Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH vận dụng quan điểm lấy “dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác vận động toàn dân PCCC trong giai đoạn hiện nay

(ĐHVO). Hiện nay, Bộ Công an đang đặt ra yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Là một bộ phận của lực lượng CAND, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đang từng bước đổi mới công tác vận động toàn dân tham gia PCCC để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Để làm được điều này, việc vận dụng quan điểm lấy “dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác vận động toàn dân PCCC là yêu cầu khách quan, cần thiết.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Hiện nay, sự phát triển kinh tế – xã hội tất yếu đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho công tác PCCC. Để ngăn ngừa cháy, nổ và thảm họa do cháy, nổ gây ra, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC là một biện pháp phòng ngừa xã hội quan trọng của công tác PCCC. Thực tế cho thấy, nguyên nhân gây ra các vụ cháy có một phần do ý thức chủ quan của người dân, phát hiện và tổ chức chữa cháy ban đầu cũng là người dân; đám cháy lớn hay nhỏ, thiệt hại ít hay nhiều có một phần lớn do người dân có ý thức tốt trong hoạt động PCCC chưa.

Thông qua thực tiễn tuyên truyền, vận động phong trào toàn dân tham gia PCCC của cán bộ, chiến sĩ CAND làm nhiệm vụ PCCC và CNCH đã mang lại kết quả đáng ghi nhận: ý thức, trách nhiệm về PCCC của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân được nâng cao; quần chúng nhân dân, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở đã phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ cháy ngay từ ban đầu, góp phần kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại như : Một số người đứng đầu cơ sở chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC…

Do đó, để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng PCCC thực sự thiết thực, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH cần học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, đặc biệt là phong cách ứng xử “dựa vào dân” của Người.

1. Quan điểm lấy “dân làm gốc” của chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Với tầm nhìn của một vĩ nhân, Người luôn thấy rõ và đánh giá cao vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Người luôn nhấn mạnh, CAND phải “dựa vào dân”. Điều này được thể hiện như sau

1.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của “dựa vào dân” là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dân; phải có ý thức rõ “dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”[1]. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến đường lối chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng, thành sức mạnh cách mạng thì Đảng phải có đường lối đúng đắn; cán bộ đảng viên “phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng. Xa rời dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”[2]. Cán bộ đảng viên còn phải học hỏi dân, nếu không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân, mà “muốn hiểu biết, học hỏi dân thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm”[3].

Do đó, ngay cả khi cách mạng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn một lòng tin tưởng vào nhân dân. Người cho rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được” và Người thường xuyên động viên nhắc nhở:“chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”[4]

1.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[5] và do vậy, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[6]. Người còn giải thích rõ: dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng và đưa sự nghiệp đó tiến lên. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[7]

1.3. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân

Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân, khinh dân, đặc biệt là thói kiêu ngạo “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai, “không tin dân” để dẫn đến chỗ “dân không tin” làm hại đến uy tín của Đảng, của Chính phủ. Do đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Người căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, mỗi cán bộ trước hết là người “đầy tớ của dân” nên phải hết lòng phục vụ nhân dân, đồng thời là người lãnh đạo hướng dẫn nhân dân nên phải có trí tuệ hơn người, biết nhìn xa trông rộng và phải gần gũi nhân dân.

2. Thực trạng công tác vận động toàn dân PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH trong thời gian qua

2.1. Ưu điểm

Trong những năm qua công tác tuyên truyền toàn dân PCCC được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục triển khai đồng bộ đồng bộ. Hình thức tuyên truyền tiếp tục được đa dạng hóa, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; đã tổ chức tuyên truyền về PCCC và CNCH qua mạng xã hội Zalo, Facebook…. Bên cạnh đó, Các mô hình phong trào và điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH như: Mô hình “Cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC”, “Cụm dân cư an toàn về PCCC”, “Đơn vị điển hình tiên tiến và khu phố an toàn về PCCC”, “Cụm làng nghề, cụm công nghiệp an toàn PCCC cũng được lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tích cực xây dựng. Để đảm bảo thông tin thông suốt, kịp thời, cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương trong năm 2021 đã xây dựng 28.820 tin, bài viết đăng trên báo điện tử, tạp chí; 206.304 phóng sự, phim tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương[8].

Bên cạnh những phương thức tuyên truyền tiên tiến, hiện đại, cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục các hình thức tuyên truyền mang tính trực quan, trực tiếp như:  tổ chức treo băng rôn, pano, khẩu hiệu, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; phát hành tờ rơi, tài liệu, lượt khuyến cáo PCCC đến người dân; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh nội bộ của cơ sở, qua đài truyền thanh của xã, phường, tổ dân phố, khu dân cư và tổ chức tuyên truyền lưu động được. Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp tổ chức được 228.387 buổi tuyên truyền miệng thu hút 2.069.222 lượt người nghe, tổ chức cho 312.233 cơ sở, hộ gia đình, tiểu thương ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; huấn luyện nghiệp vụ PCCC, PCCC và CNCH được 8.867 lớp với 412.621 lượt người tham gia, cấp 299.971 chứng nhận huấn luyện[9].

Để đảm bảo lực lượng tại chỗ, năm 2021, cảnh sát PCCC và CNCH đã thành lập tổng số đội dân phòng là 69.885/86.468 (thôn) đơn vị thuộc diện phải thành lập với trên 700.000 thành viên; đã thành lập được tổng số đội PCCC cơ sở là 325.087/340.945 cơ sở thuộc diện phải thành lập với trên 2.321.000 thành viên; thành lập được tổng số đội PCCC chuyên ngành là 493/565 cơ sở thuộc diện phải thành lập với trên 8.600 thành viên[10].

2.2. Hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ở nhiều nơi nội dung tuyên truyền nhiều lúc chưa sát với tình hình thực tế tại cơ sở, do cán bộ tuyên truyền chưa nắm vững về địa bàn mình đến tuyên truyền nên nội dung tuyên truyền không thu hút được người nghe. Khi đề cập đến các kiến thức về PCCC, đặc biệt là các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC chưa có sự thu hút đối với người nghe, làm giảm rõ rệt hiệu quả tuyên truyền về công tác an toàn PCCC.

Trong việc hướng dẫn người dân sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ, cán bộ tuyên truyền có sự hướng dẫn tận tình chu đáo, người dân cũng sử dụng rất thành thạo các phương tiện này. Nhưng khi thực tế xảy ra cháy, nhiều người không sử dụng được, hoặc là chọn giải pháp chạy khỏi đám cháy chứ không dập tắt đám cháy mặc dù có cơ hội. Điều này đặt ra vấn đề lớn đó là khi tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền PCCC chưa chuẩn bị cho người dân những tâm lý tương đồng khi ở đám cháy. Khi cháy, nổ xảy ra tâm lý con người nhìn chung rất hoảng loạn, lo sợ cho nên những hành động cũng không giống với điều kiện bình thường.

Khi tuyên truyền toàn dân PCCC qua việc sử dụng ngôn ngữ viết ( tin, bài trên báo chí, sách; các loại pano, áp phích,…): Những bài viết thường khô cứng, chưa thực sự đi sâu vào trái tim, tình cảm của người dân. Những bản tin nhiều lúc còn dài dòng, không được cô đọng, súc tích nhằm phản ánh một sự việc nào đó. Đôi khi, những tin tức tuyên truyền PCCC của cảnh sát PCCC đến với người dân còn quá chậm, chưa cập nhật, điều này cũng làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC. Một số nội dung tin, bài, phóng sự còn chưa đi sâu, đề cập, phê phán những thiếu sót, vi phạm quy định an toàn và thiếu tinh thần trách nhiệm trong PCCC,…

2.3. Nguyên nhân hạn chế

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy, nổ phức tạp trên là do phong trào Toàn dân PCCC ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng, hiệu quả, nhận thức về công tác phong trào toàn dân PCCC của các cấp chính quyền và người đứng đầu cơ sở còn hạn chế, bất cập, thậm chí còn xem nhẹ; còn thiếu các điều kiện cần thiết tạo động lực cho việc xây dựng và thúc đẩy phong trào Toàn dân PCCC phát triển hình thức, biện pháp phát động phong trào còn đơn điệu, chưa thu hút, lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân; chưa có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến…

Công tác xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ chưa được lãnh đạo các cơ sở, địa phương thực sự quan tâm; nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và các quy định của pháp luật về lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng của không ít lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ sở còn hạn chế dẫn đến chưa xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng

Hầu hết cán bộ làm công tác tuyên truyền của cảnh sát PCCC chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này, đa phần các cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Do vậy, khi thực hiện công tác tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói ( buổi nói chuyện, phát thanh,…), nhiều cán bộ còn lúng túng, tuyên truyền còn khô cứng, chưa thực sự cuốn hút được người nghe. Cách thức tuyên truyền vẫn còn đơn giản, một chiều, chưa có nhiều yếu tố tương tác giữa cán bộ tuyên truyền với người dân. Công tác tuyên truyền còn chiếm phần lớn thời gian trong buổi tuyên truyền, còn việc thực hành sử dụng các phương tiện chữa cháy thì chiếm ít thời gian, chưa tạo được tinh thần sôi nổi cho buổi tuyên truyền.

3. Cảnh sát PCCC và CNCH vận dụng quan điểm lấy “dân làm gốc” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động toàn dân PCCC

3.1. Mục đích công tác vận động toàn dân PCCC phải đảm bảo an toàn cho nhân dân

Xuất phát từ quan điểm hết lòng phụng sự nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của việc tuyên truyền là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”[11] và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”.

Bởi vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC, cán bộ làm cần làm rõ cho nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC, khi người dân đã hiểu kỹ vấn đề, người dân làm theo những gì cán bộ đã hướng dẫn, khi ấy người cán bộ mới hoàn thành nhiệm vụ.

Trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC, cán bộ cần phải bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Mục đích của công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC: nâng cao được nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân với công tác PCCC; nâng cao được kiến thức PCCC cho quần chúng; nâng cao được khả năng, năng lực thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy cho nhân dân.

3.2. Nội dung và hình thức vận động toàn dân PCCC gần gũi, thiết thực với nhân dân

Người cán bộ làm công tác tuyên truyền toàn dân PCCC khi trình bày những vấn đề liên quan đến công tác PCCC cần có sự trao đổi trực tiếp, thẳng thắn những vấn đề liên quan đến công tác PCCC, những vấn đề này phải thực sự thiết thực, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân. Cán bộ làm công tác này phải có sự chuyển bị tài liệu kỹ càng, công phu, không thể làm theo kiểu đối phó hoặc nhớ gì nói ấy. Bài nói chuyện cần phải sử dụng nhiều tư liệu thực tế để đảm bảo tính thống nhất giữa lý thuyết và thực tế, tính cụ thể trong công tác tuyên truyền, làm bài nói thêm sinh động, thu hút được người nghe tốt hơn. Tài liệu thực tế cần phải được lấy từ cơ sở để dẫn chứng cho một luận điểm nào đó, tránh lấy những ví dụ ở một nơi xa xôi, nơi mà nhiều người nghe không biết hoặc chưa từng nghe nói đến vì sẽ làm giảm sức thuyết phục của bài nói.

3.3. Huy động sức mạnh của toàn dân trong công tác PCCC

Bác có nói: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Trong công tác phòng cháy và chữa cháy có những nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình tổ chức hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy, nguyên tắc cơ bản đó là: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC là một trong những bộ phận của công tác PCCC. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC cũng cần quán triệt tốt nguyên tắc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

Nguyên tắc “Huy động động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy” được thể hiện trong hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC như sau:

Trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC phải biết huy động mọi nguồn lực (nhân lực, trí lực, vật lực, tài lực,…) để đảm bảo yêu cầu. nhiệm vụ được giao.

Phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và cả cộng đồng quốc tế để giải quyết nhiệm vụ tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC.

TS Lưu Ngọc Long

Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy

Th.s Nguyễn Thị Như Hoa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Khánh Bằng (2014),“Học tập và vận dụng sáng tạo tinh thần dân chủ và quan điểm quần chúng của Hồ Chí Minh”, Tạp chí Giáo dục, số 5, Hà Nội

2. Đào Hữu Dân và Hoàng  Ngọc Hải (2014), Giáo trình Luật phòng cháy và chữa cháy, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

5. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

6. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

7. Nguyễn Thế Từ và Nguyễn Thành Long (2005), Giáo trình tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

8. www.canhsatpccc.gov.vn


[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.333

[2] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.278

[3] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.333

[4] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.286

[5] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.434

[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.XIX

[7] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.325

[8] www.canhsatpccc.gov.vn

[9] www.canhsatpccc.gov.vn

[10] www.canhsatpccc.gov.vn

[11] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội; tr.162

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang