần thúc đẩy vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội cũng như thực hiện được mục tiêu vì hạnh phúc của mọi người.

Hiện nay chúng ta thường hay nhắc đến thuật ngữ công dân toàn cầu – là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. Hiện tượng xuất hiện khái niệm công dân toàn cầu đã làm thay đổi cơ bản mọi khái niệm và giá trị về biên giới, lãnh thổ, chính trị, văn hóa, quản lý nhà nước và cả ngành tư pháp quốc tế. Hay cao hơn nữa là công dân vũ trụ… Nhưng để làm được điều đó thì trước hết mỗi người trong chúng ta đều phải có nghĩa vụ là hoàn thành trách nhiệm là công dân của mỗi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, chính việc chung tay hỗ trợ NKT không chỉ đang góp phần giúp người khuyết tật hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào xã hội mà còn đang góp phần xây dựng những giá trị của công dân toàn cầu.

Có người từng chia sẻ: Cuộc sống luôn là những mảnh ghép đầy sắc màu. Bên cạnh những màu đỏ chói lọi là màu trắng tinh khôi, bên cạnh màu vàng rực rỡ là màu xanh dịu mát… Mỗi chúng ta là một mảnh ghép số phận mang cá tính, sứ mệnh, sự khiếm khuyết khác nhau và cùng góp mặt trên cuộc sống này. Mảnh ghép nào cũng quý, màu sắc nào cũng đẹp, đừng để gam màu của mình bị pha tạp, những hình dạng của mình bị méo mó, hãy biến sự khiếm khuyết thành hoàn hảo hay thế mạnh, sống như những gì vốn có, không chỉ để khẳng định bản thân mình mà còn đóng góp những giá trị của mình cho cộng đồng, xã hội…

Qua đó, ta thấy được rằng, bất kỳ ai trong chúng ta đều là những mảnh ghép cho một bức tranh đời sống tươi đẹp. Không một ai có thể khẳng định rằng mình toàn vẹn, không có bất kỳ khiếm khuyết nào và ai cũng cần phải cố gắng, bên cạnh bản thân đó còn là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội mà khởi nguồn chính là đối với những người thân, bạn bè, mối quan hệ xung quanh. Cũng chính vì lẽ đó mà câu chuyện người khuyết tật chắc chắn không phải câu chuyện của riêng bất kỳ ai, mà đó là câu chuyện của mỗi chúng ta, mỗi một con người trong xã hội luôn vận động, tiến bộ và phát triển một cách văn minh!

Cuối cùng, nhân dịp đầu xuân năm mới, xin kính chúc bạn đọc vạn sự bình an, sức khỏe, may mắn và hạnh phúc. Chúc công tác người khuyết tật ngày càng hiệu quả, mang lại những giá trị thiết thực, từng bước gỡ bỏ những rào cản để người khuyết tật không những được thụ hưởng quyền mà còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một công dân. Đó chính là sự bình đẳng và tham gia đầy đủ vào xã hội!

Tuệ Lâm – Thanh Tâm

Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng hành Việt số 01, tháng 01 năm 2023

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang