Luôn cùng nhịp đập trái tim

Sống ở “trái tim” của đất nước, người dân Hà Nội luôn cùng nhịp đập với người dân các tỉnh, thành phố, nhất là ở những khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Điều này được thể hiện rõ hơn thông qua nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa của mạng lưới Chữ thập đỏ.

Ấm lòng người khó

Hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2022 (diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-5), những ngày gần đây, lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn hối hả đóng gói 2.000 cuốn vở, gần 600 bộ đồng phục cùng một số đồ dùng thiết yếu mang tặng học sinh vùng cao thuộc huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Tổng các phần quà hỗ trợ trị giá gần 160 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Trà Liên cho biết, phần quà ý nghĩa này do Hội Chữ thập đỏ và Bưu điện huyện phối hợp thực hiện với mong muốn giúp trẻ em nghèo có điều kiện học tập tốt hơn. Trước đó, nhiều cơ sở Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Sóc Sơn thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn chuẩn bị những phần quà dành tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).

Dịp này, Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm cũng đưa những phần quà mang thông điệp yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân ở Thủ đô đến với hàng chục gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Cốc San, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Là đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà chữ thập đỏ với kinh phí 50 triệu đồng, chị Vy Thị Thương, thôn Tòng Chú (xã Cốc San) xúc động cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị sống trong ngôi nhà nhỏ xuống cấp, cuộc sống gập ghềnh gian khó. Nay được hỗ trợ xây dựng nhà mới, gia đình chị vui lắm, cảm ơn người dân ở Thủ đô nhiều lắm.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Cốc San, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) xúc động đón nhận những phần quà từ Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm.

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, trong Tháng Nhân đạo năm 2022, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cùng các nhà hảo tâm vừa trao tặng một công trình nhân đạo cho người nghèo ở tỉnh Lạng Sơn. Còn tại tỉnh Cao Bằng, Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo; 45 suất quà (mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng), 5 con bò sinh sản cho các gia đình khó khăn ở xã Phong Châu (huyện Trùng khánh).

Cũng ở Cao Bằng, các đơn vị thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố trao nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt thiết bị cho các điểm trường học với trị giá 1 tỷ đồng.

“Nguồn lực trợ giúp của người dân Thủ đô dành cho người dân vùng khó trong Tháng Nhân đạo năm 2022 vừa là sự quan tâm, chia sẻ, vừa là nghĩa tình cao cả, thiêng liêng. Đó cũng là giải pháp thiết thực góp phần hỗ trợ giảm nghèo cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng Vương Văn Thuận nhấn mạnh.

Đa dạng hình thức trợ giúp

Trên thực tế, hoạt động trợ giúp cho người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng, duy trì thực hiện trong nhiều năm qua với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Việc hỗ trợ được triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhu cầu của từng trường hợp, nhóm đối tượng, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc…

Với người dân không may gặp thiên tai, nguồn lực trợ giúp thường là lương thực, thực phẩm, thuốc men cùng một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, bảo đảm cho họ sớm vượt qua khó khăn trước mắt. Với người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, những phần quà thường đến với họ vào dịp lễ, Tết Nguyên đán thông qua những phiên chợ nhân đạo vùng cao, “phiên chợ 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng”…

Góp phần tạo điểm tựa cho các trường hợp khó khăn vươn lên, nhiều ngôi nhà mới mang tên nhà chữ thập đỏ đã “mọc lên” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Là địa phương có một số người dân được hỗ trợ xây dựng nhà chữ thập đỏ, Chủ tịch UBND xã Xuân An, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) Đinh Công Toàn cho biết, sau khi có nhà vững chãi, các gia đình đều có cuộc sống tốt hơn, dần vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo…

Đặc biệt, học sinh vùng khó được các cấp hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội triển khai hỗ trợ thông qua các chương trình, mô hình thiết thực, ý nghĩa như: “Trường tới trường kết nối yêu thương”, “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Mỗi trường học gắn với một địa chỉ nhân ái”…

Chia sẻ về hoạt động trợ giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, các cơ sở hội luôn nêu cao tinh thần: “Ở đâu người dân gặp khó, ở đó có sự trợ giúp kịp thời của lực lượng cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ”. Vì thế, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng hướng đến và được ưu tiên trợ giúp của mạng lưới chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

Theo hướng này, lực lượng cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ ở Thủ đô tăng cường vận động, huy động nguồn xã hội hóa để có thể mở rộng đối tượng được trợ giúp… Chẳng hạn, tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nguyễn Thị Thanh Yến khẳng định: “Đưa nguồn lực đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở hội, chi hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Gia Lâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đối tượng trợ giúp sẽ đa dạng hơn giai đoạn trước”.

Dưới góc nhìn khách quan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa mong muốn, hành trình trợ giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được các cấp Hội chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội triển khai bằng những cách làm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang