(ĐHVO). Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, có truyền thống học tập bởi vậy hơn ai hết, Bác hiểu tầm quan trọng của giáo dục. Chính Bác là người đặt nền đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục dân chủ mới, là người đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ” cho dân tộc ta. Kế thừa tư tưởng đó của Bác, Nhà nước Việt Nam ngày nay rất chú trọng, đầu tư vào công tác giáo dục cho mọi đối tượng, đặc biệt là người khuyết tật.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Theo quy định tại Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật được Nhà nước tạo điều kiện được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ. Đối với giáo dục phổ thông người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được có thể học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn có thể học bằng chữ nổi Braille.
Hiện nay, người khuyết tật được giáo dục dưới ba phương thức, bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt (căn cứ Điều 28 Luật Người khuyết tật năm 2012).
Phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật là giáo dục hòa nhập. Với phương thức giáo dục này, người khuyết tật sẽ được học cùng với người bình thường trong các trường phổ thông, ngay tại nơi người khuyết tật sinh sống. Phương thức này thường được áp dụng đối với người khuyết tật có khả năng học tập được với người không khuyết tật.
Giáo dục chuyên biệt và giáo dục bán hòa nhập được thực hiện trong trường hợp chưa có đủ điều kiện để người khuyết tật có thể học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập. Tại các cơ sở giáo dục người khuyết tật bằng phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập được gọi là giáo dục bán hòa nhập. Điều này có nghĩa là, những học sinh khuyết tật được học một số môn học, tham gia vào một số hoạt động giáo dục cùng học sinh bình thường trong trường học. Khoảng thời gian còn lại, người khuyết tật được tham gia học chương trình riêng với những nội dung và phương pháp giáo dục riêng phù hợp với khả năng của họ.
Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Học sinh khuyết tật học tập trong các lớp chuyên biệt hoặc trong trường chuyên biệt; hầu hết các trường, lớp chuyên biệt đều tập trung vào hỗ trợ đến việc phát triển các kĩ năng cá nhân và kĩ năng xã hội để học sinh giúp học sinh có thể sống độc lập tới mức tối đa sau khi hoàn thành xong chương trình.
Người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người khuyết tật sẽ lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật. Gia đình có trách nhiệm tạo mọi điều kiện và các cơ hội để người khuyết tật có thể được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân.
Trên thực tế, sự khiếm khuyết của người khuyết tật khiến họ khó khăn hơn người bình thường ở mọi mặt, nhiều người vẫn có ánh nhìn kỳ thị, có những hành vi phân biệt đối xử đối với người khuyết tật, nên thay vì mạnh dạn hội nhập với cộng đồng, nhiều người khuyết tật vẫn thu mình trong thế giới riêng. Chính vì vậy, Nhà nước rất kì vọng và khuyến khích người khuyết tập tham gia học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập. Bởi bản chất của giáo dục hòa nhập là tạo ra môi trường sống, học tập và hòa nhập cộng đồng tốt nhất cho người khuyết tật. Ở môi trường này, người khuyết tật tham gia học tập tại nơi mình sinh sống cùng gia đình, không có sự tách biệt môi trường sống, được tạo điều kiện thuận lợi tham gia học cùng người bình thường ở các trường, lớp. Người khuyết tật sẽ được tiếp xúc với mọi người, được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành nhân cách. Từ đó họ sẽ gạt bỏ sự khác biệt, mặc cảm để tự tin hòa nhập; mọi người cũng có thể hiểu, đồng cảm và có trách nhiệm với nhau hơn.
Để khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập, Nhà nước đã có những chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho người khuyết tật, việc này giúp bù đắp phần nào những thiệt thòi mà họ phải chịu.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế là đối tượng được miễn học phí. Điểm b, khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể hơn điều này, theo đó trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được miễn học phí.
Bên cạnh đó, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế (thuộc hộ cận nghèo hoặc nghèo) còn được Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng khác; thời gian được hưởng theo thời gian thực tế và không quá 9 tháng/năm học. (căn cứ quy định khoản 3 Điều 11 Nghị định 86/2015/NĐ-CP)
Với tình hình giá cả thị trường ngày một tăng cao, Bộ Giáo dục và đào tạo đã và đang đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 150.000 đồng/học sinh/tháng cho các em có thêm kinh phí để mua sắm đồ dùng và dụng cụ học tập.
Tri thức là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai, là cơ hội giúp ta thoát khỏi sự nghèo khổ để có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Vì vậy, dù có khó khăn, vất vả đến đâu, mong tất cả chúng ta vẫn sẽ cố gắng học hành, tích lũy tri thức! “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” ( trích Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” – Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Tiểu Nguyên