(ĐHVO). Chị Hoàng Thị Dịu (sinh năm 1989) ngụ tại thôn Minh Thành, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một người phụ nữ tuy bị khuyết tật nhưng không những sống tích cực, lạc quan mà còn giúp trẻ em xóm làng gieo mầm tri thức, ham mê đọc sách.
“Ba sẽ là cánh chim
Đưa con bay thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa
Cho con cài lên ngực.”
Tiếng giảng bài vang vọng mỗi ngày từ lớp học “Gieo Mầm” của chị Hoàng Thị Dịu, ngụ tại thôn Minh Thành, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã trở nên quá đỗi quen thuộc với bao bạn nhỏ nơi đây. Ngày nào cũng vậy, cứ bốn giờ chiều, nơi góc xóm nhỏ lại rộn lên những tiếng đọc bài, những tiếng lách cách gõ bảng của cô giáo Dịu. Hình ảnh thân thương của người cô luôn cần mẫn bên chiếc xe lăn đã khắc sâu mãi bên trong tâm trí của bao lứa học trò, người thầy ấy không chỉ mang đến thế giới tri thức mà còn là tấm gương nghị lực phi thường, vươn lên nghịch cảnh để góp mình cho những giá trị tốt đẹp.
Là con út trong một gia đình đông con, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngay từ khi tấm bé, chị Dịu đã luôn ý thức về việc không ngừng vươn lên bằng chính những nỗ lực của bản thân mình. Thế bởi điều kiện gia đình không cho phép, chị phải tạm gác lại chuyện học hành để tham gia lao động sản xuất. Những tưởng rằng chỉ cần chăm chỉ, tu chí làm ăn sẽ có một mái ấm hạnh phúc, một cuộc sống giản đơn bình lặng thì trớ trêu thay, vào năm 18 tuổi, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ, chị được bác sĩ chẩn đoán là không có buồng trứng, sự thật phũ phàng này đã tước đi cơ hội làm mẹ của chị. Cất giấu nỗi buồn ấy vào tận sâu thẳm trong tim, chị Dịu tiếp tục cần mẫn chăm chỉ với công việc lao công tại bệnh viện đa khoa Đông Hưng trong suốt 10 năm để phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Năm 27 tuổi, một lần nữa tai ương lại giáng xuống cuộc đời chị, chị phát hiện mình bị mắc bệnh xương thủy tinh. Từ một cô gái vốn lành lặn, khỏe mạnh thì giờ đây đôi chân của chị không thể đi lại được nữa, và cả phần đời còn lại chị phải bầu bạn với xe lăn.
Chị Hoàng Thị Dịu
Trải qua biết bao sóng gió trong cuộc đời, đã không biết bao lần khóc cạn nước mắt và chỉ muốn buông xuôi từ bỏ, nhưng nhìn thấy được tình yêu của những người thân xung quanh, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè hàng xóm xung quanh, chị như được tiếp thêm động lực. Từ ngày mất đi khả năng đi lại, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn từ việc đi đứng cũng như sinh hoạt cá nhân, tất cả đều phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân. Chưa kể, giờ đây cha mẹ chị cũng đã có tuổi, chẳng còn khỏe mạnh như xưa, cũng chỉ có thể đỡ đần được cho chị phần nào. Chính điều đó thôi thúc chị quay lại con đường học hành, trau dồi năng cao giá trị bản thân. Chị bắt đầu tiếp xúc với công nghệ, học hỏi qua những kênh mạng và dần bén duyên với nghề dạy học. Ban đầu, do lời ngỏ ý giúp đỡ của anh trai, chị đã nhận lời kèm cặp và chỉ dạy cho đứa cháu trong suốt khoảng thời gian hè. Cũng chính từ lúc đó, chị bắt đầu có niềm say mê với việc dạy học, chị chia sẻ rằng được giảng bài cho các em nhỏ, chị thấy vui lắm, chị như được tiếp thêm nhiều động lực để không ngừng trau dồi, làm mới bản thân. Điều đó đã thôi thúc chị mở ra các lớp học miễn phí tại nhà, đối tượng học sinh chủ yếu là các em mới bắt đầu học lớp một, cần được sự chỉ dẫn uốn nắn nhiều.
Với hy vọng sẽ giúp các em nhỏ có một khởi đầu đầy hào hứng trong quá trình học tập, chị Dịu quyết định đặt tên lớp học là “Gieo Mầm”, từ ngày lớp học được mở ra, một khoảng nhỏ trong nhà chị rộn ràng hơn hẳn. Ngày nào cũng vậy, cứ sau khi tan học, các em nhỏ lại háo hức mang sách vở sang nhà cô Dịu, được cô chỉ dạy uốn nắn từ những nét chữ nhỏ nhất, được cùng các bạn ngân nga những câu thơ, thỉnh thoảng cả gian phòng lại vang lên những tiếng cười khúc khích.
Chị Dịu và lớp học gieo mầm
Ngoài việc dạy học, chị còn bắt đầu tìm hiểu về công nghệ, giao lưu kết bạn với những người có cùng hoàn cảnh khó khăn, để có thể chia sẻ giúp đỡ nhau. Chính cơ duyên này đã tình cờ đưa chị biết đến anh Đỗ Hà Cừ – Chủ nhiệm CLB Không gian đọc Hy Vọng. Khâm phục trước nghị lực phi thường cùng niềm ham mê học hỏi từ những trang sách của anh, chị cũng muốn trang bị cho mình một tủ sách tại nhà vừa để chị có thể học hỏi trau dồi thêm tri thức vừa là hoạt động giải trí mới cho các bạn nhỏ sau những giờ học căng thẳng. Dù hiện tại số lượng sách chưa nhiều, nguồn sách chưa đa dạng nhưng chị vẫn mong muốn rằng một ngày nào đó văn hoá đọc sẽ được hình thành và lan tỏa nơi quê hương chị.
Mong rằng nghị lực phi thường cùng những đóng góp đáng khâm phục của chị Dịu sẽ là nguồn động lực, cảm hứng cho giới trẻ hiện nay. Dù cuộc sống có nhiều thử thách, chông gai nhưng chỉ cần chúng ta tin tưởng bản thân và cố gắng hết mình cho những điều tốt đẹp thì chắc chắn may mắn và hạnh phúc sẽ mỉm cười với chúng ta.
Nguyễn Hồng Ngọc – Hồng Liên