Lựa chọn sách giáo khoa mới: Rất cần sự tâm huyết với nghề

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có quyết định phê duyệt thêm 7 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT). Như vậy đến thời điểm này đã có 45 cuốn SGK lớp 1 cho 9 môn học/hoạt động giáo dục được phê duyệt sử dụng cho chương trình phổ thông mới để các hội đồng lựa chọn SGK đưa vào trường học từ năm học 2020-2021.


Năm học 2019-2020 học sinh lớp 1 sẽ được học SGK của chương trình GDPT mới. Ảnh: Tiền Phong.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2020-2021 sẽ chính thức bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới và SGK mới đối với lớp 1. Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT, việc lựa chọn SGK lớp 1 sẽ được tiến hành từ 15/3. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương, các trường lựa chọn SGK chuẩn bị áp dụng chương trình mới.

Thông tư quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK; quy trình lựa chọn SGK và công bố danh mục SGK được lựa chọn; trách nhiệm của các bên liên quan. Từ đây, các địa phương sẽ lựa chọn SGK thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 đầu SGK. Mỗi cơ sở GDPT sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách do hiệu trưởng đứng đầu.

SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 đầu SGK. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tiêu chí để lựa chọn SGK là phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở.

Theo quan sát của chúng tôi, tận dụng thời gian học sinh được nghỉ phòng dịch COVID-19 vừa qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã ráo riết thực hiện các bước cho việc lựa chọn SGK mới. Một khâu quan trọng là tiếp cận các bản thảo, đọc, nghiên cứu và thảo luận, đánh giá để có cái nhìn toàn diện về các bộ SGK lớp 1.

Nét mới của SGK lần này là một chương trình, nhiều bộ SGK. Trong đó, chương trình quy định cụ thể chuẩn đầu ra, nghĩa là các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng đối với học sinh sau khi hoàn thành chương trình. Đây là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học. Giáo viên có quyền chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, phân phối thời gian sao cho phù hợp với đối tượng học sinh để đạt chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình.

Đứng trước việc lựa chọn SGK mới sử dụng cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có khá nhiều trao đổi, tranh luận của cộng đồng xã hội. 45 đầu sách được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các nhà trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong… phù hợp với học sinh.

Bộ GD-ĐT đã có một lộ trình đủ thời gian để các nhà trường chủ động thực hiện. Hành lang pháp lý và điều kiện để các địa phương, mỗi nhà trường triển khai đã cơ bản đầy đủ. Trước khi lựa chọn SGK và trong quy trình lựa chọn, các nhà trường sẽ có đợt sinh hoạt chuyên môn rộng rãi, chủ động nghiên cứu để đánh giá, nhận xét, tham vấn cho hội đồng nhà trường. Đó cũng chính là cách chủ động bồi dưỡng giáo viên.

Để việc lựa chọn SGK lớp 1 dùng từ năm học 2020-2021 được minh bạch, đúng với tiêu chí, yêu cầu đề ra, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội rất mong muốn cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt từng khâu lựa chọn SGK lớp 1. Các cơ sở giáo dục cần có cơ chế để tăng sự giám sát của phụ huynh học sinh; công khai với phụ huynh, học sinh lý do lựa chọn từng đầu SGK. Và hơn thế nữa, rất cần cái tâm của mỗi cán bộ quản lý giáo dục, thầy giáo, cô giáo để có sự lựa chọn công tâm, vì học sinh; tránh bị tác động của những yếu tố tiêu cực trong quá trình lựa chọn SGK.

Việt Khang

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang