Lớp hướng dẫn làm hoa tái chế cho người khuyết tật

(ĐHVO). Rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách hiện nay. Cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Hòa cùng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa trên khắp cả nước, Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân đã tổ chức lớp hướng dẫn làm hoa tái chế cho những người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới.

Tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng.

Các loại túi nilon được sử dụng tràn lan trong các hoạt động xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng. Hệ quả là lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, ước tính lượng rác thải nhựa được tạo ra từ 1,8-2,8 triệu tấn/năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.


Với thực trạng như vậy, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác thải nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng. Hơn ai hết, nhóm người khuyết tật, nhóm yếu thế trong xã hội sẽ là nhóm chịu nhiều tác động xấu nhất từ sự ô nhiễm môi trường này.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giảm thiệu rác thải nhựa, Cậu lạc bộ phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân đã mở lớp hướng dẫn làm các sản phẩm thủ từ rác thải nhựa. Lớp học này không chỉ hướng dẫn cho những người khuyết tật cách làm các sản phẩm như hoa, bình hoa, chậu cây trồng, cây mini từ các nguyên liệu như ống hút, vỏ mút bọc hoa quả mà còn lan tỏa đến họ ý thức bảo vệ môi trường.



Những giỏ hoa được làm từ ống hút và vỏ mút bọc hoa quả

Lớp hướng dẫn làm hoa tái chế của Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân được tổ chức với mong muốn lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế và tái sử dụng rác thải nhựa, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường xanh sạch tới cộng đồng và nhân rộng và phát triển rộng mô hình ra trên các phường xã, quận huyện trên địa bàn Hà Nội. Lớp học bắt đầu từ ngày 07/03/2021, bao gồm 5 buổi học cùng với sự tham gia của 35 học viên. Họ đều là những người khuyết tật đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dưới sự hướng dẫn của Bà Đoàn Thị Ánh Hồng – là phó chủ tịch phường Hạ Đình kiêm chủ nhiệm của câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật quận Thanh Xuân Hà Nội, đồng thời là người hướng dẫn kỹ thuật tái chế; chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung –  phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Thanh Xuân, trưởng Ban truyền thông hội người khuyết tật quận Thanh Xuân, Trưởng dự án “Phụ nữ khuyết tật tái chế rác thải nhựa”, đồng thời là người hướng dẫn kỹ thuật tái chế. Trong  mỗi buổi học, các học viên sẽ được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và chi tiết các bước, các thao tác để làm nên những bông hoa, những chậu cây từ ống hút, vỏ mút bọc hoa quả. Ngoài ra, đan xen trong các buổi học đó, các học viên sẽ được chị Nhung và cô Hồng chia sẻ về các vấn đề ô nhiễm môi trường và tác hại của rác thải nhựa. Thời lượng 4 tiếng của mỗi buổi học trôi qua rất nhanh và tràn đầy tiếng cười, tiếng trò chuyện của hội viên.



Lớp học tràn đầy tiếng cười của các hội viên

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lớp học này, Câu lạc bộ cũng gặp không ít khó khăn. Đây là ý tưởng mới được phát triển bởi Câu lạc bộ nên chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, có những học viên ở xa nên chí phí đi lại cũng khá tốn kém. Đặc biệt, khó khăn nhất đó chính là chưa tìm được nơi tiêu thụ các sản phẩm này. Hiện nay, nguồn thu nhập chủ yếu là dựa vào việc bán các sản phẩm tái chế này cho những người quen biết. Ngoài ra, việc thu gom những nguyên liệu như ống hút, vỏ mút,.. cũng rất khó khăn vì vì hội viên đều là người khuyết tật.

Nhưng bên cạnh những khó khăn đó, Câu lạc bộ lại nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ chú Trương Mạnh Thuyết – chủ tịch phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Chú là người khuyết tật nhẹ nhưng chú vẫn thường xuyên đưa đón những bạn khuyết tật đến lớp. Hơn nữa, để góp phần vào thành công của lớp hướng dẫn làm hoa tái chế này cũng phải kể đến sự nhiệt tình, tận tâm cô Hồng và chị Nhung – người trực tiếp hướng dẫn làm hoa tái chế và sự cố gắng, ham học hỏi của tất cả các hội viên tham gia lớp học.



Chú Trương Mạnh Thuyết – chủ tịch phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân

Hoạt động làm hoa tái chế của Câu lạc bộ phụ nữa khuyết tật quận Thanh Xuân sẽ được tổ chức thường xuyên trong năm 2021 và cố gắng để phát triển bền vững, lâu dài, tạo công ăn việc làm cho những chị em phụ nữ khuyết tật. Đồng thời, Câu lạc bộ dự kiến sẽ tổ chức một tuần một buổi vừa học làm hoa vừa kết hợp truyền thông về tác hại của rác thải đối với môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường bằng những hình thức khác nhau. Những người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội có đăng ký trên trang của Câu Lạc Bộ phụ nữ khuyết tật theo địa chỉ: https://www.facebook.com/HUONGDANTAICHE.

Hồng Thái


Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang